Tiếng Việt | English

16/03/2021 - 14:44

Giới trẻ với bộ môn trượt ván đường phố

Những năm qua, bộ môn trượt ván đường phố (hay còn gọi là skateboard) không chỉ giúp người chơi rèn luyện sức khỏe mà còn là trò chơi hấp dẫn khi người chơi được chinh phục nhiều thử thách mới, với những động tác điêu luyện, đẹp mắt xen lẫn một chút mạo hiểm.

Bộ môn trượt ván đường phố thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Skateboard là môn thể thao đường phố, người chơi sử dụng một tấm ván đặc biệt hình chữ nhật có chất liệu bằng gỗ ép, bên dưới có gắn bánh xe. Một chiếc ván trượt có giá dao động từ 300.000-1.000.000 đồng trở lên, tùy từng chất liệu của ván và bánh xe. Năm 2000, bộ môn trượt ván đường phố đã xuất hiện ở Việt Nam và được nhiều bạn trẻ ở các thành phố lớn đón nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bộ môn đường phố này mới bắt đầu xuất hiện ở Long An, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia luyện tập và vui chơi.

Bạn Đỗ Phước Thịnh, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, nói: “Hơn 2 tháng nay, cứ vào mỗi buổi chiều, nhóm em có hơn 10 bạn đến Công viên TP.Tân An tập luyện. Để chơi được bộ môn này, người chơi skateboard cần phải giữ thăng bằng khi đứng trên ván trượt; đồng thời, phải kiểm soát tốc độ và sử dụng những kỹ thuật từ cơ bản đến phức tạp để làm chủ ván trượt. Kỹ thuật trượt ván gồm các động tác: Đứng trên ván; đẩy ván trượt bằng một chân, chân còn lại để điều hướng ván; khó nhất là động tác xoay ván trượt, kiểm soát ván trên không,... Ngoài ra, người chơi có thể xoay tròn nhiều vòng tại chỗ như nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật, dừng ván đột ngột, xoay người khi đang trượt hay vượt qua các chướng ngại vật,... Trò chơi này nhóm chúng em cảm thấy khó hơn trượt patin rất nhiều”.

Cái hay của skateboard là có thể chơi ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có khoảng trống, nhất là người chơi sẽ được thỏa sức sáng tạo, chinh phục những kỹ năng khó, mới. Bạn Trương Đăng Khoa, ngụ phường 5, TP.Tân An, bộc bạch: “Khi mới bắt đầu, người chơi phải mất khoảng vài tuần để có thể tập được những kỹ năng đầu tiên là giữ thăng bằng trên ván. Kỹ thuật trượt ván khá phức tạp nên người chơi cần kiên trì luyện tập; đồng thời, phải trang bị bảo hộ những vùng dễ bị chấn thương nhất như đầu gối, khuỷu tay, đầu và phải thật sáng tạo để tìm kiếm những kỹ thuật phù hợp với bản thân. Do đó, khi mình tập hoàn thành được một kỹ năng nào đó thì rất vui và thoải mái”.

Theo nhóm bạn Phước Thịnh, bộ môn trượt ván không có giáo viên dạy, người chơi chỉ tìm hiểu trên mạng, tự tìm tòi học hỏi hoặc người chơi trước hướng dẫn người chơi sau. Sau đó, họ sẽ thành lập một nhóm có cùng đam mê để tập luyện. Lau vội những giọt mồ hôi, em Nguyễn Hoài Phát, ngụ phường 6, TP.Tân An, cho biết: “Chơi trượt ván có nhiều người chơi mới vui, hấp dẫn. Tiếng hò hét, vỗ tay của các bạn cùng chơi sẽ làm cho mình thêm phấn khích, sáng tạo ra nhiều động tác mới, lạ. Qua thời gian tham gia bộ môn này, em thấy sức khỏe rất tốt, tinh thần thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng, nhất là giúp em học thêm nhiều điều như quan sát địa hình, xử lý tình huống nhanh”.

Có đến chứng kiến buổi tập luyện bộ môn trượt ván của nhóm bạn Quốc Thịnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn té trầy tay, trầy chân, vậy mà các bạn vẫn đứng lên tập luyện tiếp bằng niềm đam mê cùng khát vọng chinh phục cái mới. Và với sự mới mẻ, lôi cuốn mà trượt ván mang lại, hy vọng thời gian tới, bộ môn thể thao này sẽ thu hút nhiều người cùng chơi, tạo thêm sân chơi lành mạnh và làm phong phú đời sống tinh thần cho giới trẻ Long An./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết