Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 03:35

Học giả Mỹ vạch trần tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm phân tích của các học giả tại hội thảo lần thứ 5 về Biển Đông tại Mỹ.

 Hội thảo diễn ra ngày 21/7 (theo giờ Washington) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tổ chức nghiên cứu số 1 của Mỹ về an ninh và chính sách đối ngoại, đã thu hút hơn 300 học giả từ khắp thế giới.


Phiên thảo luận về hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Những hành động đơn phương của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động bồi đắp đảo và xây dựng với quy mô lớn tại Biển Đông trong thời gian qua đã trở thành chủ đề “nóng” nhất trong phiên tranh luận đầu tiên của hội thảo.

Diễn giả Bill Hayton, phóng viên BBC và cũng là tác giả cuốn sách “Biển Đông- Cuộc chiến quyền lực tại châu Á”, cảnh báo tình hình Biển Đông đang gióng lên hồi chuông báo động trên toàn thế giới, khiến Liên minh châu Âu phải lên tiếng về sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp, khối G7 lần đầu tiên ra tuyên bố về Biển Đông, bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn của Trung Quốc và kịch liệt phản đối việc thúc đẩy chủ quyền bằng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trong khu vực ASEAN, trước tham vọng của Trung Quốc, Malaysia cũng đã thay đổi thái độ “dĩ hòa vi quý” lâu nay với Bắc Kinh. Với Malaysia trong tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2015, ASEAN đã mạnh mẽ chỉ trích hành động xây dựng đảo của Trung Quốc.

“Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, trong đó các bên nhất trí không thay đổi hiện trạng tại khu vực này nhưng Trung Quốc đã làm gì? Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng. Liệu chúng ta có tin được Trung Quốc không? Đây là một câu hỏi lớn?”, ông Hayton nhấn mạnh.

Theo ông Hayton, Australia, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng hoặc công khai chỉ trích Trung Quốc, hoặc xúc tiến xây dựng quan hệ an ninh trực tiếp với nhau để đối phó với Bắc Kinh.

Ông Hayton cho rằng Trung Quốc đã mắc sai lầm khi tự tạo ra một liên minh chống lại mình: “Điều khiến tôi rất ngạc nhiên là tại sao Trung Quốc lại đưa ra nhiều quyết định thất sách như vậy. Tất cả những phản ứng như Nhật Bản thay đổi quan hệ quốc phòng với Philippines, quan hệ xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc…đều là kết quả của những hành động đơn phương của Trung Quốc. Có vẻ như lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang bị thao túng bởi lợi ích trước mắt của một số người”.

Nhận định về những động thái của Trung Quốc trong một năm qua, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, ông Trần Trường Thủy cho rằng Trung Quốc đã điều chỉnh chiến thuật tại Biển Đông sau khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào tháng 5/2014 và buộc phải rút sớm trước phản ứng quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Theo Tiến sỹ Thủy, một mặt, Trung Quốc tránh đối đầu trực tiếp trên biển, mặt khác tiến hành các hành động thay đổi hiện trạng.

“Thay vì cắt cáp tàu hay đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo và xây dựng với quy mô lớn, không chỉ tại khu vực Trường Sa mà còn cả Hoàng Sa. Đây là hành động mà các bên liên quan chỉ có thể phản đối qua kênh ngoại giao chứ không thể trực tiếp ngăn chặn Trung Quốc”, ông Thủy nói.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Để biện minh cho hành động cải tạo và xây dựng đảo rầm rộ vừa qua, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông, Ngô Sỹ Tồn cho biết việc làm này nhằm tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ hàng hải, góp phần duy trì an ninh biển, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, Bonnie Glaser đã chỉ rõ ý đồ của Trung Quốc: “Cho dù sử dụng với mục đích dân sự thì việc xây dựng đảo nhân tạo cũng như cơ sở vật chất tại đó cũng chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Mục đích thứ nhất của họ là củng cố và thúc đẩy chủ quyền và kiểm soát hành chính tại đây. Nếu tàu cá của các nước đòi hỏi chủ quyền khác sử dụng những cơ sở trên các thực thể địa lý này thì vô hình chung sẽ góp phần thúc đẩy yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Theo bà Glaser, với việc xây dựng sân bay cùng những cơ sở quy mô lớn tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ quân sự hóa các đảo mà họ vừa xây dựng. Bà Glaser cho rằng dù những hòn đảo nhân tạo này dễ bị tấn công và khó giữ trong chiến tranh nhưng trong thời bình hay khi xảy ra khủng hoảng thì chúng lại đóng vai trò đáng kể, chẳng hạn như giúp ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ tại Biển Đông.

Bà Glaser cũng cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng những thực thể vừa cải tạo để đẩy các bên đòi hỏi chủ quyền khác ra khỏi những tiền đồn mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông.

“Các hòn đảo nhân tạo này có khả năng giúp Trung Quốc chặn các hoạt động tiếp tế như chúng ta thấy họ đã làm với Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Rõ ràng là có nhiều tiền đồn khác rất dễ bị tổn thương và sức ép mà Trung Quốc tạo ra có thể sẽ khiến các bên liên quan từ bỏ những vị trí này”, bà Glaser nói.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có khả năng sẽ dùng Biển Đông làm căn cứ tàu ngầm như Liên Xô đã làm tại biển Okhotsk. Bà Glaser nhận định tàu ngầm Trung Quốc hiện được trang bị tên lửa JL2 có tầm bắn tối đa 4.700 km, chưa thể vươn tới bờ Tây nước Mỹ từ Biển Đông nhưng với kế hoạch nâng tầm bắn của loại tên lửa này trong tương lai gần thì tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn có thể tấn công Mỹ từ khu vực này mà không cần phải di chuyển tới Tây Thái Bình Dương.

Đánh giá về tình hình Biển Đông trong những năm gần đây, bà Glaser cho rằng sự mơ hồ của đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố tại Biển Đông nhưng chỉ dựa vào cái gọi là “quyền lịch sử” thay bằng cơ sở pháp lý là một nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực.

Theo bà Bonnie Glaser, giải pháp hiện nay là các bên cần thỏa thuận ngừng tất cả các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông, làm rõ các đòi hỏi dựa trên luật pháp quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp./.

Nhật Quỳnh- Huy Hoàng/VOV- Washington

Chia sẻ bài viết