Nằm giữa ngàn thông lộng gió trên cao nguyên Langbiang, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam. Chính vẻ đẹp của thiên nhiên là tiềm năng, lợi thế để ngành dịch vụ du lịch của Đà Lạt phát triển. Bên cạnh du lịch truyền thống, những năm gần đây, Đà Lạt còn phát triển một loại hình mới đầy triển vọng, đó là du lịch nhà vườn nông nghiệp công nghệ cao. Những vườn rau sạch, những luống dâu tây cho quả chín mọng, hay những vườn hoa khoe sắc trong tiết trời se lạnh… đã tạo nên một sản phẩm du lịch mới đầy hấp dẫn du khách khi đến với thành phố trên cao nguyên này.
Những vườn hoa đẹp luôn hấp dẫn du khách.
Chỉ tính từ dịp lễ Quốc khánh 2/9 đến nay, ông Nguyễn Đình Lộc, một nông dân chuyên sản xuất các loại hoa cắt cành cao cấp ở làng hoa Thái Phiên, thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đón hơn 10 đoàn khách đến tham quan vườn hoa của gia đình, trong đó có cả du khách là người nước ngoài. Ông Lộc cho biết, mặc dù rất bận rộn với công việc đồng áng, nhưng ông và những nông dân khác trên địa bàn đều luôn nhiệt tình tiếp đón mọi du khách. Bởi lẽ, đây không chỉ là dịp để bà con nơi đây tự hào giới thiệu về làng hoa truyền thống của mình, mà còn có cơ hội giới thiệu sản phẩm, nhận được các đơn đặt hàng cung ứng khi du khách có nhu cầu, góp phần ổn định một phần đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Ông Nguyễn Đình Lộc, nói: “Việc gắn kết nông nghiệp và du lịch là một việc làm rất tốt và cần thiết. Khi mới được công nhận là làng hoa thì đã có nhiều du khách đến tham quan. Khi họ đến vườn của nông dân hỏi về cách trồng hoa, lượng hoa như thế nào thì chúng tôi sẵn sàng trả lời và cung cấp. Vườn hoa nào mà người ta thấy đẹp, muốn vào tham quan thì mình sẵn sàng tiếp đón. Sự nhiệt tình của người nông dân phường 12 - làng hoa Thái Phiên thì luôn tạo cho du khách sự thỏa mái".
Theo chị Nguyễn Thị Nhung, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, không gì thú vị hơn khi tự tay mình cắt những cành hoa đẹp, hái những quả dâu tây chín mọng ngay tại vườn của nông dân, hoặc trực tiếp tìm hiểu những quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, là được hóa thân thành một nông dân thực thụ rồi ghi lại những khoảnh khắc này bằng những tấm ảnh, những thước phim kỷ niệm trong hành trình du lịch của mình.
Chị Nhung cho biết, mặc dù đã nhiều lần đến tham quan Đà Lạt nhưng lần này là ấn tượng hơn cả: “Thấy rất là thích thú khi mà được tới tham quan vườn, du lịch vườn. Tại vì đến đây mình sẽ được tận mắt nhìn thấy các cây trồng được sinh trưởng phát triển như thế nào. Qua đó mình cũng biết được về công nghệ trồng sinh học, sạch để mà mang lại sản phẩm tốt, an toàn cho người tiêu dùng”.
Đà Lạt là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm theo hướng du lịch vườn của du khách, ngoài các làng hoa truyền thống, các cơ sở sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, nhiều mô hình canh tác rau, hoa, dâu tây… nhỏ lẻ của nông dân Đà Lạt cũng tự phát mở cửa đón tiếp du khách.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhận thấy hiệu quả bước đầu mà mô hình du lịch vườn mang lại, ngành du lịch địa phương đã bắt đầu có định hướng trong việc vận động các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh công tác xúc tiến, kết nối các tour, tuyến du lịch tại một số địa chỉ du lịch vườn uy tín để phục vụ du khách. Đây cũng được xem là một loại hình sản phẩm du lịch mới, đặc thù của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nói: “Nông nghiệp công nghệ cao phát triển ở thành phố Đà Lạt trong thời gian vừa qua là điều kiện để phát triển một loại hình du lịch mới, thu hút rất nhiều khách. Vì vậy trong giai đoạn tới, phát triển du lịch canh nông là một trong những mục tiêu cũng như là một định hướng của ngành du lịch lâm đồng. Chúng tôi cũng đang có nhiều chương trình, thứ nhất là tăng cường xúc tiến quảng bá cho loại hình du lịch này; thứ hai là phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho loại hình du lịch vườn. Phần nữa là cũng có đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị khai thác du lịch canh nông như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá”.
Tuy nhiên trên thực tế, du lịch vườn hay còn gọi là du lịch nông nghiệp tại Đà Lạt - Lâm Đồng về căn bản đã hình thành từ lâu, song đến nay vẫn chủ yếu là mang tính tự phát. Để tạo nên bước đột phá quan trọng, thúc đẩy hướng du lịch vườn phát triển bền vững trong mối quan hệ tương quan giữa phát triển ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch của địa phương, Lâm Đồng còn cần phải xây dựng một chiến lược lâu dài, đồng bộ và thông suốt, nhất là về các chủ trương, chính sách cho đến những cơ chế đặc thù, ưu đãi cho mọi chủ thể, đơn vị có liên quan./.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên