Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 13:30

Gặp gỡ gia đình truyền thống cách mạng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, vợ chồng ông Hồ Quốc Minh và bà Võ Thị Nữ, ngụ khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An luôn gìn giữ, phát huy và truyền những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ con cháu.

Vợ chồng ông Minh (bìa phải) thắp nhang tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ
Vợ chồng ông Minh (bìa phải) thắp nhang tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ 

Ông Minh kể, gia đình có tất cả 6 anh em. Sinh ra trong lúc nước mất, nhà tan, ba mẹ ông đã dạy cho các con những điều tốt đẹp, động viên các con tham gia chiến trận. Từ lẽ đó, tất cả anh em của ông đều tham gia kháng chiến, trong đó có người anh hai đã hy sinh. Năm 1967, khi vừa tròn 19 tuổi, ông đi bộ đội thuộc Trung đoàn 271, sau này ông chuyển qua Đội Phẫu thuật quân y 504. Hết kháng chiến chống Mỹ, ông lại làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia. Những ngày tháng ở chiến trường đã xe duyên cho ông với vợ mình, cũng là người có công với cách mạng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, ông về công tác tại xã Vĩnh Đại, sau đó làm cán bộ Hội Nông dân huyện và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Hưng đến khi về hưu năm 2008.

Lúc mới ra quân, cuộc sống gia đình ông gặp không ít khó khăn. Ngoài việc được Nhà nước cấp 2ha đất lúa, vào mùa nước lũ, vợ chồng ông giăng câu, thả lưới, đặt lọp bắt cá nuôi 4 người con (3 trai, 1 gái). Khó khăn, vất vả là vậy nhưng người thương binh vẫn nuôi dạy các con nên người. Các con của ông cũng hiểu được những nhọc nhằn của cha mẹ, ý thức được trách nhiệm của gia đình truyền thống nên ra sức phấn đấu học tập, làm việc. 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học tại những trường danh tiếng ở TP.HCM; trong đó có người học sau đại học. Hiện 3 người con trai của ông đảm đương những chức vụ quan trọng tại tỉnh Long An, huyện Tân Hưng, người con gái là bác sĩ công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM.

Trung đoàn 88 Vợ chồng ông Minh, bà Nữ (thứ 5, phải qua, hàng thứ 2) chụp ảnh lưu niệm khi Trung đoàn 88 về khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân xã Vĩnh Đại

Trung đoàn 88 Vợ chồng ông Minh, bà Nữ (thứ 5, phải qua, hàng thứ 2) chụp ảnh lưu niệm khi Trung đoàn 88 về khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân xã Vĩnh Đại

Đâu chỉ chăm lo gia đình mà ông còn nặng lòng, đau đáu khi nhớ về những đồng đội năm xưa vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Campuchia. Nhiều năm qua, ông cùng Đội K73 Long An sang nước bạn quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông nói: “Ngày xưa, tôi cùng các đồng chí "vào sinh ra tử". Có người bị trúng đạn nhưng thuốc men ít nên mất máu dẫn đến tử vong. Có người hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Tôi đảm nhận cứu thương cho đơn vị nhưng đành bất lực... Tự tay tôi chôn cất các đồng chí ấy nên sau ngày hòa bình lập lại, dù cảnh vật có nhiều thay đổi nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tìm cho bằng được”. 

Tự nhận mình là người may mắn khi còn sống sót sau chiến tranh nên ông nghĩ phải có trách nhiệm cống hiến, chia sẻ những mất mát với những gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc chiến. Chính điều này hun đúc ông làm nhiều việc ý nghĩa với những gia đình có công với nước. Không chỉ hiến nhiều diện tích đất để xây dựng nhà tình nghĩa, nhiều năm qua, ông trích tiền trợ cấp thương binh sửa chữa nhà tình nghĩa; nhân các ngày lễ, tết gia đình ông tặng quà cho những người có công, hộ nghèo;...

Đầu năm 2020, ông cùng vợ và một số đồng chí xã Vĩnh Đại thỉnh vong linh anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 88, hy sinh vào cuối năm 1969, đầu năm 1970 tại kênh 62, xã Vĩnh Đại, vào đền thờ mới. Ông Minh xúc động: “Thương lắm, hồi đó ở đây diễn ra trận đánh ác liệt. Trung đoàn 88 có khoảng 300 người đã hy sinh. Nhiều năm trước, người dân khu vực này dựng một miếu thờ và làm lễ giỗ tập thể. Sau này chính quyền xã, huyện lập đền tưởng niệm. Gần đây nhất, đền tưởng niệm được xây mới...”.

Những ngày gần đây, khi cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với tấm lòng của mình, ông dành 2 tháng lương thương binh để hỗ trợ người nghèo của xã Vĩnh Đại, thị trấn Tân Hưng. Còn vợ ông, suốt gần 1 tháng qua, bà tự may khẩu trang vải để hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, người dân trên địa bàn. 

Chia tay gia đình, tôi vẫn nhớ mãi lời nói của ông: “Tôi luôn dạy dỗ và khuyên con cháu phải nêu gương truyền thống của gia đình. Bởi gia đình mình là gia đình cách mạng”./.

Khánh Minh

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích