Tiếng Việt | English

30/08/2017 - 08:47

Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ), ngày 02/9/2017

Kỳ 2: Bình Thành, những sự kiện đi vào lịch sử

Do vị trí địa lý, đặc thù địa hình và điều kiện lịch sử, nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trên vùng đất bưng trấp này. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin lược lại một số sự kiện có tính chất dấu ấn và thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng bộ địa phương trên vùng căn cứ này, góp phần vào sự chuyển biến trong các giai đoạn lịch sử cách mạng.


Nhân dân Long An tại buổi míttinh ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Long An tại khu Hội đồng Sầm (Đức Huệ), ngaøy 30/12/1961

Nơi hình thành những đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên

Trước tình thế hiểm nghèo trong những năm chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện “tố cộng”, “diệt cộng” sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đồng thời với “điều lắng”, Xứ ủy chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa các giáo phái với chế độ Ngô Đình Diệm, tập hợp lực lượng tự vệ vũ trang mang danh nghĩa giáo phái để chống Diệm, từng bước tái lập lực lượng vũ trang. Lúc này, quân Cao Đài liên minh từ Tây Ninh tràn vào Đồng Tháp Mười theo ngả Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây xuyên qua Bình Thành, chiếm dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Thực hiện chủ trương trên, năm 1955, nhân cơ hội Cao Đài Phụng bị thiếu quân, ta đưa 60 người (trong đó có 1 chi bộ gồm 11 đảng viên) vào Tiểu đoàn Văn Kía. Ngoài ra, còn một bộ phận khác được xây dựng và hoạt động trong lực lượng Cao Đài ly khai. Về sau, lực lượng này tách ra thành lập Tiểu đoàn Quang Huy. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các đội vũ trang tuyên truyền, làm nhiệm vụ bám trụ địa bàn, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị ở xã, ấp; vận động góp quỹ nuôi quân, tổ chức cơ sở nội tuyến trong lòng địch, binh vận; giáo dục, răn đe tề điệp, nếu cần trấn áp, trừng trị,... trong thời kỳ vũ trang tuyên truyền trước đồng khởi, sau này phát triển thành các Tiểu đoàn 506 và 508 làm nòng cốt trong phong trào đồng khởi.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, từ tháng 7/1967, ta tổ chức lại chiến trường theo kiểu phân khu thay vì tỉnh. Bình Thành là nơi Tỉnh ủy triệu tập hội nghị đề ra biện pháp để thực hiện sự phân công này. Theo đó, Long An được phân ra thành 2 phân khu là Phân khu 2 và Phân khu 3, có nhiệm vụ tấn công Sài Gòn từ hướng Tây, hỗ trợ nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, chiếm các mục tiêu Sân bay Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Biệt khu thủ đô, hợp điểm ở Dinh Độc Lập (Phân khu 2) và hướng Nam, chiếm các mục tiêu Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân (Phân khu 3).

Căn cứ Bình Thành trở thành nơi tập kết, là điểm xuất phát của lực lượng vũ trang tỉnh và Sư đoàn 9 chủ lực Miền làm nhiệm vụ này. Trong những ngày chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, căn cứ Bình Thành vừa là nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, chuẩn bị hậu cần, vừa là nơi tập kết của các lực lượng tỉnh, chủ lực Miền tiến công về giải phóng Long An và Sài Gòn, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Những sự kiện đi vào lịch sử

Năm 1947, trong cuộc kháng chiến 9 năm, Pháp mở các cuộc càn quét quy mô lớn vào các căn cứ kháng chiến của ta từ Việt Bắc, Đông Nam bộ đến Đồng Tháp Mười. Ngày 20/3/1947, Pháp huy động cả bộ binh, tàu chiến và đặc biệt là lần đầu tiên ở Nam bộ, địch sử dụng lực lượng nhảy dù để tấn công chớp nhoáng vào Giồng Dinh, khu Đông Thành (nay thuộc xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ), nơi lúc này có mặt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến cấp Xứ, cấp Khu, các đồng chí lãnh đạo cao cấp: Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ - Phạm Văn Bạch; Ủy viên Quân sự Trung ương, Tư lệnh Khu 7 - Trung tướng Nguyễn Bình;... Chi đội Hải ngoại 4 (Chi đội Trần Phú) vừa từ Thái Lan về nước phối hợp lực lượng Chi đội 12 và dân quân du kích địa phương bẻ gãy cuộc càn này, gây tiếng vang trên toàn Nam bộ như là một trong những trận đánh tiêu biểu nhất trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp:

Giồng Dinh quân Pháp nhảy dù

Sa vào trận chiến chổng khu đầy đồng

Khu Tám đã lập đầu công

Hiên ngang trên đất thành đồng Việt Nam.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau thời gian kết thúc phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (13/01/1959) quyết định chuyển hướng cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Ngày 6/01/1960, tại căn cứ Bình Thành, Tỉnh ủy mở hội nghị quán triệt chỉ đạo của Xứ ủy, Khu ủy theo tinh thần Nghị quyết 15, đề ra phương châm khởi nghĩa: “Dùng lực lượng vũ trang tiến công vào đồn bót và bọn địch khống chế quần chúng ở thôn xã để làm đòn xeo phát động quần chúng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở”, lấy huyện Đức Hòa làm trọng điểm khởi nghĩa.

Và tại Bình Thành, đêm 25/01/1960, Tỉnh ủy phát động và cho truyền đi lời kêu gọi toàn dân khởi nghĩa mang tên Bản Nhật lệnh của Bộ Chỉ huy quân giải phóng Long An, với trận mở màn tiêu diệt đồn Đức Lập, làm tiền đề cho 3 đợt đồng khởi trên toàn tỉnh, làm thay đổi cục diện ta và địch mà như Phân cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Sài Gòn đánh giá: “Vào cuối năm 1960, toàn bộ vùng nông thôn Nam và Tây Nam Sài Gòn (Long An) và một số vùng Bắc Sài Gòn bị Cộng sản kiểm soát quá một nửa và bao vây Sài Gòn...”.

Ngày 17/6/1960, tại Giồng Ông Tưởng, căn cứ Bình Thành, tỉnh sáp nhập lực lượng của Tiểu đoàn 506 và 508 thành lập Đại đội 1 Cơ động tỉnh - tiền thân Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng, làm nên những chiến công vang dội trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này.

Từ sau đồng khởi, vùng giải phóng được mở rộng, thế căn cứ Bình Thành thêm vững mạnh. Trước yêu cầu của tình hình cách mạng lúc bấy giờ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Long An được thành lập và chính thức ra mắt quần chúng nhân dân trong buổi míttinh trọng thể với sự có mặt của khoảng 7.000 người từ khắp nơi kéo về vùng giải phóng tại khu Hội đồng Sầm (xã Bình Hòa Bắc) vào lúc 18 giờ, ngày 30/12/1961, đánh dấu sự kiện ra đời của tổ chức tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước ở địa phương đoàn kết, thống nhất dưới ngọn cờ chung của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm.

Yêu cầu kháng chiến đặt ra cho công tác tuyên truyền cách mạng nhiệm vụ mới, mà văn hóa - văn nghệ, in ấn, báo chí là mặt trận đi đầu. Ngày 01/5/1961, tại căn cứ Bình Thành diễn ra lễ khánh thành chiếc máy in ty-pô đầu tiên cũng là ngày nhà in của tỉnh chính thức thành lập mang tên người chiến sĩ cộng sản bất khuất Phan Văn Mảng - một mốc son lịch sử của ngành in và báo chí cách mạng, như lời Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ - Nguyễn Văn Chính, phát biểu: “... Nó là anh cả máy in trong vùng giải phóng của các tỉnh Trung Nam bộ...”.

Các đội Văn nghệ Măng Non, Văn công,... cũng ra đời trên vùng căn cứ này vào thời điểm đồng khởi với phương châm “tiếng hát át tiếng bom”, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, cán bộ, chiến sĩ, góp phần vào thành công của sự nghiệp đấu tranh cách mạng.

Sau đồng khởi làm sụp đổ bộ máy chính quyền cơ sở ở nông thôn, địch tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “ấp chiến lược” làm cho tình hình cách mạng hết sức khó khăn. Tháng 9/1963, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính chủ trì cuộc họp mở rộng tại Bình Thành tìm nguyên nhân và giải pháp phá ấp chiến lược, là "dùng lực lượng vũ trang đánh tiêu diệt đồn bót và lực lượng càn quét của địch, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược, bung về vườn cũ làm ăn...”", đồng thời nêu quyết tâm “kiên quyết phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng vùng căn cứ” với trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963, mở đầu cao trào phá ấp chiến lược trên toàn tỉnh.

Từ chỉ đạo này, phát huy khí thế phá ấp chiến lược, đêm 16/10/1964, quân và dân Đức Huệ với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 263 bao vây, tấn công Chi khu Đức Huệ, đến ngày 18/10/1964, địch ở khu trù mật Quéo Ba (Mỹ Quý Tây) rút chạy. Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tràn vào san bằng khu trù mật kiểu mẫu này ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn huyện Đức Huệ - huyện giải phóng đầu tiên ở Long An và Khu 8, đưa thế căn cứ phát triển từ Bình Thành - Đức Huệ sang vùng Đức Hòa - Bến Lức. Cũng trong năm này, tại căn cứ Bình Thành, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị kiểm điểm, đánh giá tình hình và quán triệt Nghị quyết 9 của Trung ương Đảng về biện pháp đập tan kế hoạch Mắc-na-ma-ra, tổ chức “rèn cán, chỉnh quân”, đề ra nhiệm vụ đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường Long An.

Từ cuối năm 1965, khi quân Mỹ tham chiến, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị tại căn cứ Bình Thành, quán triệt Nghị quyết 12 của Trung ương và Nghị quyết Tỉnh ủy về đường lối, nhiệm vụ chống “chiến tranh cục bộ”, đồng thời tổ chức các cuộc chống càn trong cuộc hành quân Ma-rô-đơ (Marauder) đánh vào dọc 2 bên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ trong lần phản công chiến lược lần thứ nhất và lần thứ hai với sự tham chiến của Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ, gây cho địch rất nhiều tổn thất, giữ vững vùng căn cứ, góp phần vào thành tích “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Từ sau Mậu Thân đến năm 1975, trong tình thế cách mạng khó khăn, Tỉnh ủy vẫn bằng mọi cách bám trụ, xây dựng, phát triển căn cứ, giữ vững liên lạc giữa Trung ương và địa phương các vùng, miền với sự chỉ đạo của Khu 8 và Trung ương cục miền Nam, đề ra nhiều chủ trương, chỉ đạo quan trọng, trong đó có Hội nghị quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương và Nghị quyết 12 của Trung ương cục miền Nam (11/1973), kiểm điểm 9 tháng thực thi Hiệp định Pa-ri và chống bình định, lấn chiếm, từ đó đề ra nhiệm vụ xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, tăng cường công tác binh vận, chủ động tiến công bằng 3 mũi giáp công, tạo thế, tạo đà cho phong trào cách mạng địa phương, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975./.

Nguyễn Tấn Quốc
(Còn tiếp)

Kỳ 3: Điểm đến vùng biên

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích