Tiếng Việt | English

10/04/2025 - 10:02

Có một lương y như thế!

Mấy chục năm nay, danh tiếng lương y Mười Cầm không chỉ vang khắp xứ chanh Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An mà còn lan đến tận những vùng biên giới xa xôi. Người dân yêu quý bởi ông bắt mạch, chữa bệnh rất hay và tấm lòng hết mình vì người bệnh.

Hơn 20 năm làm thiện nguyện, lương y Mười Cầm (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) đã giúp rất nhiều người khỏi bệnh. Nhờ ông mà có chợ phiên Thạnh Lợi hoạt động vào thứ năm hàng tuần

Lương y Mười Cầm sinh năm 1956, tên thật là Dương Văn Cầm. Ông là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Thị Dê và có 3 người anh là liệt sĩ. Từ nhỏ, ông đã được hun đúc truyền thống cách mạng của gia đình. Ông từng làm việc tại Phòng Chính trị, Công an huyện Bến Lức.

Năm 27 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu và học nghề thuốc. Võ sư, lương y Nguyễn Son là người đã phát hiện và vun bồi tài năng, y đức của ông. Lương y Mười Cầm chia sẻ: “Tôi nguyện với lòng, nếu cha tôi sống tới 80 tuổi thì tôi sẽ mở phòng thuốc làm từ thiện. Năm 81 tuổi, cha "mãn phần", sau đám 21 ngày của ông, tôi thực hiện lời hứa ấy. Lúc đó khoảng năm 2000”.

Phòng thuốc đặt gần trụ sở UBND xã Thạnh Lợi. Ban đầu, ông bỏ tiền túi mua thuốc, có nhiêu làm nhiêu, mở cửa vào thứ năm hàng tuần. Dần dần, nhiều người biết đến, hoạt động của phòng khám được mở rộng, ông phối hợp người em gái và nhân viên Trạm Y tế xã mới làm xuể. Mỗi lần, ông bắt mạch, kê đơn cho 700-800 bệnh nhân.

Nhà hảo tâm các nơi thấy việc làm của ông có ý nghĩa nên mua thuốc chở đến ủng hộ. Con đường trước phòng thuốc, người dân xếp hàng dài, vài tiểu thương thấy vậy mang đồ ăn, nông sản đến bán. Dần dần, nơi đây hình thành một cái chợ nhỏ tồn tại đến ngày nay, người dân gọi là chợ Đông Y hoặc chợ Thứ Năm. Tiếng tăm của lương y Mười Cầm vang xa cũng một phần nhờ các tiểu thương này. Họ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp của ông khắp phố thị, làng quê nên người đến chữa bệnh ngày càng đông.

Đôi lúc ông làm không ăn, không nghỉ vì chẳng nỡ nhìn cảnh bệnh nhân phải vật vạ ngồi chờ. Làm mấy chục năm không một đồng lương, đời sống còn khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng duy trì phòng thuốc.

Dịch Covid-19 ập đến, ông đóng cửa phòng thuốc để bảo đảm an toàn. Hiện tại, tuy phòng khám chưa mở cửa lại nhưng khi bệnh nhân đến nhà, ông đều tận tình cứu giúp. Nếu bệnh nhân nghèo, đi lại khó khăn, ông chạy xe máy đến tận nơi ở của họ. Nhiều lần ông đến các xã biên giới để chữa bệnh, đường sá xa xôi nhưng chỉ lấy tiền đủ đổ xăng.

Lương y Mười Cầm tâm niệm: “Dù cuộc sống nhiều khi khó khăn lắm nhưng tôi không đánh mất lương tâm người thầy thuốc. Người có bệnh họ mới cần mình, họ gọi mà mình đi không được là trong bụng cứ thấy sao sao. Đường xa cũng mệt nhưng thấy họ khỏe là tôi vui”.

Mấy chục năm làm thiện nguyện không có thu nhập, bao nhiêu gánh nặng gia đình đều do một tay vợ ông lo, bởi vậy ông rất thương và cảm phục bà. Ông chữa bệnh cứu người, bà tất bật với mảnh vườn, ruộng chanh. Vậy chứ bà không một lời than bởi bà hiểu được tâm nguyện và ý nghĩa việc làm của chồng.

Lần nọ, một người gửi ông mua thuốc rồi họ trả tiền nhưng việc xong lại chẳng thấy tăm hơi. Ông và em gái phải chia nhau khoản nợ 13 triệu đồng. Lúc đó, ông chỉ biết về “cầu cứu” vợ. Khi chúng tôi trò chuyện với ông, bà lui cui trong bếp nấu cơm cùng cháu nội. Thỉnh thoảng ông nhìn vào, chúng tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy là tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn.

Chúng tôi có dịp rong ruổi buổi chợ Thứ Năm, nghe tiểu thương kể về thầy thuốc Mười Cầm. Họ nói nhờ ông mà có cái chợ này, nhờ ông mà bao người khỏi bệnh. Họ còn đồn ông rất giàu, giàu nhất xứ nhưng giàu ở đây chẳng phải tiền tài mà là lòng nhân ái. Đó là điều chẳng có thước nào đủ dài để đo, chẳng bạc tiền nào mua được./.

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết