Mạnh dạn theo đuổi đam mê
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kim An đã có sở thích pha chế các loại thức uống. Lớp 9, ngoài giờ học, Kim An còn tranh thủ thời gian phụ chị bán trà sữa để vừa có thêm thu nhập sinh hoạt, vừa học hỏi thêm kỹ thuật pha chế.
Kim An chia sẻ: "Tốt nghiệp THPT, tôi tiếp tục học đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, hết năm nhất, tôi phải nghỉ và chuyển sang học nghề. Tôi chọn học make up nhưng vừa học xong là bùng phát dịch Covid-19. Tháng 5/2021, tôi quyết định về quê khởi nghiệp và theo đuổi đam mê của mình".
Sau 5 tháng chuẩn bị, cuối tháng 10/2021, Kim An thuê mặt bằng và quyết định mở quán trà sữa Sunny. “Ban đầu, cha mẹ lo lắng, sợ tôi không đủ khả năng nhưng sau thời gian thuyết phục, cha mẹ đồng ý và ủng hộ. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn hẹp, mặt bằng nhỏ, việc kinh doanh không thuận lợi, đành đổi địa điểm kinh doanh đến 2 lần” - Kim An nhớ lại.
Hiện tại, quán nước Sunny của Kim An có 2 chi nhánh trên đường Hùng Vương, phường 3, TP.Tân An. Cả 2 quán đều có diện tích nhỏ, chừng 10m2, chủ yếu bán mang đi. Với phương thức quảng cáo thông qua mạng xã hội, phong cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo, quán trà sữa của Kim An được rất nhiều bạn trẻ và khách hàng yêu thích. Quán Sunny chuyên bán trà sữa truyền thống, trà sữa Hồng Kông, rau má mix, trà trái cây, nước ép, sinh tố với mức giá 20.000-30.000 đồng/ly, khá bình dân giữa trung tâm TP.Tân An. Tất cả nguyên liệu đều có nguồn gốc rõ ràng, tươi mới. Quán luôn lắng nghe ý kiến khách hàng, từ đó thay đổi, sáng tạo thêm. Kim An cho biết: “Tôi học pha chế trên TikTok, mày mò và tự tìm công thức riêng. Những ngày đầu làm trà sữa, có khi tôi bỏ luôn cả mẻ trà. Sau nhiều lần thất bại, tôi mới tìm ra công thức riêng cho mình”.
Mỗi ngày, quán Sunny bán từ 200-300 ly/chi nhánh
Hàng ngày, 6 giờ, Kim An bắt đầu làm topping trà sữa và dọn ra bán, tối thì nấu, ủ trà chuẩn bị cho ngày hôm sau. Mọi công việc từ pha chế, nấu trà, làm thạch, phục vụ, vệ sinh quán,... Kim An đều làm “tất tần tật”. Trong quá trình làm trà sữa, Kim An luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Nhờ đó, quán có lượng khách tương đối ổn định. Trung bình một ngày, quán của Kim An bán 200-300 ly/chi nhánh. Với mô hình kinh doanh quán trà sữa, không những phát triển kinh tế gia đình mà chị còn giải quyết việc làm cho 5 lao động trẻ.
“Bất cứ công việc gì cũng cần có đam mê và nhiệt huyết thì cho dù khó khăn mấy cũng vượt qua. Còn trẻ thì cứ làm hết sức mình, thất bại thì làm lại rồi thành công cũng sẽ đến, tôi luôn tự động viên mình cũng như những bạn trẻ khác như vậy” - Kim An thổ lộ.
Làm bằng cả trái tim
Sau 2 năm rời bục giảng, chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy luôn cảm thấy hài lòng với quyết định lập nghiệp bằng cửa hàng bán cà phê, trà sữa, tất cả chỉ đơn giản vì đam mê của mình.
“Cha mẹ, người thân trong gia đình ai cũng tiếc, cứ bảo tôi đang có công việc ổn định vì đó là cả một thời gian dài phấn đấu. Tôi thuyết phục các thành viên trong gia đình rằng đã quyết tâm làm nhất định sẽ thành công, quan trọng là luôn suy nghĩ tích cực. Là giáo viên chỉ làm việc giờ hành chính nhưng chuyển sang kinh doanh trà sữa, công việc cứ diễn ra từ 2 giờ sáng đến 12 giờ đêm, làm không có ngày nào nghỉ. Nhưng tôi làm bằng cả trái tim nên không cảm thấy mệt” - chị Ngọc Thùy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy theo đuổi đam mê, khởi nghiệp thành công từ trà sữa
Trước khi bắt tay vào kinh doanh trà sữa, chị Ngọc Thùy mở quán cà phê nhỏ trước nhà. Vì thích uống trà sữa nhưng đa số các cơ sở khác bán trà sữa với thạch chế biến sẵn nên chị tự tìm tòi, học cách làm thạch tại nhà. Ban đầu, chị định tự làm phục vụ bản thân nhưng do làm nhiều, chị tặng bạn bè và hàng xóm. Mọi người thấy ngon nên khuyên chị kinh doanh thêm, bán những khách quen. Từ đó, chị bén duyên với nghề làm trà sữa.
Quán Chất của chị Ngọc Thùy trên Đường tỉnh 827A, ngay chợ Ngã Tư (ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành). Quán bán chủ yếu trà sữa truyền thống và trà sữa Thái xanh. Thực khách ghé quán, thoải mái lựa chọn topping theo sở thích. Quán nhỏ, chiếc tủ mát bày tất cả các loại topping, đếm sơ qua có 13 loại.
“Trước đây, tôi dạy Mỹ thuật nên cũng có khiếu thẩm mỹ. Khi bán trà sữa, bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng, tôi còn quan tâm đến hình thức, trình bày ly trà sữa sao cho bắt mắt. Hiện tại, quán có các loại topping như thạch củ năng, phô mai viên, trân châu tươi, thạch thanh long, khúc bạch tầng, rau câu phô mai, sương sáo,... Mỗi loại topping có màu sắc, hương vị khác nhau. Mỗi ly trà sữa có giá từ 20.000-35.000 đồng. Khi nhận được phản hồi dù hài lòng hay chưa, tôi đều tiếp thu, rút kinh nghiệm để có thể điều chỉnh cho hợp khẩu vị với nhiều người” - chị Ngọc Thùy tâm sự.
Theo chị Ngọc Thùy, điều quan trọng nhất để kinh doanh trà sữa đắt khách là phải mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh, hương vị thơm ngon. Do đó, ngoài mục tiêu kinh doanh, chị còn muốn đóng góp để phát triển ngành đồ uống sạch, an toàn.
Khởi nghiệp đã là một việc khó, với những người trẻ, để khởi nghiệp thành công còn khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy và Trần Thị Kim An đã thực hiện được điều đó nhờ có sự tự tin, đam mê, ham học hỏi cùng với quyết tâm cao./.
Trần Thoa