Tiếng Việt | English

11/08/2015 - 07:14

Jamaica - vùng đất của những “Tia chớp”

Vì sao, một vùng đảo nhỏ tại vùng biển Caribe lại có thể sản sinh ra những VĐV điền kinh xuất sắc nhất thế giới? Jamaica, mảnh đất sản sinh ra các tài năng nước rút đặc biệt ở các cự ly ngắn như 100m một cách vô cùng bài bản.

Chấn động vì doping

Trở lại sau chấn thương vào cuối tháng 7, Usain Bolt tiếp tục rút ngắn thành tích của mình xuống dưới 10 giây ở nội dung chạy 100m sở trường. Tháng 8 này, anh tiếp tục tham dự Giải vô địch điền kinh thế giới diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Tài năng lớn sinh ra từ đất Jamaica tưởng như chưa bao giờ bị uổng phí. Hai năm trước, trong lần xuất hiện cuối cùng trước khi vắng bóng trên đường đua trong sự kiện Anniversary Games, điền kinh Jamaica bị đặt dấu chấm hỏi khi rất nhiều VĐV bao gồm cả người đồng đội của Bolt là Asafa Powell cũng có kết quả dương tính với doping. Khi ấy hiển nhiên, người đàn ông nhanh nhất hành tinh cũng bị nghi vấn.


Jamaica đang sở hữu những VĐV nhanh nhất thế giới. Ảnh: reuters

Từ lâu, các VĐV điền kinh nội dung 100m đã luôn bị đặt nghi vấn về doping. Đối thủ suốt một thời gian dài của Bolt trong các sự kiện lớn là Justin Gatlin từng 2 lần phải chịu án phạt cấm thi đấu vì doping. Việc nhiều VĐV người Jamaica bị phát hiện dương tính với chất kích thích năm 2013 khiến Bolt bị đem ra so sánh với Lance Armstrong - người hùng của nước Mỹ cũng phá tan sự nghiệp vì doping. Bolt chưa bị phát hiện sử dụng doping nhưng điều đó với thế giới đầy những hoài nghi không có nghĩa là anh hoàn toàn trong sạch.

Jamaica, miền đất của rất nhiều các tay đua nước rút, cả nam và nữ xuất hiện tại 2 kỳ Olympic gần đây khiến cả thế giới bất ngờ. Một đất nước dưới 3 triệu dân lại có thể sản sinh ra nhiều các VĐV tốc độ cho thế giới như thế. Doping làm cho Jamaica chấn động, nhưng bản thân Jamaica đã làm cả thế giới chấn động từ trước đó rất lâu bằng rất nhiều tài năng của mình. Và dù có một vài trường hợp doping bị phát giác, thì người Jamaica chạy nhanh là điều ai yêu điền kinh cũng thấy tận mắt.

Xây giấc mơ tốc độ

Tại Jamaica, tốc độ đã ăn sâu vào tinh thần của lớp trẻ. Để khởi đầu cho giấc mơ điền kinh, các VĐV trẻ phải bắt đầu tham dự giải vô địch các trường học. Tại Jamaica, những giải đấu kiểu này được hình thành một cách có hệ thống với tinh thần và cách thức tổ chức như một kỳ Olympic thu nhỏ. Năm 2014, giải đấu diễn ra trong 5 ngày này thu hút tới 30.000 khán giả. Trước sự chứng kiến của đám đông khán giả như ở một giải đấu đẳng cấp thế giới thực sự, các tài năng được kinh qua sức ép đến nghẹt thở. Các HLV tài năng thậm chí được mời về từ Mỹ là một phần của sự sôi động, khẳng định cho một sự kiện thể thao trẻ mà không nơi nào trên thế giới có được - nơi những đứa trẻ bắt đầu chạy vì giấc mơ ở tương lai.

Nhưng thành công đáng kể nhất mà quốc đảo này có được là từ những vườn ươm “Tia chớp” như của cựu VĐV điền kinh Dennis ‘DJ’ Johnson. Vốn là người đàn ông nhanh nhất thế giới đầu những năm 1960 giúp Jamaica thắng lớn tại Olympic Tokyo năm 1964, ông nổi danh ở thời hiện tại với tư cách là HLV điền kinh hàng đầu thế giới. Với Johnson, Jamaica là một quốc gia giàu truyền thống với các cuộc đua tốc độ cao. Năm 1948, Jamaica từng giành cả HCV và HCB nội dung 400m nam. Bốn năm sau đó tại Helsinki năm 1952, quốc gia này cũng giành HCB nội dung 100m nam, HCV và HCB 400m nam và ấn tượng nhất là chiếc HCV nội dung tiếp sức 4x100m. Khi ấy dân số của quốc gia này mới chỉ có hơn 1,5 triệu người.

Những năm sau đó, các tài năng điền kinh Jamaica tới với các trường đại học của Mỹ và Jamaica mất dần những tài năng dù họ có giành được những thành tích đỉnh cao hay không. Điều này khiến cho những người như Johnson quyết tâm mở các trung tâm đào tạo trong nước để giữ những tài năng ở lại. Asafa Powell là VĐV đầu tiên nhận được sự đào tạo này vào những năm 2000. Anh được đào tạo ở CLB MVP nằm trong khuôn viên đại học Kỹ thuật và được đào tạo bởi các VĐV từng đoạt huy chương ở các kỳ Olympic của Jamaica. Cách đó không xa là CLB Racers Track Club, nơi đã đào tạo ra Bolt và Yohan Blake. Với những nỗ lực này, đúng 60 năm sau, Jamaica trở lại thời hoàng kim của điền kinh. Tới nay, hầu hết các VĐV điền kinh Jamaica đều được tập luyện tại quê nhà.

Đào tạo được xem là yếu tố then chốt để dẫn đến thành công cho người Jamaica chứ không phải là yếu tố di truyền của một quốc gia Tây Phi. Một hệ thống đào tạo bài bản từ các cấp học phổ thông với các HLV điền kinh chất lượng rồi đến hệ thống các CLB đào tạo chuyên nghiệp được xây dựng tại Jamaica./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết