Những gốc mai ở làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa chuẩn bị đến tay người mua
Tết vàng rực rỡ ở làng mai
Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là một trong những làng mai có quy mô lớn. Trước năm 2003, ông Trần Văn Thống (Tổ nghề của làng mai Tân Tây) đi nhiều nơi học hỏi và đem những kỹ thuật, phương pháp trồng mai về xã Tân Tây. Năm 2003, làng mai được hình thành với sự định hướng của ông và phát triển cho đến nay.
Anh Nguyễn Tấn Đạt (SN 1987, ngụ ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa), một trong những người đi cùng ông Thống vào những ngày đầu xây dựng làng mai, cho biết: “Người dân làng mai đã sáng tác bài hát Mai vàng Tân Tây nói về ông Thống và sắp tới sẽ xây dựng nhà thờ tổ ngay tại làng mai để thế hệ sau này tưởng nhớ về ông”.
“Tết năm nay, tôi cùng những người làm chung chọn những vườn mai hơn 5 năm tuổi để mua, sau đó bán lại, giá bán sỉ ra thị trường từ 7 triệu đồng/cây, những ngày tết tăng từ 10 triệu đồng/cây,... Không khí tết tại làng mai vẫn nhộn nhịp, tuy nhiên, chuyện bán buôn có phần giảm hơn so với năm trước khoảng 20-30%” - anh Nguyễn Ngọc Châu - thương lái hơn 10 năm kinh nghiệm mua mai tết, chia sẻ.
Thời gian qua, làng mai không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn về kỹ thuật uốn nắn, hệ thống tưới tự động tiết kiệm,... Ngoài ra, tháng 8/2023, Hội Nông dân xã Tân Tây còn thành lập Chi hội nghề nghiệp Mai bonsai với mong muốn mở thêm hướng đi mới cho cây mai vàng, đáp ứng kịp thời thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.
Khách tham quan đặt mua mai từ rất sớm để được giá tốt
Tổ trưởng Chi hội nghề nghiệp Mai bonsai - Nguyễn Văn Đựng chia sẻ: “Chi hội có 3 sản phẩm chính là mai giống, mai vườn (mai tàng thông) và mai bonsai. Mai giống vừa ươm có giá 7.000-10.000 đồng/cây, mai kiểng bonsai thì tùy theo độ lớn, nhỏ của gốc mà có giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. Khách hàng mua mai đến từ nhiều nơi như các tỉnh miền Tây, miền Trung,...”.
Hiện nay, quy mô làng mai phát triển lên đến 500ha, trung bình 1ha có hơn 1.700 cây mai. Nhờ vậy, làng mai mang đến cơ hội việc làm cho hơn 100 người trong độ tuổi 25-45 trên địa bàn xã. Dự kiến, sắp tới sẽ thuê thêm nhân công để tuốt lá cho mai nở vàng rực rỡ đúng dịp, thu hút khách du lịch đến tham quan nhân dịp Tết Nguyên đán này.
Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Phạm Thị Mỹ Phụng nhận định: “Làng nghề trồng mai góp phần phát triển KT-XH của địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo nền tảng phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Thời gian tới, làng mai có định hướng phát triển du lịch, đưa thương hiệu mai vàng Tân Tây đến với du khách”.
Bánh tét Thủ Thừa tất bật vào xuân
Nếu tết ở miền Bắc không thể thiếu bánh chưng thì đối với người dân miền Nam, bánh tét lại là món bánh đặc trưng. Tại Long An, làng nghề bánh tét có ở nhiều địa phương nhưng nổi tiếng nhất có thể kể đến tại huyện Thủ Thừa, khu vực xóm Căn Cứ (ấp Vàm Kinh, xã Bình An) đã được người dân địa phương giữ gìn hơn 40 năm nay. Bánh tét nơi này được nhiều người ưa chuộng, khó quên vì hương vị đặc trưng, dẻo nếp, đậm nhân,... cùng với giá bán rất bình dân.
Chị Võ Thị Thanh Thúy là đời thứ 3 kế thừa nghề gói bánh tét truyền thống của gia đình, chia sẻ: “Gia đình tôi gói bánh tét hơn 40 năm nay, trung bình mỗi ngày gói 100-200 đòn, cuối tuần khoảng 500 đòn, dịp tết có thể gần 1.500 đòn. Lúc mới về làm dâu, tôi không biết gói, được mẹ chồng và các dì hướng dẫn. Hàng ngày, 3 giờ sáng là dậy để vớt bánh, chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Cực thì có cực nhưng vẫn tìm được niềm vui nên dần dần yêu nghề gói bánh tét. Bánh tét của gia đình tôi vẫn giữ đúng công thức, hương vị từ xưa đến nay với 3 loại nhân đậu, nhân mỡ và nhân chuối, giá bán tại lò 20.000 đồng/đòn”.
Trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Kiều Mai, người có tay nghề hơn 30 năm gói bánh tét tại địa phương, bà cho biết, để làm ra được đòn bánh tét vừa đẹp, vừa ngon phải lựa lá chuối tươi xanh, to bản nhưng không bị rách. Dây lác dùng để buộc được chẻ vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ. Quan trọng, người thợ gói bánh phải lành nghề, buộc bánh phải chắc tay, mỗi nấc dây đều nhau để đòn bánh đẹp, khi nấu bánh không bị dẻ và bung, phải gói ít nhất 3 lớp lá. Quá trình nấu bánh phải để lửa cháy liên tục thì bánh tét mới để được lâu mà vẫn dẻo, thơm ngon. Đó cũng chính là lý do bánh tét Thủ Thừa “được lòng” thực khách gần xa hàng chục năm nay.
Bà Mai nói: “Ngày trước, nấu bánh tét bằng bếp củi, giờ nấu bằng than tổ ong nên đỡ phải canh lửa. Để bánh chín mềm, dẻo và ngon phải nấu liên tục khoảng 6 tiếng, khi nấu phải canh để trở bánh, châm thêm nước, khi chín để nguội mới vớt bánh ra. Làm nghề này phải chịu khó thức khuya, dậy sớm”.
Bánh tét Thủ Thừa có từ hơn 40 năm trước. Những ngày tết, làng nghề bánh tết Thủ Thừa lại hối hả vào xuân
Làng nghề bánh tét Thủ Thừa không chỉ tạo việc làm cho nhiều người mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Hiện nay, nhiều bạn trẻ tại ấp Vàm Thủ nhờ sự chỉ dạy của nhiều thế hệ, đã và đang kế thừa nét đẹp truyền thống, dù có đi học, đi làm ở nơi xa nhưng cứ hễ tết đến lại trở về, quây quần cùng gói, cho ra lò những đòn bánh tét thơm ngon, mềm dẻo,...
Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 2006), hiện là học sinh THPT nhưng có kinh nghiệm 5 năm gói bánh tét. Như bộc bạch: “Em học gói bánh tét từ năm lớp 8. Mẹ dạy em từ chọn nhân, kỹ thuật gói đến cột dây,... Khi học bài xong hay vào những ngày nghỉ, em đi theo mẹ để gói bánh, vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần giữ nghề truyền thống của Thủ Thừa”.
Bánh tét là hương vị không thể thiếu trong những ngày tết của người dân Nam bộ. Bởi thế, xóm gói bánh tét Thủ Thừa những ngày cận tết càng thêm tất bật, nhộn nhịp, rộn ràng để kịp đưa các đơn hàng đến với thực khách./.
Thảo Mi - Khánh Duy