Khuôn viên Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An được trang trí tiểu cảnh
Chuẩn bị chu đáo
Đến nay, các trục đường chính, xung quanh khu vực Đoàn Nghệ thuật Cải lương (NTCL) Long An đã treo băng rôn thông tin về LHCL toàn quốc cho người dân nắm lịch biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, nhà hát tham gia. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng Trưởng ban Tổ chức (BTC) LHCL toàn quốc-2021 - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Một trong những khó khăn của tỉnh khi đăng cai tổ chức LHCL lần này là thời điểm tổ chức gần cuối năm nên phần nào ảnh hưởng đến công tác huy động khán giả đến xem. BTC cố gắng thông tin, xếp lịch để các sở, ngành, địa phương đến xem các đoàn biểu diễn. Hiện băng rôn được treo khắp trên địa bàn TP.Tân An như Quốc lộ 1, đường Nguyễn Huệ, Trịnh Quang Nghị và hệ thống bảng đèn led thông tin về LHCL để người dân nắm rõ lịch biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, nhà hát”. Đoàn NTCL Long An ngoài việc chuẩn bị kỹ về âm thanh, ánh sáng, sân khấu, còn trang trí tiểu cảnh nhằm tạo cảnh quan và thu hút sự quan tâm của người dân.
Đây là lần thứ 2 tỉnh đăng cai tổ chức LHCL toàn quốc. Ngoài công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại Đoàn NTCL Long An - nơi diễn ra liên hoan, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn chủ động hỗ trợ từ sớm cho các đoàn tham gia; phân công tình nguyện viên liên hệ trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác hậu cần, nghỉ ngơi, ăn, uống, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị trong suốt quá trình tham gia.
LHCL toàn quốc-2021 có 22 đoàn nghệ thuật, nhà hát tham gia với gần 1.000 NS, diễn viên, đạo diễn, biên kịch ở khắp 3 miền. Đây cũng là cơ hội cho tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thành tựu của địa phương về kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.
Khuyến khích sự sáng tạo
LHCL toàn quốc-2021 có 27 vở diễn, trong đó, có 1/3 số vở diễn được các đoàn nghệ thuật, nhà hát dàn dựng mới. Đây được xem là nét nổi bật của liên hoan lần này. Ngay từ đầu, BTC khuyến khích các đơn vị dàn dựng vở diễn mới, tạo điều kiện cho các NS trẻ phát huy tính sáng tạo, đào tạo đội ngũ kế thừa cho NTCL trong tương lai.
Là đơn vị chủ nhà, Đoàn NTCL Long An tiên phong trong việc dàn dựng một kịch bản hoàn toàn mới và đưa đội ngũ NS trẻ đảm nhận các vai diễn chính để có cơ hội tỏa sáng. Vở diễn tham gia liên hoan là Bên dòng Long Khốt - đề tài gắn liền với lịch sử của tỉnh, phản ánh về nạn diệt chủng Khmer đỏ và thể hiện sự gắn kết hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia. Thông điệp được lồng ghép nhẹ nhàng qua câu chuyện tình giữa cô gái Campuchia và anh bộ đội quân tình nguyện Việt Nam.
Phó Trưởng đoàn NTCL Long An - Biện Hữu Hùng Dũng cho biết: “Đoàn có hơn 1 tháng chuẩn bị, tập luyện cho vở diễn. Sau 2 lần diễn báo cáo, Đoàn nhận được nhiều góp ý và đã tiếp thu, chỉnh sửa để có sản phẩm hoàn chỉnh. So với vở diễn LHCL năm 2018, lần này, mọi trọng trách đều trao cho các NS trẻ. Với sự đầu tư về kịch bản, đạo diễn cũng như sự hướng dẫn tận tình và sự nỗ lực của mỗi cá nhân, chúng tôi tin rằng các em sẽ có bước trưởng thành, thể hiện bản lĩnh, khả năng nghề nghiệp của mình”.
Không chỉ Đoàn NTCL Long An, các đơn vị tham gia LHCL lần này mang đến nhiều vở diễn được đầu tư công phu. Các vở diễn đa dạng về thể loại, chủ đề với sự góp mặt của cả những NS gạo cội và NS trẻ triển vọng. Thông tin từ BTC, năm nay, đa số các vở diễn đều tận dụng sự hỗ trợ của màn hình led và trang trí mỹ thuật để mở rộng không gian sân khấu, tạo hiệu ứng hoành tráng về quy mô và nghệ thuật cũng như sự độc đáo, mới lạ.
Nỗ lực hết mình
Là một trong những NS đóng chính trong vở diễn Bên dòng Long Khốt, NS Thu Mỹ chia sẻ: “Khi biết được đảm trách vai nữ chính, tôi vừa mừng, vừa lo. Khó nhất đối với tôi trong vở diễn này là hóa thân thành nhân vật người Khmer. Do khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục,... nên tôi cảm thấy áp lực hơn nhiều khi diễn một nhân vật là người Việt”. Được biết, Thu Mỹ dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật múa của Khmer để có thể hóa thân vào nhân vật.
Trưởng đoàn NTCL Long An - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Thu Mỹ từng có kinh nghiệm đóng vai chính trong một số vở diễn hội thi cấp toàn quốc khác. Tuy nhiên, LHCL toàn quốc-2021 là cuộc thi mang tính chuyên nghiệp và quy mô lớn nên lãnh đạo Đoàn hết sức tập trung hướng dẫn các NS trẻ nói chung và Thu Mỹ nói riêng để có thể hoàn thành tốt phần diễn xuất của mình”.
Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tập luyện vở Bên dòng Long Khốt chuẩn bị cho liên hoan
Một trong những điểm nhấn của vở diễn Bên dòng Long Khốt chính là sự kết hợp nghệ thuật múa và một phần nghệ thuật xiếc tạo nên màu sắc mới mẻ, năng động. “Ngoài tham gia LHCL toàn quốc-2021, các NS Đoàn NTCL Long An còn tập luyện chuẩn bị tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội. Đồng thời, Đoàn và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh còn phối hợp xây dựng chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân 2023 cũng như có nhiều kế hoạch phục vụ và truyền hình trực tiếp khác. Với khối lượng công việc khá nhiều, đòi hỏi các NS trong Đoàn và cả ngành văn hóa phải nỗ lực hết mình” - bà Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm.
LHCL toàn quốc-2021 được xem là sân chơi lớn của những người hoạt động trong lĩnh vực NTCL cả nước. Đây là dịp để nhìn rõ diện mạo của sân khấu cải lương đương đại cũng như giúp các nhà quản lý rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật; tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp cho từng đơn vị nghệ thuật. Với sự nỗ lực hết mình của BTC và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của 20 đoàn nghệ thuật, nhà hát tham gia, tin rằng, LHCL toàn quốc-2021 sẽ có nhiều điều thú vị, hấp dẫn đối với khán giả mộ điệu gần xa./.
Liên hoan Cải lương toàn quốc-2021 diễn ra từ ngày 05 đến 20/11/2022. Đây là liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp các địa phương tổ chức 3 năm 1 lần. Năm 2018, Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 được tổ chức tại Long An. Theo kế hoạch, Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 sẽ tổ chức trong năm 2021 nhưng do dịch Covid-19 nên tạm hoãn đến nay. |
Quế Lâm