Trung tướng Trần Hoài Trung - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7
PV: Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 đã kịp thời ban hành Chỉ thị 660 chỉ đạo LLVT Quân khu mở đợt cao điểm giúp dân vượt qua đại dịch. Xin đồng chí cho biết những kết quả bước đầu trong thực hiện Chỉ thị 660?
Trung tướng Trần Hoài Trung: Sau 20 ngày thực hiện chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Quân khu theo Chỉ thị 660. Trước hết, có thể khẳng định rằng việc mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 là rất kịp thời, đúng lúc tình hình dịch trên địa bàn Quân khu đang diễn biến phức tạp, Quân khu 7 có 7/9 tỉnh, thành đã thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thứ hai, việc mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh tổng hợp, ý chí tự lực, tự cường, sự đoàn kết chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn Quân khu, trong đó lực lượng y tế, lực lượng Quân đội, Quân khu 7 là nòng cốt; bước đầu đạt được những kết quả rất quan trọng, tập trung 7 cái nhất, cụ thể:
Thứ nhất, ý thức và trách nhiệm cao nhất: Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đều nhận thức nhất quán nhiệm vụ giúp dân là chức năng, là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của Bộ đội Cụ Hồ, tuyệt đối không để dân đói, dân khó khăn thiếu thốn trong đại dịch; cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh lao vào tâm dịch, nhường thuận lợi cho Nhân dân, giúp dân bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, không mệt mỏi, không ngừng nghỉ; dân còn khó khăn là bộ đội còn làm việc, còn giúp đỡ và giúp dân bằng tinh thần tự nguyên, tự giác.
Thứ hai, các biện pháp được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt nhất: Với yêu cầu “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, “địa phương, đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ giúp đỡ địa phương, đơn vị trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều”; tất cả các cơ quan, đơn vị đều có hành động giúp dân; giúp dân những gì thiết thực, cụ thể nhất, những gì dân đang cần nhất; những sản phẩm giúp dân đến tận tay người dân, nhất là nơi tâm dịch, nơi khó khăn.
Thứ ba, sức mạnh tổng được phát huy cao nhất: Đó là sức mạnh từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp, là sự đồng thuận quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn; sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, của mạnh thường quân, của tổ chức, của cá nhân, thông qua sự vận động kết nối của các đơn vị, địa phương; đặc biệt qua thực hiện chiến dịch, vai trò của cơ quan quân sự địa phương được khẳng định, thể hiện rất tốt; vai trò của Lực lượng Dân quân tự vệ thể hiện rất rõ.
Thứ tư, tiềm lực được huy động mạnh nhất: Trong đó, tiềm lực chính trị tinh thần, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức, chung lòng của Nhân dân và hệ thống chính trị trên địa bàn; về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ,… tất cả đều được tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn Quân khu.
Thứ năm, có nhiều đổi mới, sáng tạo nhất: Khi dịch còn trong tầm kiểm soát có: “Gian hàng không đồng”, “Phiên chợ không đồng”, “Cây ATM gạo”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”,… khi dịch bùng phát mạnh xuất hiện “Gian hàng không đồng lưu động”; tiếp nhận, truy điệu, lưu giữ, chuyển tro cốt người đã mất từ nơi hỏa táng về với gia đình người dân,… tất cả những việc làm ý nghĩa đó đều xuất phát từ mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ.
Thứ sáu, hiệu quả thiết thực và giúp được cho dân nhiều nhất: Đã tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho Nhân dân; nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tổ chức chăm sóc, phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc-xin; tham gia chốt chặn, phong tỏa, điều tiết, phân luồng đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng; ngừng huấn luyện tập trung lực lượng giúp Nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy, hải sản; cung cấp cho dân lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả cho Nhân dân để vượt qua khó khăn với tổng giá trị gần 270 tỉ đồng.
Thứ bảy, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng nhất: qua những việc làm ý nghĩa trên đã được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” người chiến sĩ LLVT Quân khu 7 ngày càng sáng đẹp trong tình hình mới.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An tổ chức “Phiên chợ 0 đồng, ấm tình quân dân”.
Ảnh: Kim Thoa – Nguyễn Duy
PV: Sau giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 660, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã rút ra được những kinh nghiệm gì để thực hiện tốt hơn hoạt động giúp dân trong giai đoạn tới, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Hoài Trung:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, tuyên truyền vận động để cán bộ, chiến sĩ và LLVT Quân khu nhất quán quan điểm giúp dân là chức năng, là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của Bộ đội Cụ Hồ.
Luôn luôn phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện hiệu quả “bốn tại chỗ”; vừa bảo đảm đời sống cho LLVT vừa gương mẫu đi đầu giúp dân chống dịch, tuyệt đối không dựa dẫm, ỷ lại.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của LLVT Quân khu, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn. Ra sức phòng, chống dịch và giúp đỡ Nhân dân; LLVT Quân khu phải vận động, kết nối để mọi cấp, mọi ngành, mọi người đều chung tay góp sức giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn, phòng chống dịch hiệu quả.
Thường xuyên đổi mới các hoạt động giúp dân phù hợp với tình hình dịch bệnh; vừa giúp dân hiệu quả, vừa phải phòng chống dịch bệnh tốt; mọi hoạt động giúp dân phải có lãnh đạo, chỉ huy, phải có tổ chức, lực lượng, phương tiện đảm bảo thường xuyên, liên tục, không đầu voi, đuôi chuột, luôn có trọng tâm trọng điểm, vừa giúp được dân, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
PV: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 660, trong thời gian tới, LLVT Quân khu 7 sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Hoài Trung:
Thời gian tới, tình hình dịch dự báo còn kéo dài, nguy hiểm, một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại có thể sẽ bị ngưng trệ; đời sống Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe, tính mạng Nhân dân bị đe dọa; các thế lực thù địch lợi dụng khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh chúng tập trung chống phá quyết liệt.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp dân trong thời gian tới, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận, về phòng chống dịch bệnh; quán triệt Chỉ thị 660 của Thường vụ Đảng ủy Quân khu, tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong đại dịch đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch góp phần ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Đối với cơ quan quân sự các địa phương làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế một cách linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc. Các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đặt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu, thiết lập và mở rộng vùng xanh, phấn đấu mỗi đơn vị là một khu vực xanh, một điểm xanh, không để dịch bệnh lây nhiễm vào đơn vị và bùng phát diện rộng trên địa bàn; tham mưu tháo gỡ những khó khăn chồng chéo trong phòng, chống dịch; thấu suốt quan điểm “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, “địa phương, đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ giúp đỡ địa phương, đơn vị trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều” bằng tất cả khả năng hiện có.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân; cán bộ, chiến sĩ phải thực sự gương mẫu, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên không băn khoăn, dao động; phải khắc phục bệnh chủ quan khinh địch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, coi kỷ luật chống dịch là kỷ luật thời chiến.
Tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất; vận động, kết nối, huy động tối đa mọi nguồn lực để giúp Nhân dân với phương châm: ở đâu khó khăn, ở đó có bộ đội; mọi lực lượng, mọi người cần phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch và tổ chức tốt các hoạt động giúp đỡ Nhân dân.
Đổi mới sáng tạo các hoạt động giúp dân, tích cực tuyên truyền vận động cho dân biết, dân hiểu, dân tin, dân đồng thuận với cấp ủy, chính quyền địa phương, ủng hộ LLVT phòng, chống dịch; các đơn vị phải xây dựng kế hoạch giúp dân cụ thể, thường xuyên, liên tục.
Chia sẻ, cảm thông với khó khăn của bộ đội và lực lượng phòng, chống dịch, chăm lo thật tốt sức khỏe, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng chống dịch, lực lượng trực tiếp giúp dân; thường xuyên sơ, tổng kết, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình.
Giữ vững hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không để bị lợi dụng, chống phá; tăng cường đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Biện Cường (thực hiện)