Hàng trăm đại biểu khách mời đại diện cho các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội hữu nghị với Việt Nam đã đến tham dự buổi lễ tổ chức tối ngày 11/10 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc UNESCO nhân kỷ niệm 35 năm ngày UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà Văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.
Sự kiện mang tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con người vĩ đại của hoà bình và văn hoá” do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng UNESCO tổ chức để kỷ niệm 35 năm Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà Văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại kỳ họp thứ 24 diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987.
Đích thân Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Xing Qu cùng hàng trăm khách mời là đại diện cho các phái đoàn ngoại giao bên cạnh UNESCO, các tổ chức quốc tế cùng các hiệp hội hữu nghị với Việt Nam đã tham dự lễ kỷ niệm. Đại diện phía Việt Nam có bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay nhiệt liệt chúc mừng sự kiện kỷ niệm ngày UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp mà bà có được trong chuyến thăm đến Việt Nam đầu tháng 09/2022.
Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Xing Qu.
Nhận định về ý nghĩa của việc UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 35 năm, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Xing Qu nhấn mạnh, nghị quyết mà UNESCO đưa ra 35 năm trước là để tôn vinh các lý tưởng vốn là nền tảng của UNESCO mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đại diện tiêu biểu của lý tưởng đó.
“Với quyết định ngày đó, các quốc gia thành viên UNESCO mong muốn tôn vinh những gương mặt đại diện cho những lý tưởng vốn là nền tảng cho sứ mệnh của UNESCO. Lý tưởng đó là thông qua quyền lực của giáo dục và văn hoá để nuôi dưỡng bản sắc và khát vọng của các dân tộc, và cũng để các dân tộc thấu hiểu nhau hơn, để cùng xây dựng hoà bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng sâu sắc vào lý tưởng đó và đã biến văn hoá và giáo dục thành các trụ cột cho nền độc lập của Việt Nam cũng như sự tiến bộ của nhân dân Việt Nam”, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Xing Qu nói.
Là người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là tác giả của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng viết về sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các phương diện, nhà sử học Pháp, Alain Ruscio được coi là cuốn từ điển sống về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 35 năm trước, ông cũng đã có vinh dự góp mặt trong sự kiện UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh và giờ đây nhìn lại, Alain Ruscio vẫn cho rằng, bất chấp sự biến động của thời gian, hình ảnh và các thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn rất mạnh mẽ và có sức cuốn hút lớn trên thế giới.
“Tôi nghĩ rằng trong bản thân mỗi hành động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tạo được một sự kết nối giữa chủ nghĩa ái quốc với chủ nghĩa quốc tế. Tôi nghĩ chính điều đó càng khiến cho các thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong thời đại ngày nay và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn lưu giữ trong trái tim của rất nhiều con người trên thế giới, những người theo đuổi tự do, hoà bình, độc lập cũng như như sự hợp tác giữa các dân tộc”, nhà sử học Alain Ruscio đánh giá.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao.
Chào mừng đại diện các phái đoàn ngoại giao cùng đông đảo khách mời tham dự sự kiện kỷ niệm Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, nghị quyết của UNESCO 35 năm trước là một sự ghi nhận những đóng góp và cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cuộc đấu tranh chung của những dân tộc trên toàn thế giới, chống lại áp bức, bất công và vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là đại diện cho những tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt Nam vì trong bản thân người có sự hoà nhã của một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà văn hoá, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn tin tưởng sâu sắc vào các giá trị của sự thật, của lòng tốt và tính thiện trong mỗi con người.
Bà Lê Thị Thu Hằng đánh giá, những hệ giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng hiện vẫn ý nghĩa tư tưởng và thực tiễn rất lớn: “Có thể nói là những đóng góp, những tư tưởng của CHủ tịch Hồ Chí Minh là cả một hệ giá trị bao gồm cả thực tiễn và lý luận, không chỉ có ý nghĩa về tư tưởng mà còn có ý nghĩa toàn cầu và vượt thời đại. Các giá trị còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, đó là đạo đức sáng ngời, là tư tưởng tiến bộ gắn liền với các giá trị mà UNESCO vẫn đang duy trì như ngày nay”.
Rất đông quan khách tham dự lễ kỷ niệm.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm UNESO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã tổ chức trưng bày rất nhiều sách, vở, ấn phẩm, tranh, ảnh về cuộc đời đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.
Theo VOV.VN