Để học sinh nhận thức đúng về giới tính
Nhiều người cho rằng, giáo dục giới tính cho HS là “vẽ đường cho hươu chạy”. Đó là quan điểm sai lầm! Chính việc giáo dục không đến nơi, đến chốn về tình cảm, tình dục,... cho HS mới để lại hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy, các trường học ngày càng chú trọng công tác giáo dục giới tính cho HS với nội dung phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý các em.
Học sinh được giải đáp những thắc mắc ở tuổi dậy thì
Tại Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An, tỉnh Long An), giáo dục giới tính được đưa vào chương trình ngoại khóa của lớp 8 nhằm giúp HS hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; đồng thời, các em được trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị dụ dỗ, xâm hại tình dục,... Hàng tuần, trường có 3 buổi chuyên về giáo dục giới tính lần lượt dành cho từng nhóm HS tại phòng đa năng của trường với âm thanh, máy chiếu đầy đủ.
Theo đó, những bài học HS được học lần lượt là: Tầm quan trọng của giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản; Những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì; Cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục nam, nữ; Kinh nguyệt và sự thụ thai; Tác hại quan hệ tình dục tuổi vị thành niên; Phòng tránh xâm hại tình dục. Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo - Lê Thị Thủy cho biết: “Nội dung giáo dục giới tính cho HS được trường chọn lọc kỹ, phù hợp lứa tuổi và giáo viên (GV) dạy nhiệt tình, có qua lớp tập huấn về giáo dục giới tính cho HS THCS. Để đạt hiệu quả tốt nhất, trường chia riêng các nhóm nam, nữ để giáo dục các em. Trong buổi giáo dục giới tính, GV thẳng thắn phân tích rõ các vấn đề và đưa những ví dụ thực tế vào bài học; đồng thời, tận tình giải đáp những thắc mắc của HS.
Nhờ nội dung bài học hay và GV có chuyên môn giảng dạy, các em được cung cấp kiến thức bổ ích, giúp hiểu rõ tâm sinh lý bản thân ở tuổi dậy thì và có những hiểu biết, suy nghĩ, việc làm đúng về tình cảm, tình dục, đặc biệt là các em biết tự bảo vệ mình”.
Ngoài ra, trường cũng chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và các kỹ năng sống khác cho HS thông qua lồng ghép trong các tiết học, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tiết học ngoại khóa. Qua đó, HS có hiểu biết cơ bản về đạo đức, các chuẩn mực đạo đức xã hội nhằm hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người HS thông qua các hành vi ứng xử văn minh, lịch sự.
Cô Thủy cho biết thêm: “Trường đặc biệt quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội nhằm giúp công tác giáo dục HS đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần giáo dục toàn diện HS”.
Học sinh chia sẻ những câu chuyện của bản thân
Lắng nghe học sinh
Bên cạnh cung cấp kiến thức, các trường còn lắng nghe HS để có sự tương tác hai chiều nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục giới tính và các kỹ năng sống khác cho HS. Theo đó, mỗi trường có một cách làm phù hợp nhằm phát huy hiệu quả tương tác của HS.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Trong đó, 2 GV từng tham gia lớp tập huấn về giáo dục giới tính làm thành viên nòng cốt. Theo đó, các GV thay phiên trực phòng tư vấn để lắng nghe những tâm tư, thắc mắc của HS. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - GV tư vấn tâm lý học đường, chia sẻ: “HS biết nhiều hơn chúng ta nghĩ, do đó, cách tư vấn cũng phải thay đổi nhiều so với trước đây. Không ngại ngùng khi chia sẻ và lắng nghe các em là điều rất cần thiết. Trong lúc tư vấn, HS là trung tâm và phải luôn tôn trọng các em, những câu chuyện của các em. Tôi không định hướng hay ép các em phải làm điều này hay điều kia mà đặt ra những câu hỏi, kể những câu chuyện để HS hiểu và tự có câu trả lời đúng nhất cho bản thân. Đồng thời, tôi cũng giữ bí mật những câu chuyện cá nhân của các em và chỉ tiết lộ khi có vấn đề gì đó ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của các em hoặc ai đó”.
Ngoài phòng tư vấn, HS có thể hỏi qua hộp thư tư vấn tâm lý, gửi câu hỏi qua email, nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho GV tư vấn. Theo đó, GV tận tình lắng nghe, đồng cảm với những câu chuyện của các em và có cách xử lý phù hợp.
Thầy, trò có sự tương tác hai chiều khi giáo dục giới tính và các kỹ năng sống khác cho học sinh
Đặng Lê Hoàng Dương - HS lớp 10A11, bộc bạch: “Ở lứa tuổi dậy thì, em có khá nhiều thắc mắc cần được giải đáp. Mỗi lần như vậy, ngoài tự tìm hiểu, em còn hỏi thêm người lớn, nhất là GV tư vấn tâm lý để có cái nhìn, cách hiểu đúng”.
Song song đó, trường mời các chuyên gia đến để chia sẻ với HS những vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ - Đặng Thị Bích Loan cho biết: “Hàng năm, trường đều mời các chuyên gia để nói chuyện chuyên đề về giới tính với HS. HS thoải mái hỏi những câu hỏi, vấn đề thắc mắc của bản thân để được giải đáp. Từ đầu năm học, trường mời Công an tỉnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Nhờ vậy, HS được tiếp cận thông tin chính thống và có sự hiểu biết nhất định để tự bảo vệ mình”.
Tuy các trường học có sự nỗ lực trong giáo dục giới tính và các kỹ năng sống khác cho HS nhưng kết quả chưa như mong muốn. Một số HS còn ngại chia sẻ những vấn đề của mình và chọn giải pháp tự tìm hiểu dẫn đến có những cách làm chưa đúng, để lại hậu quả cho bản thân. Do đó, các trường cần có những phương pháp, cách làm hay về giáo dục giới tính và các kỹ năng sống khác hơn nữa để HS hiểu đến nơi, đến chốn và biết cách tự bảo vệ mình./.
Ngọc Thạch