Tiếng Việt | English

28/06/2018 - 21:20

Kẻ phá hoại gia đình thời hiện đại

Những bàn tay bấm màn hình nhiều hơn cầm tay nhau, mắt nhìn vào màn hình nhiều hơn nhìn vào mắt nhau. Chân dung kẻ thứ ba, kẻ phá hoại hiện hữu trong nhiều gia đình hiện đại.

Công nghệ đem đến cho xã hội nhiều tiện ích vượt trội, đến mức người ta không thể sống thiếu nó. Và từ đây, nó cũng len lỏi vào nhiều gia đình, gây “tội’ cũng không ít.

Kẻ phá hoại ấy làm gì?

Tương tác ảo nhiều hơn thật

Bữa cơm tối gia đình hay bữa đoàn viên ngoài nhà hàng sang trọng có thể bắt đầu bằng những khung hình tự sướng, cảnh vui vầy bên nhau xen lẫn lời chúc tụng, thả tim trên facebook. Rồi người ta vẫn ngồi cạnh nhau, tựa như đang quây quần bên nhau. Nhưng mỗi người một màn hình, một “khung trời riêng” tận hưởng những cảm xúc ảo diệu.

Thời chưa có công nghệ, bữa cơm cả nhà í ới gọi nhau, nay để “văn minh”, người ta nhắn zalo, viber hay gọi nhau trên facebook, người ta nghe tiếng máy nhiều hơn tiếng người. Chưa kể, nhiều cặp vợ chồng ngồi cạnh nhau vẫn chat cùng nhau, tương tác mà như không tương tác với nhau.

Xen vào chuyện riêng tư 

Vợ chồng vẫn ngủ chung giường, nhưng đồng sàng dị “màn hình” mất rồi. Trước khi đi ngủ, vợ tranh thủ lướt facebook, chồng làm vài ván game. Nhiều người đùa rằng smartphone giúp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả thật không sai. Họ chìm vào giấc ngủ có khi đã quá nửa khuya bởi bận "chat chit", lướt mạng và không cảm thấy áy náy vì người nằm cạnh bên cũng như vậy.

Hãy hình dung khi người vợ nói “anh ơi, em muốn nói anh nghe chuyện này”, người chồng trả lời trong khi mắt vẫn “dán” vào màn hình “em nói đi, anh đang nghe”. Nếu người ta chạm mắt nhau vào lúc đó, những nỗi niềm có thể vỡ òa. Bằng không, sự im lặng trôi qua trong thỏa hiệp.

Hình minh họa: internet

Sự gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo

Khi người thân không còn là kênh thông tin duy nhất để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những băn khoăn trong cuộc sống thì sự gắn kết trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo. Những đứa trẻ mới lớn có xu hướng thích trò chuyện với bạn ảo (những người có thể like, thả tim ngay cho mọi câu chuyện dù không hiểu gì) hơn là chia sẻ cùng anh chị, cha mẹ…

Trẻ nhỏ dường như cũng đang phải cạnh tranh với công nghệ trong việc dành tình cảm của cha mẹ. Thật không công bằng khi cha mẹ cấm con dùng điện thoại nhưng vô tư dùng điện thoại liên tục trước mặt con thay vì vui chơi, trò chuyện, kể chuyện con nghe. Điều này lý giải cho việc vì sao trẻ thường la hét, chạy nhảy…để gây chú ý cho cha mẹ. Quyền được yêu thương là quyền cơ bản nhất mà cha mẹ cần tôn trọng và thể hiện nhiệt thành với con trẻ.

Trẻ nhỏ cần được vận động, khám phá thế giới xung quanh thay vì phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Hình: P Nguyệt

Bảo mẫu “phù thủy” trong nhà

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho biết thật đáng ngại khi nhiều phụ huynh xem ipad, smartphone là vị bảo mẫu số 1. Ai cũng đồng tình là đứa trẻ ngỗ nghịch nào cũng “ngoan ngoãn” ngay khi đặt trước chúng cái notebook hay điện thoại thông minh. Người bảo mẫu ấy có thể giữ yên đứa bé trong nhiều giờ đồng hồ, có thể khiến bé ăn hết bữa cơm một cách nhanh chóng, có thể là “phần thưởng” để cha mẹ thuyết phục con làm gì và không làm gì. Đừng tưởng bảo mẫu đó không bạo hành con bạn. Bảo mẫu “phù thủy” đó có thể khiến con bạn ù lỳ vì không còn hứng thú khám phá thế giới xung quanh, trẻ thậm chí chẳng còn thích chơi với cả cha mẹ, bạn bè cùng lứa. Chưa kể tâm hồn trẻ nhỏ “như tờ giấy trắng” rất dễ ngộ nhận những gì nhìn thấy trên mạng đều là sự thật, đều là điều đúng.

Ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong gia đình

Ảnh hưởng dễ thấy nhất là việc tiêu tốn nhiều thời gian vì lên mạng xã hội, lướt web, thời gian nghỉ ngơi, ngủ bị xén bớt là vì vậy. Việc xem điện thoại, tablet trong bóng tối ảnh hưởng đến mắt bởi mắt phải điều tiết nhiều hơn, khi nằm một bên xem điện thoại khoảng cách từ màn hình đến mắt không đều nhau cũng ảnh hưởng đến thị lực.

Trẻ nhỏ xem tivi nhiều, chơi điện thoại nhiều có thể bị Tics - một hội chứng do nghiện công nghệ gây ra ảnh hưởng đến cả khi bé đã lớn; có thể bị rối loạn lưỡng cực hoặc các vấn đề tâm thần khác, có thể khiến bé béo phì vì ít vận động, chậm nói bởi bé tương tác với máy móc quá nhiều….

Những khuyến cáo về việc sử dụng các thiết bị công nghệ với trẻ nhỏ

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, trẻ 2 - 5 tuổi tiếp xúc cộng dồn không quá 1 giờ/ ngày. Với trẻ 6 - 18 tuổi tiếp xúc với các thiết bị công nghệ không quá 2 giờ/ngày.

Gia đình nên có những thời điểm “giải phóng khỏi công nghệ” như đi du lịch cùng nhau mà không dùng điện thoại, bữa cơm chỉ trò chuyện cùng nhau không dùng điện thoại./.

 Phương Nguyệt/VOH

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích