Có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký gần 100 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã và đang cho thấy ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực. Tinh thần “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” được nêu từ Đại hội Đảng lần thứ IX, trải qua các kỳ đại hội, ngày càng có sức lan tỏa, góp phần tạo nên một Việt Nam mạnh mẽ, tự cường không chỉ “dong thuyền ra biển lớn”, mà còn “giữ vững tay chèo vượt sóng dữ”, trở thành một thành viên tích cực, chủ động định hình cuộc chơi trên bản đồ kinh tế thương mại toàn cầu.
Sau 8 năm đàm phán khó khăn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua giữa 10 thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác. Việc Việt Nam tham gia vào Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và trước đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) hay xa hơn là Tổ chức Thương mại thế giới cách đây hơn 10 năm là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây cũng là một trong những chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ quán triệt trên tinh thần “đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế” được nêu tại Đại hội đàng lần thứ XII và được ghi nhận trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII với khẳng định “Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia”.
“Tiến độ hội nhập của Việt Nam đã được Đảng và nhà nước coi trọng để tạọ ra những nền tảng rất quan trọng không chỉ phục vụ cho sự nghiệp về hội nhập, cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, hội nhập giúp Việt Nam củng cố vị trí, thế đứng đảm bảo quá trình hội nhập thành công, để ngày càng có uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế, có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển đất nước” - Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói.
Lần đầu tiên được Đảng ta đặt làm trọng tâm tại Đại hội Đảng lần thứ IX, tinh thần “chủ động hội nhập quốc tế và khu vực” ngày càng có sức lan tỏa, cho thấy một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự nhạy bén thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại để đưa nền kinh tế tiến xa hơn.
Trong những năm qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn được nêu trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ cho từng giai đoạn, từ việc thúc đẩy hội nhập kinh tế phù hợp với giai đoạn tình hình mới đến việc thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Quá trình “dong thuyền ra biển lớn” của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy đổi mới toàn diện, cũng như phát triển kinh tế đất nước. Từ một nước có quy mô kinh tế khiêm tốn, chỉ trong vòng hơn 10 năm qua, Việt Nam hiện là 1 trong những điểm sáng nhất tại châu Á, bất chấp tác động ngày một sâu rộng của đại dịch Covid-19.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa dự báo quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 đạt hơn 340 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đang từng bước khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.
Nền kinh tế Việt Nam hiện là 1 trong những điểm sáng nhất tại châu Á, bất chấp tác động ngày một sâu rộng của đại dịch Covid-19.
Nhà kinh tế học ASEAN, ông Edward Teather tại Viện nghiên cứu UBS Research nhận định: “Việt Nam đang gánh chịu những mất mát từ tác động của Covid-19 nhưng vẫn là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực. Việt Nam đang phát triển và có vị trí tốt để tiếp tục chiếm thị phần toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu trong tương lai. Vì vậy triển vọng khá sáng sủa so với mặt bằng chung của khu vực”.
Từ một “nhân tố mới” trên sân chơi quốc tế, Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng. Nếu như trước đây, Việt Nam tham gia FTA ở thế bị động, đến nay, Việt Nam tham gia ở thế chủ động hơn, chủ động lựa chọn đối tác và vươn ra thị trường xa hơn, chủ động định hình các sân chơi kinh tế và thương mại khu vực, cũng như toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, tham gia FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn.
“Từ một nền kinh tế khép kín, bao cấp, đến nay Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn quy mô toàn cầu với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, với 65 đối tác là các trung tâm, các nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu. Qua đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và mạng lưới đổi mới sáng tạo khu vực và toàn cầu, tạo ra những động lực to lớn cho phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định.
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực. “Dấu ấn Việt Nam” trên trường quốc tế ngày một rõ nét, với nhiều đóng góp và sáng kiến được cộng đồng thế giới ghi nhận như khởi xướng Tầm nhìn APEC sau 2020, nỗ lực thúc đẩy nhanh các bên để ký kết Hiệp định RCEP tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội vào tháng 11/2020.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam- Đại sứ Allan Wagner nguyên Bộ trưởng ngoại giao Peru, Chủ tịch nhóm tầm nhìn APEC cho rằng: “APEC đánh giá Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế năng động và đổi mới nhất thế giới, trong đó có việc tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia. Với vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã đảm bảo được tính kết nối trong các ưu tiên APEC đặt ra năm 2016, thúc đẩy tăng trưởng bền vững bao trùm, làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế, tăng cường các vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”.
Cơ hội luôn song hành với thách thức. Hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ có xu hướng tăng lên; đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Một nền kinh tế định hướng xuất khẩu với độ mở cao như Việt Nam sẽ phải làm gì để không bị tụt lại phía sau trong dòng chảy toàn cầu hóa?
Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của năm ASEAN 2020 là một minh chứng sinh động nhất thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam, cũng là tâm thế của người tiên phong trong thích ứng một cách chủ động, tích cực và hiệu quả trước các biến động nhanh và nhiều bất định của tình hình thế giới. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn, với việc bổ sung thêm nội dung “toàn diện, sâu rộng” cũng cho thấy một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính đột phá chiến lược giúp Việt Nam tiếp tục chuyển mình trong điều kiện mới./.
Theo VOV.VN