Tiếng Việt | English

23/03/2021 - 10:01

Lần đầu tiên EU và Anh trừng phạt Trung Quốc sau hơn 3 thập kỷ

Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ngày 22/3 công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, động thái ngay lập tức đã bị phía Trung Quốc đáp trả.

Trong thông cáo chính thức được Liên minh châu Âu đưa ra sau cuộc họp các Ngoại trưởng khối này trong ngày 22/3, Liên minh châu Âu cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một tổ chức là một công ty xây dựng tại Tân Cương, Trung Quốc. Những cá nhân và tổ chức này bị phía châu Âu cáo buộc là đã vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Đây là các biện pháp đã được Đại sứ 27 nước thành viên EU kiến nghị áp dụng từ tuần trước và nay được các Ngoại trưởng EU chính thức phê duyệt. Động thái này cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1989 phía Liên minh châu Âu ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.


Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989 phía Liên minh châu Âu ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền. Ảnh: AP

Chỉ ít giờ sau quyết định từ phía EU, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng thông báo cho biết nước này sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt tương tự của EU nhằm vào Trung Quốc: “Các lệnh trừng phạt này bao gồm việc cấm đi lại và đóng băng tài sản với các cá nhân, đóng băng tài sản đối với tổ chức mà chúng tôi chỉ định trừng phạt. Các cá nhân này bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh và bất cứ tài sản nào được tìm thấy trên lãnh thổ Vương quốc Anh sẽ bị đóng băng”.

Phía Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả khi ra thông báo trừng phạt 10 cá nhân và 4 tổ chức tại Liên minh châu Âu, trong số này có một số nghị sĩ châu Âu nổi bật như Raphael Glucksmann của Pháp và Reinhard Butikofer, Chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc tại Nghị viện châu Âu.

Về phía các tổ chức bị Trung Quốc trừng phạt có Tiểu ban nhân quyền trong Nghị viện châu Âu, Ủy ban chính trị và an ninh trực thuộc Hội đồng châu Âu, Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc đặt tại Berlin và “Liên minh dân chủ”, một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch.

Đi kèm các lệnh trừng phạt trả đũa, phía Trung Quốc cũng chỉ trích châu Âu đã đưa ra các quyết định “dựa trên những lời lẽ dối trá, các thông tin sai lệch có ý đồ” nhằm tổn hại chủ quyền và can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Liên minh châu Âu “chấm dứt cách hành xử giả tạo và tiêu chuẩn kép”.

Trong nội bộ EU cũng có một số tiếng nói phản đối lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc. Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto chỉ trích các lệnh trừng phạt này là vô nghĩa. Trong khi đó tại Anh, phe đối lập chỉ trích việc Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo quyết định vài giờ sau EU là một hành động lẩn trốn phía sau EU, dù Anh đã rời khối này và có chính sách trừng phạt riêng, với mục đích né tránh các biện pháp trả đũa trực tiếp từ Trung Quốc.

Bất chấp các căng thẳng ngoại giao đang leo thang, hiện cả EU lẫn Anh đều đang mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc. EU đã hoàn tất với Trung Quốc Hiệp định đầu tư vào cuối năm 2020 và dự định sẽ được phê chuẩn trong năm 2021, trong khi chính phủ Anh dù đang mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc trong nhiều chủ đề trong thời gian qua, được cho là đang tiếp xúc bí mật với Trung Quốc để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết