Gia đình anh Thái Bình và chị Nguyên Thảo (thứ 2, thứ 3 từ phải sang) luôn dành thời gian cho nhau
1. Mỗi sáng, anh Thái Bình (ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tranh thủ dậy sớm dọn cửa hàng rồi đưa các con đi học để chị Nguyên Thảo (vợ anh) có thể ngủ thêm chút nữa.
Anh Bình nói: “Tối nào bà xã tôi cũng bán hàng đến khuya nên buổi sáng, tôi đảm nhận nhiệm vụ đưa con đi học, dọn hàng ra bán. Công việc chung nên tôi không nghĩ là mình đỡ đần hay phụ vợ mà cùng nhau làm thôi!”.
Kết hôn 17 năm, cùng khởi nghiệp và cùng vượt qua nhiều khó khăn, anh chị hiểu và chia sẻ với nhau từ công việc đến cuộc sống. Cùng kinh doanh, quản lý cửa hàng thời trang nên đôi lúc không tránh khỏi những xung đột trong công việc, nhưng sau đó anh chị rút kinh nghiệm và phân chia công việc hợp lý hơn.
“Làm chung nên cứ mâu thuẫn hoài, có lúc tôi nhập kiện hàng này, anh không tán thành; có lúc anh nhập mặt hàng khác, tôi lại không đồng ý. Sau một thời gian nhận thấy cứ “hục hặc” thế này hoài thì làm sao buôn bán nên chúng tôi phân công lại công việc. Tôi phụ trách tìm kiếm nguồn hàng, chọn mẫu mã, trực tiếp giao dịch với các xưởng; còn anh theo dõi vận chuyển, kiểm hàng và đi đơn cho mối sỉ. Cả 2 cũng nhìn lại bản thân và điều chỉnh tính cách cho phù hợp hơn. Tôi nghĩ, chẳng ai hợp nhau hoàn toàn, chỉ là mỗi người có biết cách tự kiềm chế “cái tôi” của mình hay không mà thôi” - chị Nguyên Thảo chia sẻ.
Cả anh Thái Bình và chị Nguyên Thảo đều đặt mục tiêu là phải sống vui vẻ, thoải mái nên cứ thỉnh thoảng, khi sắp xếp được thời gian, anh chị lại đưa các con đi du lịch để con có thể khám phá những điều thú vị trong cuộc sống.
Anh chị có cùng quan điểm “tiền quan trọng nhưng tuổi thơ của con quan trọng hơn”, thế nên bất cứ khi nào có thể, gia đình nhỏ ấy lại quây quần bên nhau. Đó có thể là một buổi thư giãn tại quán cà phê quen thuộc, cùng nhau đến các mái ấm thăm trẻ mồ côi hay nấu một bữa ăn đúng với sở thích của các thành viên,...
Một nguyên tắc “bất di bất dịch” của gia đình anh chị là tôn trọng lẫn nhau. Và đó cũng là lý do chính mà chị giữ được hòa khí với cha mẹ chồng trong gia đình “tam đại đồng đường”.
Chị Nguyên Thảo cho biết: “Phụ nữ thường ngại làm dâu, tôi cũng không ngoại lệ. Ban đầu khi mới cưới, định ra riêng nhưng vì cha mẹ chồng lớn tuổi nên chúng tôi quyết định sống chung. Mặc dù chuẩn bị tâm lý từ đầu nhưng khi sống chung cha mẹ chồng, tôi thật sự bỡ ngỡ vì những khác biệt về thế hệ, suy nghĩ, cách sống. Lúc đó, anh Bình bên cạnh tôi và làm “cầu nối” để cha mẹ chồng và tôi hiểu nhau hơn. Trong cuộc sống, tôi luôn tôn trọng sở thích, thói quen của cha mẹ chồng, ngược lại cha mẹ cũng tôn trọng công việc và các mối quan hệ của tôi".
"Có lần tôi bệnh phải nhập viện trong đêm, mẹ chồng kề cận chăm sóc, lo cho tôi từng chút một nên những người cùng phòng cứ nghĩ là mẹ ruột. Mẹ từng nói với hàng xóm: “Cưới dâu về, mình thương nó thì nó thương mình. Con dâu là vợ của con mình, là mẹ của cháu mình, thương không hết chứ ghét bỏ làm chi!”. Biết mẹ thương mình nên tôi phải cư xử đúng mực và thương mẹ như chính cách mẹ thương mình” - chị Nguyên Thảo tâm sự.
Giữ hòa khí trong gia đình là điều khó và “bí quyết” của chị Nguyên Thảo là mỗi khi có mâu thuẫn không được phản ứng lại mà cần cho mình thời gian. Những lúc như thế, chị thường rủ người bạn thân đi cà phê để bình tĩnh suy nghĩ, hạ cơn giận. Khi cảm xúc được giải tỏa, chị sẽ có cách xử lý tình huống nhẹ nhàng hơn.
Anh Thái Bình và chị Nguyên Thảo có cùng suy nghĩ, không ai hợp với nhau hoàn toàn, chỉ có mỗi người tự điều chỉnh cho phù hợp hơn. Thế nên, hành trình xây dựng tổ ấm của anh chị là những tháng ngày hiểu mình, hiểu đối phương để tìm điểm hòa hợp.
2. Có dịp tiếp xúc, tìm hiểu về Yến Phi (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) mới cảm thấy thích cái cách mà cô bạn trẻ yêu gia đình mình.
Là tuýp người phóng khoáng, yêu thích sự tự do nên Yến Phi thử sức mình với nhiều công việc khác nhau ở những vùng đất khác nhau. Lúc còn làm việc tại các tỉnh miền Trung, xa gia đình nhưng cứ mỗi dịp cuối tuần hay dịp lễ, Yến Phi đều gọi điện thoại về hỏi thăm cha mẹ và các dì, các bác. Yến Phi cũng không quên gửi những món quà từ phương xa như cách thể hiện sự quan tâm đến những người thân.
Sau đại dịch Covid-19, Yến Phi nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình bởi sau tất cả thì gia đình mới là “bến đỗ” bình yên của mỗi người. Thế là, cô bạn quyết định về Long An lập nghiệp để được sống gần gia đình, chăm sóc cha mẹ và những người thân yêu.
Chưa có gia đình riêng nên tất cả tình yêu thương, Yến Phi dành cho gia đình lớn của mình. Bất cứ khi nào có thể, cô đều muốn dành thời gian cho gia đình.
“Đại dịch Covid-19 khiến tôi thay đổi nhiều và nhận thấy cuộc sống này ngắn ngủi lắm nên thay vì buồn phiền, giận hờn, tôi dành nhiều thời gian để yêu thương, nhất là yêu thương chính gia đình mình. Những lúc rảnh rỗi, gia đình tôi thường tụ họp nấu ăn, vui chơi, trò chuyện, còn khi sắp xếp được thời gian thì đi du lịch cùng nhau. Những buổi họp mặt như thế không chỉ có gia đình tôi mà còn có các dì, các cô, anh, chị, em, họ hàng,... Trải qua nhiều biến cố rồi nên các thành viên trong đại gia đình đều muốn dành nhiều thời gian cho nhau hơn” - Yến Phi chia sẻ.
Những buổi họp mặt của gia đình Yến Phi (thứ 3, từ phải sang) luôn có các dì, các anh, chị, em, họ hàng
Khi được hỏi về “bí quyết” để giữ hòa khí đại gia đình, Yến Phi cười nói: “Tôi nghĩ đó là tình yêu thương bởi khi đủ yêu thương thì ta có thể làm tất cả vì gia đình”.
Quan niệm của gia đình Yến Phi là cuộc sống không cần phải quá giàu sang hay phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền mà sống thế nào cho vui vẻ, hạnh phúc. Cũng chính vì thế, Yến Phi và cậu em trai luôn dành thời gian cho cha mẹ. Bất kể việc lớn, việc nhỏ, hai chị em đều tâm sự và xin ý kiến cha mẹ.
Hoài Tâm (em trai Yến Phi) nói thêm: “Cha mẹ tôi rất tâm lý, chưa bao giờ buộc các con phải làm theo ý mình. Cha mẹ cho phép chị em tôi sống theo đam mê và sở thích cá nhân. Mỗi khi có việc, gia đình cùng bàn bạc, giải quyết và cha mẹ luôn tôn trọng ý kiến của chúng tôi”.
Mỗi gia đình như một xã hội thu nhỏ, có vui, có buồn, có giận hờn, trách móc,... nhưng trên hết, các thành viên là những người thân, máu mủ ruột rà nên ai cũng muốn xây dựng một “bến đỗ” bình yên. Và “bến đỗ” đó sẽ là động lực để mỗi người cố gắng hơn trong cuộc sống./.
Tâm An