Đóng phí bảo hiểm là một trong những nghĩa vụ cơ bản của người tham gia bảo hiểm để duy trì hiệu lực và bảo đảm quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng không thể đóng phí đúng hạn. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp phí đóng trễ hạn?
Gia hạn đóng phí – “giải pháp hữu hiệu” mùa dịch
“Mình tham gia bảo hiểm nhân thọ đã 8 năm nay rồi. Bình thường cứ cuối tháng 8 hàng năm là mình chủ động đóng phí bảo hiểm cho cả năm, chưa bao giờ trễ. Năm nay do tình hình dịch bệnh, nguồn thu nhập của gia đình bị cắt giảm, trễ một tháng rồi mà mình vẫn chưa gom đủ tiền, cũng lo không biết hợp đồng của mình có bị mất hiệu lực không?” – Chị H. (35 tuổi) sống tại TP.HCM chia sẻ.
Tại Việt Nam, thời gian gia hạn đóng phí phổ biến là 60 ngày, cho phép người mua bảo hiểm có thể chậm nộp phí trong vòng 60 ngày kể từ ngày đến hạn đóng phí. Trong khoảng thời gian này, hợp đồng được duy trì hiệu lực và toàn bộ quyền lợi vẫn được bảo đảm. Đây là một quyền lợi hữu ích dành cho người tham gia bảo hiểm.
Vừa qua, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, Công ty BHNT Prudential Việt Nam cũng thông báo đến khách hàng về việc điều chỉnh thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm từ 60 ngày lên 120 ngày cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực có ngày đến hạn đóng phí định kỳ kể từ ngày 30/8/2021 đến ngày 31/12/2021.
Tổng Giám Đốc Prudential Việt Nam - Phương Tiến Minh cho biết: Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính sách tăng thời gian gia hạn đóng phí là nỗ lực của Prudential để chia sẻ khó khăn, giúp khách hàng an tâm về quyền lợi bảo hiểm của mình.
Tận dụng, không nên lạm dụng
Tăng thời gian gia hạn nộp phí cho khách hàng là một quyền lợi hữu ích cho khách hàng. Tuy nhiên, điều gì sẽ phát sinh nếu sang ngày thứ 61 (hay ngày thứ 121 theo điều khoản hỗ trợ mà Prudential vừa áp dụng) mà phí bảo hiểm vẫn chưa được thanh toán?
Tùy thuộc đặc tính và điều khoản của từng sản phẩm, có hai trường hợp sẽ phát sinh trong tình huống này, cụ thể:
Nếu hợp đồng chưa có giá trị hoàn lại (GTHL) hoặc GTHL nhỏ hơn 1 kỳ phí tháng thì hợp đồng sẽ tạm thời bị mất hiệu lực. Nếu không may xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm chi trả bất kì khoản bồi thường nào cho bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
Nếu hợp đồng có GTHL đủ để nộp phí (theo định kỳ phí tháng, quí, nửa năm hay phí năm), công ty bảo hiểm sẽ thu phí tự động. Khoản này được tạm ứng từ GTHL của hợp đồng để nộp phí cho khách hàng. Khi áp dụng, khách hàng sẽ phải chịu khoản giảm thu nhập đầu tư. Nhiều khách hàng thường hiểu nhầm đây là khoản “phạt” hợp đồng, nhưng thực chất đây chính là khoản tiền lãi đầu tư mất đi do tạm ứng phí đóng, giúp duy trì hiệu lực hợp đồng cho khách hàng. Qua đó quyền lợi của bên mua bảo hiểm vẫn được bảo đảm nếu rủi ro xảy đến.
Trong thực tế, có những trường hợp khách hàng phát sinh sự kiện bảo hiểm (nằm viện, tai nạn,…) trong khoảng thời gian này thì công ty bảo hiểm vẫn sẽ giải quyết chi trả bình thường.
(Ảnh tư liệu)
Bên cạnh mục đích duy trì quyền lợi bảo vệ cho khách hàng nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, việc đóng phí tự động còn giúp tránh được những “hệ lụy” khác khi hợp đồng bị mất hiệu lực. Bởi khi hợp đồng bị mất hiệu lực, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng (thông thường trong vòng 24 tháng kể từ ngày hợp đồng mất hiệu lực), nhưng công ty bảo hiểm lúc này có quyền xem xét, đánh giá mức độ rủi ro để quyết định chấp thuận, tăng phí hay từ chối bảo hiểm. Thực tế đã có những khách hàng bị từ chối bảo hiểm do gặp vấn đề về sức khỏe tại thời điểm yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng.
Tuy vậy, nộp phí tự động chỉ là giải pháp tạm thời, người mua cần nhanh chóng hoàn lại các khoản nợ phí để hạn chế lãi phát sinh và tránh ảnh hưởng đến các quyền lợi tích lũy của hợp đồng.
Làm gì để tránh trễ hạn đóng phí bảo hiểm
Cũng giống như một khoản chi tiêu định kỳ, người tham gia bảo hiểm nên chủ động theo dõi và thực hiện việc nộp phí đúng hạn. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty bảo hiểm đều hỗ trợ gửi tin nhắn nhắc đóng phí. Vì vậy, khách hàng cần cung cấp và cập nhật thông tin số điện thoại hoặc địa chỉ Email chính xác cho công ty bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm cũng có thể tải ứng dụng và đăng nhập vào cổng thông tin khách hàng để quản lý hợp đồng bảo hiểm trực tuyến.
Điển hình, khách hàng của Prudential có thể thanh toán phí bảo hiểm qua các hình thức thuận tiện và phổ biến hiện nay như cổng thông tin khách hàng PRUOnline, i-Banking hay qua ví điện tử Momo, Viettel Pay, ZaloPay,… Ngoài thanh toán phí, nhiều tiện ích “sát sườn” với khách hàng cũng được Prudential đưa lên nền tảng trực tuyến nhằm giúp khách hàng chủ động trong giao dịch bảo hiểm, cũng như dễ dàng kết nối với doanh nghiệp. Theo đó, người mua bảo hiểm có thể quản lý hợp đồng; gửi yêu cầu thanh toán, tạm ứng, khôi phục hợp đồng; gửi và theo dõi yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm; cập nhật thông tin liên lạc,... trên cổng thông tin đa tính năng PRUOnline hay Zalo Prudential Việt Nam.
Nếu gặp khó khăn về tài chính, người mua có thể yêu cầu điều chỉnh định kỳ đóng phí, như trường hợp ở đầu bài viết - chị H. nên đề xuất với công ty bảo hiềm chuyển định kỳ đóng phí năm thành nửa năm hoặc phí quí để giảm số tiền cần nộp.
Một trong những ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ đối với người tham gia chính là cách rèn luyện và tạo thói quen tiết kiệm có kỷ luật, đồng thời vẫn được bảo vệ toàn diện trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Tính kỷ luật này phần nào được thể hiện ngay trong việc thực hiện nộp phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn của khách hàng./.
Anh Thư