Nhân dân trên vùng biên giới khai thác thủy sản trên các tuyến kênh
Xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng có 3 ấp tiếp giáp đường biên giới dài 6,4 km. Tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên biên giới và trong nội địa luôn ổn định. Tuy nhiên, tình hình trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra,… nhất là người dân từ địa phương khác và một số người dân địa phương sang Campuchia đánh bạc.
Trước tình hình trên, để bảo đảm ANTT trong khu vực biên giới và trong nội địa, mô hình Tiếng kẻng vùng biên được triển khai ở ấp Trung Thành. Sau đó, Đảng ủy, UBND xã và Đồn Biên phòng Long Khốt đã thống nhất nhân rộng mô hình ra 2 ấp là Trung Chánh và Láng Đao. Một số nội dung, quy định, quy ước sử dụng kẻng được nhanh chóng triển khai đến người dân. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ, trang bị cho mỗi hộ gia đình một tuýp sắt treo ở nơi thuận tiện để khi có tình huống xảy ra kịp thời đánh kẻng báo động.
Hiệu quả thiết thực nhất của mô hình chính là khơi dậy được ý thức người dân chấp hành nghiêm pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác và nhiệt tình, tích cực tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm khác, giúp cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra liên quan đến ANTT.
Nhân dân luôn an tâm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và tích cực tham gia các phong trào, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh luôn giữ vững, ổn định; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình Tiếng kẻng vùng biên mang lại hiệu quả tích cực góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên biên giới và được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị trao đổi mô hình phòng, chống tội phạm bảo vệ biên giới quốc gia do Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức./.
PV