Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Khánh Hậu luôn nhiệt tình trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự (Trong ảnh: nữ Công an phường tiếp công dân)
Phường Khánh Hậu giáp ranh Khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang), có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trên địa bàn có 2 cơ sở giáo dục lớn là Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp và Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, thu hút nhiều sinh viên, công nhân ở trọ. Trung tá Nguyễn Văn Bé Hai - Trưởng Công an phường, cho biết: “Nạn cho vay TDĐ (cho vay nặng lãi) ngày càng diễn biến phức tạp, các đối tượng thường nhắm đến lực lượng công nhân thất nghiệp, sinh viên ở trọ. Vì vậy, thời gian qua, Công an phường chủ động tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là những người ở trọ cần hết sức nâng cao ý thức cảnh giác”.
Theo thống kê, phường hiện có 84 cơ sở nhà trọ với trên 1.000 phòng trọ. Tại các cuộc gặp gỡ, tuyên truyền, Công an phường khuyến cáo người dân tuyệt đối không vay tiền của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi thông qua tờ rơi, các ứng dụng vay tiền không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính thì nên nhờ sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình hoặc liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính có uy tín. Khi phát hiện trường hợp các đối tượng rải tờ rơi hoặc có các hành vi liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi thì báo ngay cho Công an phường qua số điện thoại 02723.512635.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, các nhóm hoặc cá nhân TDĐ thường hoạt động dưới hình thức công ty, văn phòng tài chính để cho vay với lãi suất cao, dao động từ 15-30%/tháng hoặc từ 300-360%/năm. Nếu người mượn trả chậm thì sẽ bị phạt từ 2-5%/ngày. Như vậy, tổng số tiền lãi mà người mượn phải trả có thể lên đến 600%/năm nếu trả chậm nhiều lần. Thông tin từ Công an TP.Tân An, năm 2019, qua điều tra, đơn vị phát hiện nhóm đối tượng cho vay với lãi suất cao hơn 70 lần so với lãi suất của ngân hàng cùng thời điểm.
Các nhóm đối tượng hoạt động TDĐ thường thông qua việc rải tờ rơi, dán thông tin trên các trụ điện, trụ đèn, hàng rào tại các nơi tập trung đông dân cư. Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhóm đối tượng này còn tận dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để quảng cáo về hình thức cho vay với các thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lãi suất thấp nhưng thực chất là cho vay nặng lãi. Sau khi vay tiền từ nhóm đối tượng hoặc đối tượng cho vay TDĐ, nếu con nợ trả chậm sẽ bị gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để đe dọa, hành hung; đập phá đồ đạc, tài sản, tạt nước sơn, chất bẩn vào nhà, kể cả vào người con nợ hoặc người thân trong gia đình, buộc phải trả tiền.
Trung tá Nguyễn Văn Bé Hai cho biết thêm: “Trên địa bàn phường chưa để xảy ra vụ việc đòi nợ của tổ chức TDĐ. Lực lượng công an và cả hệ thống chính trị của phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là phối hợp đội liên ngành thường xuyên tuần tra, phát hiện nhóm đối tượng dán tờ rơi để vừa nhắc nhở vừa xử phạt; đồng thời, tháo gỡ, cạo rửa những tờ rơi dán trên cột điện, tường nhà nhằm bảo vệ mỹ quan đô thị, tránh các tờ rơi dán đè lên những khẩu hiệu cảnh báo, cảnh giác.
Chị N.T.H. - người dân ở trọ phường Khánh Hậu, thông tin: “Lực lượng Công an phường thường xuyên đến nhắc nhở công nhân ở trọ nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không vay tiền TDĐ; đồng thời, khi phát hiện các đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn, kịp thời báo lực lượng Công an phường”.
Song song đó, hàng tuần, Công an phường họp giao ban với Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà trọ thông tin tình hình trên địa bàn; tặng móc khóa có in số điện thoại để người dân tiện trao đổi thông tin qua Zalo với cơ quan chức năng, nâng cao tinh thần cảnh giác. Trung tá Nguyễn Văn Bé Hai nhận định: “Mặc dù số người từ nơi khác đến phường tạm trú làm việc, học tập khá đông nhưng với việc nâng cao tinh thần cảnh giác của chính quyền và người dân, những năm gần đây, trên địa bàn không xảy ra vụ vi phạm an ninh, trật tự nghiêm trọng. Công an phường đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn”.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 34 nhóm với hơn 500 cá nhân đang hoạt động cho vay “tín dụng đen” (cho vay nặng lãi). Riêng trên địa bàn TP.Tân An có khoảng 6 nhóm với 39 cá nhân đang hoạt động. Các nhóm đối tượng chủ yếu là người nhập cư từ nơi khác đến, phần lớn có tiền án, tiền sự và không có việc làm./. |
Minh Đăng