17/08/2017 - 01:20

Gặp lại soạn giả Huyền Nhung - Tác giả Dòng sông quê em

“Dòng sông quê em” của tác giả Huyền Nhung không còn xa lạ với công chúng, đặc biệt là những người con quê hương Long An. Tuy vậy, mấy ai biết được quá trình đến với công chúng của tác phẩm không hề dễ dàng và quãng đời tham gia kháng chiến của tác giả bài ca ấy là một hành trình nhiều kỷ niệm, lắm đau thương nhưng cũng thật vinh quang.

Cô bé văn công măng non…thiếu tuổi

Soạn giả Huyền Nhung tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tiến, sinh năm 1950, tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Trong trí nhớ của chị, đến 10 tuổi mà chị vẫn chưa rõ mặt cha vì ông tham gia kháng chiến từ khi chị chưa chào đời. Những lần về thăm nhà là những buổi tối rất muộn, ông vội về rồi lại đi ngay vì xung quanh là tai mắt của giặc, sơ hở là cả gia đình phải chịu liên lụy. Ngay từ khi còn nhỏ, chị em soạn giả Huyền Nhung được mẹ dạy, nếu ai có hỏi cha ở đâu thì phải nói là cha đi đốn củi trên rừng rồi chết, giặc đến nhà thì mẹ sẽ nhéo cho khóc thật lớn để ông bà ngoại gần đó đến ứng cứu.

Soạn giả Huyền Nhung cùng nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải

Năm 1960, những thiếu nhi từ 12 tuổi trở lên, là con, cháu các tỉnh ủy viên khi ấy được điều động tham gia đoàn Măng non chuẩn bị văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960), trong đó có chị hai của soạn giả Huyền Nhung. Tối hôm ấy, thấy mẹ may túi rút, chuẩn bị đồ cho chị hai lên đường thì cô bé Ngọc Tiến hờn dỗi. Khi cán bộ đến rước chị đi thì Ngọc Tiến bật khóc, quyết lòng đòi theo dù bị mẹ đánh đòn vì chưa đủ tuổi. Thấy cô bé lanh lợi, người cán bộ thuyết phục cho cả 2 chị em lên đường. Tuổi nhỏ nhất đoàn, bé Tiến lại có khiếu ca hát nên thường xuyên được đứng hàng trên biểu diễn. Tuổi thơ cô lớn lên cùng lời ca, tiếng đờn, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chiến sĩ lên đường chiến đấu.

Cũng trong những ngày tháng ấy, mất mát, đau thương là điều không tránh khỏi. Chị hai của Tiến tham gia quân y rồi hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Một ngày trên đường hành quân vào năm 1970, khi soạn giả Huyền Nhung đi kiếm nước, máy bay B52 bất ngờ thả bom khiến 7 đồng chí đang ở lại nấu cơm, dựng lán hy sinh. Gần 50 năm sau không tìm được hài cốt, chỉ có thể lấy tượng trưng vài nắm đất mang về tưởng nhớ, khói hương. Quãng thời gian ấy để lại cho chị nhiều cảm xúc, là chất liệu để chị “gói ghém”, lắng đọng trong ca từ, giai điệu của tác phẩm Dòng sông quê em.

Dòng sông quê em – Khúc sông “chảy mãi” trong lòng người mộ điệu

Năm 1974, chị được cử ra Bắc học Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa (Hà Nội). Trong những ngày tháng miệt mài đèn sách, chị vẫn đau đáu nỗi nhớ quê nhà, nhất là khi nghe tin chiến thắng từ miền Nam. Một lần nghe bài hát Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục), chị bồi hồi nhớ những khoảnh khắc bên đồng đội ngày còn phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Tất cả đều được góp nhặt thành những cảm xúc đặc biệt để chị “nung nấu” thành tác phẩm Dòng sông quê em chỉ trong vòng 2 đêm là hoàn chỉnh.

“… Mấy mươi năm sông cùng ta ra trận là bấy nhiêu lần chở nặng chiến công

Màu xanh quê hương lớn lên trong bom gầm lửa đạn

Nắng dãi mưa dầm có tình mẹ chắt chiu

Dòng sông tôi yêu chở nhiều nhung nhớ…”.

Sau khi đưa tác phẩm này cho soạn giả Trần Nam Dân - khi ấy là biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng xem, ông rất thích nhưng lại đắn đo vì chị là soạn giả kháng chiến đầu tiên “dám” viết một bài “tân cổ”. Thời điểm ấy, “tân cổ giao duyên” là thể loại khá nhạy cảm vì được nhiều người dân Sài Gòn yêu thích. Thế nên, tuy có nội dung ca ngợi quê hương, tinh thần đấu tranh của nhân dân nhưng được sáng tác theo phong cách mới lại gây ra nhiều tranh cãi. Vậy là, chị lặng lẽ cất giữ “đứa con tinh thần” của mình, chẳng hy vọng có một ngày được phổ biến cho công chúng. Sau ngày đất nước hòa bình, năm 1976, cũng chính soạn giả Trần Nam Dân cho thu “thí điểm” với giọng ca Thanh Tuấn - Lệ Thủy.

Soạn giả Huyền Nhung bộc bạch: “Tác phẩm này chưa thể gọi là hay, tuy nhiên, với lời lẽ mộc mạc, chân phương, tất cả như lời tâm tình của người con xa xứ nên rất dễ đi vào lòng người. Hơn nữa, thể loại tân cổ giao duyên đang được người miền Nam ưa chuộng, có tính đột phá, sáng tạo. Chính vì kết hợp 2 yếu tố này mà Dòng sông quê em được nhiều người yêu mến. Văn học - nghệ thuật phải “sống” trong lòng dân, công chúng đã thích thì cũng khó mà ngăn cản!”.

Đặc biệt hơn nữa, Dòng sông quê em cũng chính là “cầu nối” se duyên cho chị và cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Vũ, khi ông nghe bài ca này, cảm thấy khó ca và cứ ngỡ Huyền Nhung là một “ông” soạn giả nào đó nên tò mò tìm gặp. Ấy vậy mà nên duyên!

Cả cuộc đời trải qua đau thương, mất mát, tuổi cao, sức khỏe chẳng còn như trước nhưng ký ức về một thời chinh chiến vẫn luôn đậm sâu trong tâm trí người nghệ sĩ. Trò chuyện cùng soạn giả Huyền Nhung, người đối diện cảm nhận được sự gần gũi, chân phương của người con Nam bộ. Chị tâm tình: “Đôi khi nhớ lại những tháng ngày đã qua, tôi thấy mình quá may mắn. Khi biết bao đồng đội ngã xuống thì tôi còn được thấy quê hương thay da, đổi thịt từng ngày. Và với tôi, đi đâu, làm gì thì vẫn mãi yêu Long An - miền quê có đôi dòng Vàm Cỏ, nơi cha anh đổ máu cho dòng sông xanh biếc, êm đềm!”.

“… Vàm Cỏ kỷ niệm quê hương hay tình em đó

Rồi năm tháng qua mau như con sóng nhỏ trong lòng”.

Phạm Ngân 

Chia sẻ bài viết
  • BÀI VỌNG CỔ NÀY DÂN LONG AN AI CŨNG BIẾT CA, ĐI ĐÁM TIỆC NÀO CŨNG THẤY SONG CA RẤT HAY CÁM ƠN TÁC GIẢ!

    NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG -
    Fatal error: Uncaught Error: Call to undefined function ereg_replace() in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php:140 Stack trace: #0 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/box_comment.phtml(22): Default_Model_Common::getPeriod('17-08-2017 11:4...', 'vi') #1 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #2 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #3 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/detail.phtml(1304): Zend_View_Abstract->render(NULL) #4 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #5 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #6 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(897): Zend_View_Abstract->render(NULL) #7 /h