Tiếng Việt | English

04/11/2021 - 19:02

Giới khoa học dự báo đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài tới cuối 2022

Bà Maria Van Kerkhove - nhà dịch tễ học hàng đầu về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết có thể kiểm soát virus nếu đạt mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào cuối năm 2022.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác tại một bệnh viện ở Kiev, Ukraine ngày 9/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác tại một bệnh viện ở Kiev, Ukraine ngày 9/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục hoành hành tại nhiều khu vực trên thế giới, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm cách lập biểu đồ dự báo khu vực và thời điểm cụ thể đại dịch này sẽ trở thành bệnh đặc hữu.

Nhiều chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh đã dự đoán rằng những quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha - vốn là những nơi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội - sẽ vươn lên từ đại dịch trước tiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 ở mức cao và cơ chế miễn dịch tự nhiên ở những người đã mắc bệnh này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng "biến hóa khôn lường," đặc biệt là khi lây lan qua những người chưa được tiêm chủng.

Tuy không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ mà một số người gọi là "kịch bản về ngày tận thế," trong đó virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức có thể xuyên thủng mọi "tấm khiên" miễn dịch, nhưng các nhà khoa học cũng ngày càng tin tưởng rằng nhiều quốc gia sẽ vượt qua thời điểm tồi tệ nhất về đại dịch này sau năm 2022.

Bà Maria Van Kerkhove - nhà dịch tễ học hàng đầu về ứng phó COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết: "Chúng tôi nghĩ từ nay đến cuối năm 2022, chúng ta có thể kiểm soát virus, theo đó giảm đáng kể số ca bệnh nặng và tử vong."

WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm chủng. Bà Van Kerkhove nhấn mạnh: "Nếu chúng ta đạt được mục tiêu đó, tình hình dịch tễ học sẽ rất khác."

Tuy nhiên, bà Van Kerkhove cũng bày tỏ lo ngại khi các quốc gia sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. Theo một báo cáo của WHO công bố ngày 26/10 vừa qua, các trường hợp mắc và tử vong do COVID-19 đã giảm kể từ tháng 8 vừa qua ở gần như tất cả các khu vực trên thế giới.

Nhưng châu Âu là một ngoại lệ, với những làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta hoành hành ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Nga và Romania, cũng như những nơi đã bỏ quy định đeo khẩu trang.

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã góp phần làm tăng số ca mắc bệnh ở các nước như Singapore và Trung Quốc, vốn có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng khả năng miễn dịch tự nhiên thấp do các biện pháp hạn chế để phòng dịch quá chặt chẽ.

Theo ông Marc Lipsitch - một chuyên gia dịch tễ thuộc trường Đại học Harvard, quá trình chuyển đổi biểu đồ dịch bệnh ở các nơi sẽ khác nhau phụ thuộc vào khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số và tất nhiên, công tác điều phối vaccine cũng có thể khiến cục diện thay đổi từ khu vực này sang khu vực khác, từ nước này sang nước khác.

Ông Chris Murray - một chuyên gia dự báo dịch bệnh hàng đầu của trường Đại học Washington - cho rằng làn sóng lây nhiễm tại Mỹ sẽ lắng dịu trong tháng 11 và thể hiện rõ chiều hướng giảm từ tháng 4/2022, nếu không có biến thể nguy hiểm mới nào xuất hiện.

Ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh gia tăng đột biến tại các quốc gia nới lỏng các lệnh hạn chế, ví dụ như ở Anh, thì việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng có thể giúp công tác điều trị bệnh nhân đơn giản hơn và không cần nhập viện.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson của Đại học Hoàng gia London cho biết Vương quốc Anh hầu như đã vượt qua "tình trạng khẩn cấp về đại dịch." Mặc dù vậy, COVID-19 vẫn được dự báo sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca mắc bệnh và tử vong trong nhiều năm tới, giống như các bệnh đặc hữu khác, như sốt rét.

Bà Van Kerkhove nhấn mạnh: “Đặc hữu không có nghĩa là lành tính. Nhiều chuyên gia nói rằng virus cuối cùng sẽ hoạt động giống như bệnh sởi, vẫn gây ra các đợt bùng phát ở các khu vực có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp. Một số ý kiến khác lại cho rằng COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh hô hấp theo mùa, giống như bệnh cúm. Hoặc virus có thể suy giảm độc lực, gây nguy cơ tử vong ít hơn và hầu như chỉ lây nhiễm trong trẻ em, nhưng điều này có thể mất nhiều thập kỷ."

Theo ông Trevor Bedford - một nhà virus học thuộc Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục đột biến, do đó người dân cần tiêm chủng hằng năm để có sự phòng vệ phù hợp nhất đối với các biến thể mới của virus này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết