Quản lý, cảm hóa kết hợp tuyên truyền
Thị trấn Bến Lức là địa bàn trọng điểm, cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây với tuyến Quốc lộ 1 dài 6km, có tuyến Đường tỉnh 830 nối liền các huyện của tỉnh và nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, tạo điều kiện kết nối và dễ dàng giao thương với các địa phương lân cận,... Những thuận lợi cơ bản về vị trí địa lý, dân cư, hệ thống giao thông đã tạo điều kiện cho thị trấn Bến Lức thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thị trấn Bến Lức cơ bản ổn định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến khá phức tạp, trong đó nổi lên là trộm cắp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, tệ nạn xã hội như cờ bạc, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, số lượng người nghiện ma túy, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tương đối nhiều.
Công an lấy lời khai một trường hợp vi phạm pháp luật
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm huyện tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 1442/KH-UBND, ngày 03/3/2021 về xây dựng điểm mô hình 3 quản, 3 giúp người nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh tại địa bàn thị trấn Bến Lức.
Trong đó, 3 quản là: Tăng cường quản lý, giám sát, cảm hóa, giáo dục theo quy định của pháp luật; phối hợp khu dân cư và gia đình quản lý về mặt thời gian, mối quan hệ tiêu cực, không để tái nghiện, phát sinh nghiện mới, tái vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, nâng cao quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. 3 giúp là: Giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; giúp định hướng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế gia đình, sản xuất; giúp thủ tục, hỗ trợ vay vốn, kinh phí tái hòa nhập cộng đồng.
Sau khi triển khai mô hình, các đơn vị phối hợp (Công an huyện Bến Lức, Phòng PC04 và UBND thị trấn Bến Lức) tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng liên quan đến ma túy. Kết quả, trên địa bàn thị trấn có 30 người nghiện ma túy và gần 50 người nghi nghiện ma túy. Các đơn vị nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn thị trấn; tổ chức khảo sát các điểm sử dụng trái phép chất ma túy; xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt xóa các điểm phức tạp về tệ nạn ma túy.
Theo Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, lực lượng công an phối hợp phòng nghiệp vụ, các ban, ngành, đoàn thể, UBND thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng. Hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, đa dạng, thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt chi, tổ, hội, các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền thanh huyện, trạm truyền thanh ấp, khu phố, loa tuyên truyền lưu động trên các tuyến giao thông, lồng ghép với tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,...
Đồng thời, công an và các đoàn thể địa phương lồng ghép tuyên truyền với phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các nhà trọ, tiếp xúc cử tri với nội dung về tuyên truyền phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, công an tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phù hợp với tình hình hiện nay, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo nhóm với gần 5.000 thành viên,...
Công an còn thường xuyên tổ chức tư vấn, trợ giúp về pháp lý; hướng dẫn các quy định, điều kiện để được xóa án tích; giáo dục về ý nghĩa, giá trị của lao động, cuộc sống,... giúp người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma túy nâng cao nhận thức, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; chấp hành tốt chính sách, pháp luật, có động lực phấn đấu vươn lên, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.
Cùng với đó, các đoàn thể tổ chức rà soát, lập danh sách, phân loại rõ số người có việc làm, chưa có việc làm, tình trạng cư trú, biểu hiện hoạt động hiện tại, hoàn cảnh gia đình. Trên cơ sở đó, lập hồ sơ quản lý theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. UBND thị trấn Bến Lức thành lập Tổ công tác để tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, cảm hóa, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Giới thiệu, tạo điều kiện về việc làm
Mặt khác, Đảng ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể thị trấn còn đối thoại và tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện xã hội hóa trong hỗ trợ, giúp đỡ vốn sản xuất, kinh doanh cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù; vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người từng có quá khứ lầm lỗi. Công an huyện, các ban, ngành, đoàn thể, UBND thị trấn Bến Lức đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ thành lập Quỹ Tái hòa nhập cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp cần vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Anh Trang Thành N. sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, đã được giới thiệu vào làm công nhân tại công ty trên địa bàn khu phố 8. Hay chị Nguyễn Thị Kim H. sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được địa phương giới thiệu việc làm, hiện có thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Trần X. sau khi chấp hành án phạt tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, cũng được quan tâm xem xét, hỗ trợ giới thiệu vào làm công nhân trong một công ty tại địa phương,...
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi, sau thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành án xong phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện ma túy trên địa bàn.
Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện đồng bộ, hạn chế gia tăng người nghiện; phát hiện đấu tranh triệt xóa, xử lý kịp thời nhiều điểm tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc nhiều trường hợp nghiện ma túy sống lang thang. Điểm nổi bật của mô hình là đã giúp đỡ, giới thiệu, tạo điều kiện về việc làm cho những trường hợp có nhu cầu cần giải quyết việc làm.
Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện, tái vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng ngừa tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực, ổn định tình hình ANTT địa bàn./.
Lê Đức