Tiếng Việt | English

05/03/2018 - 14:03

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam bộ

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành là Di sản văn hóa cấp Quốc gia, minh chứng cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các cộng đồng người trong buổi đầu khai hoang, lập ấp, hàm chứa trong đó là khát vọng hòa bình, phồn thịnh.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành thu hút đông đảo khách thập phương gần, xa đến thưởng ngoạn, chiêm bái. Ảnh: Bảo tàng Long An

Hằng năm, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng được tổ chức từ ngày 18-20 tháng Giêng âm lịch, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương gần, xa đến thưởng ngoạn, chiêm bái, tạo ra không khí nhộn nhịp, sôi động khắp vùng Long Thượng (Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Theo chân các cư dân Đàng Ngoài vào Nam khai phá, tục thờ Ngũ Hành xuất hiện từ rất sớm, gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của vùng Cần Giuộc, vì thế, trong tâm thức của cộng đồng cư dân, bà Ngũ Hành không chỉ là nữ thần cai quản các yếu tố thiên nhiên mà còn là vị thần bảo hộ mang đến bình an, hạnh phúc cho vùng đất và con người nơi đây. Có thể nói, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Long Thượng, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh định kỳ không thể thiếu.

Ngoài cúng bái bà, lễ hội còn là dịp để cộng đồng tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền hiền, hậu hiền, những anh hùng liệt sĩ có công với quê hương, đất nước, tiêu biểu như lãnh binh Nguyễn Hữu Tình - người anh hùng đứng lên chiêu mộ nghĩa quân và tham gia nhiều trận đánh chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có trận tập kích đồn Tây Dương (16-12-1861).

Điểm độc đáo của lễ hội là tính chất nghi lễ có sự hòa hợp giữa lễ thức dân gian mang tính phóng khoáng và lễ thức điển chế cung đình mang tính khuôn mẫu. Vì thế, trong suốt quá trình diễn ra, bên cạnh những nghi lễ cúng đình trang nghiêm: Lễ Túc Yết, Lễ Đoàn Cả là những nghi lễ mang tính dân gian vui nhộn như múa bóng rỗi, xiếc, văn nghệ. Chính sự dung hòa của 2 yếu tố trên tạo ra không gian văn hóa đầy cảm xúc thăng hoa, giúp người đi lễ vừa có những giây phút thiêng liêng, vừa có những khoảnh khắc vui tươi, thoải mái.

Một điểm nhấn nữa cần phải nói đến trong Lễ hội Vía bà Ngũ Hành là bữa cơm thân mật mà người đi lễ thường gọi là “ăn để lấy lộc bà” - một bữa cơm bình dị, thấm đượm tính cộng đồng. Thật vậy, nó không đơn thuần là để lấy lộc mà còn là dịp để mọi người ngồi lại với nhau, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, xa hay gần, tất cả đều bình đẳng trong một không gian gần gũi, cùng trò chuyện để hiểu nhau hơn, từ đó, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, mở ra mối giao lưu kết nối trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam bộ, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc, đến với không khí rộn ràng, linh thiêng của lễ hội, mọi người như trút bỏ được những phiền muộn, lo âu trong đời thường, đồng thời thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống đoàn kết và nhân ái hơn./.

Bách Nhân

Chia sẻ bài viết