Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển toàn diện
“Vẽ đường” cho “hươu” chạy đúng
Vị thành niên là giai đoạn phát triển về sinh lý, có nhiều thay đổi về tâm lý và tình cảm. Do đó, các em cần được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính, tình yêu, tình dục cùng các kỹ năng sống để tự bảo vệ mình và tránh xa cám dỗ.
Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An - Võ Thị Trường Giang cho biết: “Bên cạnh giáo dục kiến thức, trường đặc biệt chú ý việc trang bị cho HS kỹ năng mềm, tuyên truyền chăm sóc SKSS và những tác hại của việc quan hệ tình dục (QHTD) sớm, không an toàn. Không chỉ lồng ghép GDGT trong các môn: Sinh học, Giáo dục công dân, trường còn thường xuyên phối hợp Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức nói chuyện chuyên đề định kỳ 2 lần/năm học. Ngoài ra, trường còn phối hợp 1 đơn vị dạy các em kỹ năng tự vệ, phòng, chống xâm hại tình dục. Việc GDGT không chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay bất kỳ ban, ngành, đoàn thể nào mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các bậc phụ huynh”.
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Phương Tâm chia sẻ: “Ở độ tuổi này, các em có nhiều thắc mắc về những thay đổi tâm, sinh lý nhưng chỉ có thể tâm sự cùng bạn bè hoặc lên mạng tìm hiểu, vì rất ngại hỏi người lớn. Do đó, khi được tham dự các buổi GDGT, tuyên truyền chăm sóc SKSS do ngành dân số phối hợp các trường tổ chức, các em được giải đáp những vấn đề “nhạy cảm” mà trước giờ không biết hỏi ai. Việc truyền thông, định hướng nhận thức đúng về SKSS giúp trẻ tránh xa những tác nhân xấu ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, tinh thần và sức khỏe”.
Quả thật, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những vấn đề “khó nói” của tuổi mới lớn, các em càng ít chia sẻ cùng thầy cô, cha mẹ mà thường tự tìm hiểu qua Internet. Nếu không có sự định hướng đúng đắn, các em sẽ có nhận thức và hành động không đúng vì thông tin trên mạng rất khó kiểm soát.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trinh (phường Tân Khánh, TP.Tân An), cho biết: “Tôi có con gái đang ở lứa tuổi vị thành niên. Đây cũng là giai đoạn dễ phát sinh tình cảm tuổi mới lớn. Tôi nghĩ, cha mẹ không nên ngăn cấm, tránh trường hợp con có những phản ứng tiêu cực mà phải gần gũi với con nhiều hơn, trò chuyện như những người bạn để có thể chia sẻ và kịp thời can thiệp, định hướng cho con khi cần thiết”.
Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản giúp trẻ tự bảo vệ mình
Vai trò của truyền thông
Với những hệ lụy từ việc QHTD sớm, không an toàn, việc lồng ghép GDGT trong các môn học và sinh hoạt ngoại khóa cho HS rất cần thiết. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Tân An - bác sĩ Huỳnh Kim Tuấn thông tin: “Hoạt động truyền thông, giáo dục SKSS vị thành niên/thanh niên là nhiệm vụ quan trọng của ngành dân số. Đầu năm 2017 đến nay, trung tâm phối hợp các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề dưới các hình thức: Hỏi đáp, trò chơi tìm hiểu về SKSS vị thành niên/thanh niên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; hoạt động ngoại khóa; phát tài liệu; tổ chức câu lạc bộ về tình bạn, tình yêu và giới tính,... Từ tháng 8 đến 11/2017, trung tâm phối hợp phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và trường THPT tổ chức Hội thi vẽ tranh trên mạng với chủ đề “Yêu an toàn, vạn điều hay” nhằm tuyên truyền các biện pháp tránh thai an toàn”.
Các hoạt động trên góp phần giúp các em có được những nhận thức đúng đắn trong chăm sóc SKSS. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, phù hợp lứa tuổi còn giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội. Em Nguyễn Thị Phương Thảo - học sinh lớp 11/9, Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ: “Qua các buổi nói chuyện chuyên đề, em hiểu được tâm, sinh lý lứa tuổi dậy thì, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai và biết cách phòng vệ cho bản thân trước những nguy cơ không an toàn”.
Ở lứa tuổi mới lớn, việc định hướng cho các em hiểu rõ những hệ lụy đáng tiếc của QHTD không an toàn, mang thai ngoài ý muốn rất quan trọng. Các em cần được sự quan tâm ngay từ gia đình, được trang bị kiến thức GDGT, kỹ năng sống từ nhà trường cũng như toàn xã hội để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, bảo đảm sức khỏe khi trưởng thành.
"Hiện nay, tỷ lệ trung bình của tai biến và biến chứng của nạo hút thai khoảng 2-10%. Nguy cơ này càng cao khi bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên. Một số biến chứng sớm có thể xảy ra: Chảy máu âm đạo nhiều, nguy hiểm đến tính mạng, tổn thương đường sinh dục (rách cổ tử cung, thủng tử cung gây chảy máu). Đặc biệt, khi vết rách quá lớn, máu chảy rất nhiều, nếu không sơ cứu kịp thời, thai phụ có thể tử vong do mất máu; tai biến do gây mê, gây tê hay do dị ứng thuốc,... Một số biến chứng muộn: Sót nhau, sót thai, nhiễm trùng, rong kinh, dính buồng tử cung với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, sảy thai liên tiếp, thai ngoài tử cung và vô sinh,... Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chăm sóc SKSS Long An, năm 2016, trung tâm tiếp nhận 208 ca nạo phá thai dưới 19 tuổi, từ đầu năm 2017 đến nay tiếp nhận 6 ca. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Long An, năm 2016 có 5 ca, từ đầu năm 2017 đến nay có 3 ca. Không thể thống kê được hết trường hợp nạo phá thai vì nhiều trường hợp phá thai tại cơ sở y tế ngoài công lập, thậm chí là ngoài tỉnh nhằm tránh tiết lộ thông tin cá nhân. Trong tất cả tai biến và biến chứng có thể gặp phải sau khi nạo phá thai, biến chứng nào cũng nguy hiểm đến sức khỏe người mẹ, nhất lứa tuổi vị thành niên. Các em cần được tuyên truyền, nhận thức đúng đắn để không QHTD sớm ở độ tuổi vị thành niên, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nạo phá thai để lại hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và tương lai sau này."./. Quyền Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Đào Kim Ngân |
Ngọc Mận - Cát Tường