Tiếng Việt | English

29/12/2021 - 10:21

Long An: Điểm sáng xây dựng cánh đồng lớn

Nhờ sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm của các cấp, các ngành, năm 2021, Long An trở thành điểm sáng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), tạo vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

cánh đồng lớn

Khi tham gia cánh đồng lớn, hợp tác xã và thành viên được hưởng rất nhiều lợi ích

Nhiều lợi ích khi tham gia cánh đồng lớn

Mục đích của việc xây dựng CĐL là tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với chế biến, tiêu thụ nông sản; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân,... Xác định được vấn đề này, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn đề ra kế hoạch, chỉ tiêu xây dựng CĐL với quyết tâm năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả năm 2021, diện tích CĐL tăng 330% so với năm 2020. Cụ thể, năm 2021, tỉnh xây dựng 505 lượt CĐL, trên 12.830 hộ tham gia với diện tích thực hiện 46.282ha (đạt 92%), tăng 32.262ha so với năm 2020 (14.020ha). Trong đó, diện tích thu mua của doanh nghiệp 34.179/46.282ha thực hiện (đạt 74%). Điểm sáng trong xây dựng CĐL tại tỉnh là việc ký kết thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Công ty (Cty) Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Theo đó, Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có rất nhiều chính sách hỗ trợ các HTX xây dựng CĐL.

Ông Lê Văn Đây (đại diện Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời khu vực Long An) cho biết: “Năm 2021, thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng được 239 lượt CĐL với trên 9.440 hộ tham gia, diện tích thực hiện 20.399/24.403ha đăng ký (đạt trên 83%), trong đó Cty thu mua 8.500/20.399ha thực hiện, đạt 41,7%. Khi thực hiện mô hình, Cty phối hợp các huyện, thị xã hỗ trợ 4 nhân sự làm giám đốc cho HTX, 1 nhân sự làm Phó Giám đốc HTX nhằm tăng cường nhân sự có chất lượng cao cho HTX, nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị tài chính; tổ chức các lớp tập huấn theo quy trình sản xuất SRP, GlobalGAP, VietGAP,... cho nông dân”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa) - Trần Văn Sữa, khi tham gia xây dựng CĐL, HTX và các thành viên hưởng được rất nhiều lợi ích. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 50ha, HTX được huyện hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chi phí sạ hàng với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

Riêng Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình CĐL gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo tại HTX với diện tích 600ha. Tại đây, Cty hỗ trợ HTX thực hiện cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch (100%); gieo sạ bằng máy bay không người lái, máy sạ hàng (30%); phun thuốc bằng máy bay không người lái (50%). Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nhất là thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc xây dựng CĐL là giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng khác. Điều đáng nói, khi tham gia CĐL giúp nông dân giảm chi phí giống (số lượng giống gieo sạ trong CĐL thấp hơn bên ngoài khoảng 10 - 20kg/ha); giảm lượng phân bón (trong CĐL thấp hơn bên ngoài 20 - 22kg/ha); giảm số lần phun thuốc và liều lượng phun thuốc. Từ các yếu tố trên làm cho lợi nhuận của nông dân trong CĐL cao hơn bên ngoài từ 2 - 3 triệu đồng/ha.

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng việc xây dựng CĐL của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như năng lực quản lý, điều hành của hội đồng quản trị các HTX, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế; các thành viên chưa có sự gắn kết chặt chẽ, dễ dàng phá vỡ hợp đồng khi giá cả bất ổn và không tuân thủ theo quy trình sản xuất làm cho chất lượng sản phẩm không đồng nhất; HTX không có khả năng đối ứng nên khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ; nông dân ít tham gia hội họp triển khai kế hoạch sản xuất; số doanh nghiệp đến địa phương bao tiêu còn ít,...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện khẳng định: “Diện tích CĐL năm 2021 tăng 330% so với năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng minh mô hình CĐL đang được sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Phát huy kết quả đã đạt, năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh dự kiến xây dựng CĐL đối với cây lúa khoảng 250 cánh đồng với tổng diện tích thực hiện trên 26.100ha.

Để đạt được kế hoạch đề ra cũng như khắc phục các khó khăn, hạn chế trong xây dựng CĐL, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quy trình lập hồ sơ và trình thủ tục hỗ trợ liên kết; xây dựng, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; phối hợp các địa phương tổng hợp nhu cầu vốn triển khai liên kết sản xuất năm 2022; tham mưu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện liên kết sản xuất tại các địa phương; hỗ trợ Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo,...”.

Tin rằng, với sự quyết tâm cùng nỗ lực của các cấp, các ngành, việc xây dựng CĐL sẽ ngày càng phát huy, tạo nên vùng sản xuất lớn chuyên canh về cây lúa, góp phần tăng năng suất, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và hướng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn và bền vững./.

Năm 2022 thực hiện kế hoạch xây dựng CĐL với tổng kinh phí trên 10,6 tỉ đồng. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các dự án, kế hoạch năm 2021 (gồm 5 dự án, 8 kế hoạch), với tổng kinh phí trên 4,4 tỉ đồng; các dự án/kế hoạch đăng ký thực hiện năm 2022 (gồm 3 dự án, 15 kế hoạch), với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ trên 6,1 tỉ đồng.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, tỉnh thành lập mới 43 HTX và thực hiện củng cố 109 HTX. Trong đó, số lượng HTX hoạt động từ loại khá, tốt đạt ít nhất 40%; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học, cao đẳng đạt ít nhất 20%; xây dựng ít nhất 12 mô hình HTX thực hiện ứng dụng công nghệ cao (đối với cây lúa, rau, thanh long, chanh, con bò thịt và con tôm nước lợ) và có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 1 mô hình HTX tham gia mô hình hoàn thiện và mở rộng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiện sản phẩm; 15 mô hình HTX tham gia thí điểm xây dựng mô hình cơ giới hóa gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và có ít nhất 20 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; phấn đấu có khoảng 30% HTX trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích