Tiếng Việt | English

20/11/2024 - 15:22

Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh

Lòng nhân ái, yêu thương con người là chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ các hoạt động giáo dục. Tại TP.Tân An, tỉnh Long An, ngoài nâng chất lượng hoạt động dạy và học, các trường học cũng quan tâm giáo dục lòng nhân ái cho học sinh (HS) với nhiều cách làm sáng tạo.

1. Ngoài chăm sóc trẻ, Trường Mẫu giáo Sao Mai (xã Bình Tâm) còn chú trọng giáo dục lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia với người gặp khó khăn trong cuộc sống thông qua hoạt động cụ thể.

Theo Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai - Trần Thị Tuyết Mai, năm học 2024-2025, trường có 5 nhóm lớp với 142 trẻ. Nhận thấy giáo dục lòng nhân ái cho các em ngay từ khi còn bé là việc làm quan trọng góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho các bé ở độ tuổi mầm non nên trường quan tâm, lồng ghép nội dung này vào công tác dạy và học. Trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử để các cô giáo làm gương cho các bé; đồng thời, phối hợp tốt với phụ huynh trong giáo dục trẻ.

Trẻ em được ví như tờ giấy trắng nên giáo viên (GV) mầm non phải dạy cho các em những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. 16 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Diễm - GV Trường Mẫu giáo Sao Mai, thường kể cho các em những câu chuyện, bài thơ mang giá trị giáo dục về lòng nhân ái như câu chuyện Quả bầu tiên, bài thơ Tình bạn, Nàng tiên ốc,...

Mỗi tác phẩm giúp các em cảm nhận được lòng nhân ái, phân biệt được đâu là hành vi đúng và đâu là hành vi sai.

Cô Diễm chia sẻ: “Trẻ em ở lứa tuổi mầm non chưa biết đọc, biết viết nên qua lời đọc, lời kể của GV, trẻ tiếp cận bài giảng một cách sinh động. Từ đó, mang lại hiệu quả trong quá trình giảng dạy cho trẻ”.

Cô Nguyễn Thị Diễm (Trường Mẫu giáo Sao Mai, xã Bình Tâm, TP.Tân An) thường kể chuyện, đọc thơ để qua đó giáo dục các em về lòng nhân ái

Bên cạnh dạy những câu chuyện, bài thơ về lòng nhân ái, cô Diễm còn giúp trẻ hiểu về lòng nhân ái qua các hoạt động cụ thể. “Tôi dạy trẻ thể hiện lòng nhân ái qua các hoạt động thiện nguyện. Đó có thể là gợi ý trẻ tặng quần áo, đồ dùng học tập không còn sử dụng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm đó sẽ khơi dậy lòng nhân ái, giúp trẻ hình thành nhân cách tốt” - cô Diễm nói.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS với 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển. Trong đó, nhân ái là 1 trong 5 phẩm chất của HS trong chương trình giáo dục.

Thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Võ Thị Anh Đào - GV chủ nhiệm lớp 4/5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Tân An), xác định, để đạt hiệu quả cao trong tiết học đạo đức thì GV không thể nhồi nhét các bài học cho các em một cách khô khan mà phải áp dụng nhiều phương pháp dễ hiểu, gần gũi. Qua đó, lồng ghép các bài giảng về lòng nhân ái cho HS.

Cô Anh Đào chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà các GV dạy đạo đức khác đều lồng ghép giáo dục về lòng nhân ái trong các tiết học để các em có thể hiểu rõ”.

Trong giảng dạy đạo đức, cô Anh Đào không dạy bằng lý thuyết mà “biến” những câu chuyện trong sách thành những video hoặc cho HS đóng vai những tình huống để các em hòa mình vào những câu chuyện đó.

Cô tin với cách dạy như trên, các em sẽ hiểu về lòng nhân ái. Có thể nhận thấy, qua các tiết học, các em dần hiểu những giá trị cốt lõi của lòng nhân ái. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức cho HS trong lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, góp phần xây dựng nếp sống đẹp trong học đường.

Với cô Võ Thị Anh Đào (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP.Tân An), giáo dục về lòng nhân ái cho học sinh không thể chỉ qua lý thuyết mà cho các em đóng vai tình huống hoặc xây dựng những video

Em Lê Đặng Bảo Hân - HS lớp 4/5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, bộc bạch: "Em hiểu lòng nhân ái là tình thương giữa con người với con người. Đây là một phẩm chất tốt, là sự tôn trọng, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Được các thầy, cô giáo thường xuyên giáo dục lòng nhân ái, chúng em ý thức tốt, biết trân trọng cuộc sống và lan tỏa yêu thương tới mọi người".

Bên cạnh công tác chuyên môn, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu quan tâm, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lòng nhân ái cho HS bằng nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài lồng ghép vào tiết dạy, trường còn tổ chức những hoạt động quyên góp (sách, vở, quần áo,...) giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn cũng như giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Từ môi trường học tập tốt, từng ngày sẽ nhân lên nhiều hơn nữa những yêu thương và chia sẻ. Nhờ đó, các em biết phấn đấu vươn lên trong học tập, biết chia sẻ khó khăn với những người xung quanh, góp phần nhân lên nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết