Tiếng Việt | English

26/04/2018 - 20:52

Khởi động cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” dành cho khối học sinh, sinh viên 2018

Hơn 50 suất diễn tại các trường học cấp II, cấp III và một số trường đại học tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An tạo tiền đề để cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” dành cho khối học sinh, sinh viên (HSSV) 2018 xúc tiến trong niềm phấn khởi.

Ca sĩ, doanh nhân Bích Thủy biểu diễn tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM)

Ca sĩ, doanh nhân Bích Thủy biểu diễn tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM)

Giá trị của âm nhạc mang âm hưởng dân ca

Hơn 50 suất diễn là tấm lòng đáng trân trọng của gia đình cố nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bắc Sơn đối với việc góp phần giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc. Ở những ngôi trường chúng tôi đi qua, chuyên đề “Giới thiệu âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường” được các em HS hồ hởi hưởng ứng. Các em hát theo ca sĩ Bích Thủy, Hạ Châu, Bích Phượng và các ca sĩ khác khi họ hát những ca khúc để đời của nhạc sĩ Bắc Sơn.

Thầy Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, quận 10, TP.HCM, vui mừng cho biết nhiều em quan tâm đến cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” dành cho HSSV. Hè này sẽ là dịp các em trổ tài mang về chiến thắng cho “màu cờ sắc áo” của ngôi trường mang tên một sự kiện lịch sử, bày tỏ tấm lòng yêu nước. Và theo thầy Thu, “yêu dân ca, yêu cội nguồn văn hóa Việt cũng là tinh thần yêu nước”.

Chúng tôi về Trường Giồng Ông Tố, quận 2, TP.HCM. Vui quá khi các em HS biểu diễn 2 tiết mục văn nghệ: Cô Ba Sài Gòn và Bống bống bang bang tặng cho đoàn. Các em cổ vũ nồng nhiệt các ca sĩ, nghệ sĩ đến với trường. Các em HS Trường Lữ Gia (quận 11) thì hào hứng hưởng ứng chương trình của chúng tôi. Các em biết khá nhiều về các bài hát mang âm hưởng dân ca. NS Bích Thủy nói: Khởi động cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” dành cho khối học sinh, sinh viên 2018 hơn 50 suất diễn tại các trường học cấp II, cấp III và một số trường đại học tại TP.HCM, Đồng nai, Long An tạo tiền đề để cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” dành cho khối học sinh, sinh viên 2018 xúc tiến trong niềm phấn khởi.“Vui như tết khi hiệu ứng của chương trình này ngày càng lan tỏa”.

Khi đến Trường THPT Gia Định, hơn 3.300 HS của 66 lớp thuộc 3 khối tề tựu tại ngôi trường có “đông dân số” nhất TP.HCM, để lắng nghe những bài hát mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn.

Bất ngờ hơn khi chúng tôi biết trước đó, đã có đoàn văn nghệ của các ca sĩ trẻ về biểu diễn tại trường nhưng sức hưởng ứng không bằng buổi sáng mà chúng tôi đưa: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông,... đến với các em. Những ca sĩ dòng nhạc Bắc Sơn để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với thầy, trò Trường THPT Gia Định. Xúc động hơn khi thầy Quốc  - Hiệu trưởng, tâm sự: “Khi thầy còn bé đã được mẹ hát cho nghe bài Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn. Hôm nay, nghe ca sĩ Bích Thủy hát tại ngôi trường mà mình đang công tác, tôi bồi hồi xúc động nhớ về người nhạc sĩ có mái tóc và chòm râu bạc trắng, giọng nói sang sảng Nam bộ mà thầy yêu kính”.

Các em HS dành nhiều tràng pháo tay tặng các ca sĩ: Bích Thủy, Hạ Châu, Bích Phượng, Khánh Tuấn, Tâm Tâm, Lê Nga, Cẩm Như, Nghi Tâm, tam ca Lạc Long Quân, tứ ca An Nông, diễn viên Quang Phước, Huỳnh Quý,...

Chúng tôi khởi đầu chương trình Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường ngay trên mảnh đất sản sinh ra nhạc sĩ Bắc Sơn, đó là Trường THPT Nguyễn Trãi, Biên Hòa, Đồng Nai. Cô Ngọc  - Phó Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ niềm xúc động khi nhớ lại thời còn là sinh viên, từng được tham gia buổi sinh hoạt của trường và nghe nhạc sĩ Bắc Sơn ôm đàn ghi ta hát bài Còn thương rau đắng mọc sau hè. Cô bồi hồi nói với các HS: “Trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, ông viết:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng.

Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi.

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói.

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân...”.

Và ở đoạn cuối, nhà thơ viết:

“Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu.

Mà khi về Đất nước mình thì bắt lên câu hát.

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác.

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”...

Thật vậy, bên cạnh việc bảo vệ biên giới, hải đảo thì việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc như một cách bảo vệ đất nước trở thành khát vọng, trở thành truyền thống của người Việt Nam ngàn đời nay. Và hơn ở đâu hết, ca dao, dân ca chính là nơi lưu giữ tuyệt vời nhất tâm hồn người Việt Nam, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong nguồn mạch ấy, hôm nay, thầy, trò chúng tôi rất mừng được chào đón các nghệ sĩ đến với Trường THPT Nguyễn Trãi”.

Các em HS cùng hát với các ca sĩ, nghệ sĩ, có thêm tiết mục biểu diễn giao lưu với thầy cô, HS mang lại không khí ấm áp, thân tình, khiến chị Bích Thủy, Hạ Châu, Bích Phượng,... và tất cả chúng tôi đều xúc động.

Hướng tới những giá trị thiêng liêng

Trong buổi họp mặt tổng kết tại Khu trưng bày tượng sáp Việt - Nhà hát Hòa Bình, nơi đặt 2 bức tượng vinh danh nhạc sĩ Bắc Sơn và nhà thơ Ngọc Bích, ông Hoàng Hải - Chủ tịch Tập đoàn An Nông (Annong Group), Trưởng ban Tổ chức, cho biết, cuộc thi năm nay sẽ dành riêng cho HSSV các trường THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên mọi miền đất nước. Mục đích của cuộc thi là giữ gìn và phát triển dòng nhạc dân tộc, đưa những bản tình ca của cố NSƯT Bắc Sơn đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ.

Doanh nhân, ca sĩ Bích Thủy - Tổng Giám đốc Annong Group, chia sẻ: “Ở cuộc thi trước, có 900 thí sinh dự, đó là thành công lớn của chúng tôi. Lần này không chỉ có đơn ca, song ca, tốp ca mà còn có những vở kịch được biến đoạn từ những tác phẩm của NSƯT Bắc Sơn. Có cả độc tấu, diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc và những bài tân cổ giao duyên do chính các em sáng tác lời vọng cổ dựa theo phần âm nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn”.

Nói về mùa giải lần này, doanh nhân, ca sĩ Bích Thủy cho biết: “Sau cuộc thi lần thứ nhất 2017, nhiều ấn phẩm ca nhạc về dòng nhạc Bắc Sơn được thực hiện. Hiệu ứng khán giả rất tốt. Tôi nghĩ rằng, học đường là nơi có được nhiều tiềm năng. Nhất là sau khi tổ chức chương trình Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường, thấy các em HSSV hát rất say sưa dòng nhạc này. Hiện nay, có rất nhiều đội văn nghệ ở các trường đăng ký dự thi, thậm chí có trường đăng ký 5 tiết mục.

Ca sĩ Nguyễn Tuấn (đoạt ngôi Á quân mùa giải đầu tiên) đồng thời là đại sứ cuộc thi lần này cho biết, qua những lần tham gia biểu diễn ở các trường, cảm xúc số đông HS dành cho những ca khúc của cố nhạc sĩ Bắc Sơn khẳng định một điều, chúng ta ai trong đời cũng đều ghi nhớ những giai điệu xuất phát từ cội nguồn dân tộc, từ tiếng ru của mẹ cho đến bài dân ca ba miền.

“Chính vì thế, cuộc thi sẽ hướng đến giá trị thiêng liêng hơn, đó là làm sao lan tỏa khắp học đường những loại hình nghệ thuật dân tộc để góp phần gìn giữ, nâng niu”.Tại buổi họp mặt công bố cuộc thi mùa giải năm nay, doanh nhân, ca sĩ Bích Thủy gửi lời cảm ơn đến những thí sinh lần trước tham gia và giới thiệu cuộc thi này đến bạn bè gần xa. Đặc biệt, cảm ơn ban giám hiệu các trường đồng hành cùng Ban Tổ chức chương trình Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường.

Cô Nguyễn Thị Nha Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc, Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Cuộc thi sẽ là điểm nhấn của hoạt động ý nghĩa đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường. Các đội văn nghệ của các trường sẽ tham gia tích cực để mang về chiến thắng lớn nhất, đó là có nhiều HS hát bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn, cùng kiến tạo một tương lai giữ gìn những bài hát quý của dòng nhạc này”.

Được biết, cố nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn được biết đến là một trong những nhạc sĩ thành công nhất ở dòng nhạc quê hương với một gia tài đồ sộ khoảng 500 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng mang đậm nét âm hưởng dân ca Nam bộ như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông, Bông bí vàng, Bông bưởi hoa cau, Về thăm quê ngoại, Qua nhịp cầu tre, Gió đưa bông sậy,...

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi sẽ được khởi động vào tháng 6 năm nay nhưng đã nhận được đăng ký từ nhiều đội văn nghệ của các trường trong và ngoài TP.HCM với nhiều hình thức dự thi: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, tân cổ giao duyên, diễn tấu với nhạc cụ dân tộc (tranh, sáo, bầu, sến) và cả diễn chặp kịch ngắn từ những ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ Bắc Sơn: Mẹ ngồi sàng gạo, Thương đời mồ côi,...

Cuộc thi có tổng giải thưởng khoảng 200 triệu đồng, mong muốn giới thiệu di sản của người nhạc sĩ chuyên viết nhạc quê hương đến khán giả trẻ, đồng thời khơi gợi trong các em lòng yêu thích dòng nhạc mang âm hưởng dân ca và gần gũi với đó là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Ban Tổ chức nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ nay đến hết ngày 31/5/2018 qua email annongvn@gmail.com. Dự kiến, vòng sơ tuyển diễn ra vào tháng 6/2018 và vòng chung kết diễn ra tháng 7/2018./.

Thanh Hiệp

Chia sẻ bài viết