Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thăm, tặng quà thương binh nặng ở ấp Long Đất nhân dịp Tết Nguyên đán 2021 (Ảnh: Kim Ngọc)
Về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC với cách mạng, đến nay, tỉnh đã xác định khoảng 125.083 NCC với cách mạng. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng; đồng thời, tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với những hoạt động thiết thực.
Trước hết, tỉnh đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng theo quy định hiện hành. Hiện nay, tỉnh đang quản lý chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho gần 22.000 NCC với cách mạng, với số tiền trợ cấp hàng năm trên 300 tỉ đồng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả cho trên 91.000 lượt đối tượng NCC với số tiền trên 1.800 tỉ đồng.
Các chế độ, chính sách khác đối với NCC như cấp thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức điều dưỡng, cấp phương tiện trợ giúp, miễn giảm thuế nhà đất,… được thực hiện tốt; tổ chức phong tặng, truy tặng danh hiệu cho 933 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), nâng tổng số Bà mẹ VNAH toàn tỉnh 5.294 mẹ (hiện còn sống 149 mẹ); đã giải quyết gần 100 hồ sơ tồn đọng;…
Song song đó, việc vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cũng được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội. 5 năm qua, tỉnh đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 105 tỉ đồng, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC và gia đình NCC.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, đến nay toàn tỉnh có 1.280 hộ gia đình NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền trên 36 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh đã phát động chương trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà thờ cúng Mẹ VNAH, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 1.860 căn nhà, với tổng số tiền vận động gần 80 tỉ đồng, trong đó 633 căn nhà tình nghĩa, 237 căn nhà thờ cúng Bà mẹ VNAH. Đây là chương trình mang ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và đến nay cơ bản không còn hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân NCC với cách mạng và thân nhân NCC, các cấp còn đẩy mạnh các hoạt động: Xây dựng, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang, nhà bia ghi danh liệt sĩ; dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, NCC nhân dịp lễ, tết; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH; xác định danh tính, quy tập hài cốt liệt sĩ;… 5 năm qua, tỉnh tìm kiếm, quy tập, tổ chức lễ tiếp nhận, truy điệu 445 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia, nâng tổng số hài cốt quy tập từ năm 2001 đến nay là 2.203 bộ hài cốt và 6 mộ tập thể với 280 hài cốt.
Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, những năm qua, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trên nhiều phương diện; qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trước hết, phải kể đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Từ năm 2016 đến cuối năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 113.041 lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên trên 70%; trung bình mỗi năm tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể phát triển KT-XH, tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp giảm nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Những chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục, tín dụng ưu đãi, vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh,… cho hộ nghèo, cận nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Nhờ đó, từ 15.704 hộ nghèo vào đầu năm 2016 (4,03%), đến nay giảm chỉ còn 5.520 hộ nghèo (1,16%).
Cùng với ngân sách Nhà nước, nguồn huy động xã hội được tăng cường để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo về nhà ở, hỗ trợ cuộc sống. Trong 5 năm, tỉnh đã vận động đóng góp “Quỹ Vì người nghèo” trên 93 tỉ đồng; xây dựng 2.322 căn nhà Đại đoàn kết. Riêng năm 2020, toàn tỉnh xây dựng 990 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 44 tỉ đồng; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tỉnh Long An chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đáng trân trọng là trong nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã phát động vận động đóng góp tài trợ cho tỉnh trên các lĩnh vực với tổng kinh phí trên 670 tỉ đồng; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội.
Song song đó, chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội được tổ chức triển khai, thực hiện tốt. Trong giai đoạn 2015- 2020, tỉnh đã trợ cấp cho trên 280.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với kinh phí trên 1.100 tỉ đồng; hỗ trợ đột xuất 2.977 lượt trường hợp bị rủi ro, thiên tai, hỏa hoạn. Tỉnh tăng cường công tác huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp lễ, tết; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp khác cho người khuyết tật, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,…
Ngoài ra, các chính sách về giáo dục, nhà ở, nước sạch, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được phối, kết hợp thực hiện khá đồng bộ trên địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2020, theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết 42 và Nghị quyết 154 của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; tổng số lượt được hỗ trợ 146.245 người với số tiền trên 164,24 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng (Ảnh: Kim Ngọc)
Từ việc thực hiện tốt các chính sách NCC, chính sách an sinh xã hội, đến nay, tỉnh có hầu hết gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú; mục tiêu giảm nghèo vượt chỉ tiêu nghị quyết đặt ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC với cách mạng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với NCC có lúc chưa đầy đủ, chưa rộng khắp; việc xác lập hồ sơ xác nhận NCC trong chiến tranh không còn giấy tờ, hồ sơ Bà mẹ VNAH có nơi còn chậm; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ trong một số hộ nghèo; do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai xảy ra làm cho đời sống nhân dân, nhất là người nghèo gặp nhiều khó khăn; hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp bị thu hẹp phải cắt giảm lao động, người lao động bị mất việc làm; đào tạo nghề lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để thực hiện tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC với cách mạng và các chính sách an sinh xã hội, góp phần đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền; thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi NCC với cách mạng, chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ hai, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với NCC với cách mạng, thân nhân NCC, đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là phát triển Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo.
Thứ ba, phối, kết hợp tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Kịp thời giải quyết những hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình.
Thứ tư, tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC, người nghèo đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo,...; đồng thời, kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, tích cực đóng góp vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội của tỉnh.
Thứ năm, phối, kết hợp chặt chẽ và làm tốt đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nghiên cứu chuyển dần hỗ trợ trực tiếp sang trợ giúp có điều kiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; kết hợp công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, chính sách trợ giúp xã hội; rà soát, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện các chỉ tiêu theo định kỳ.
Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Long An sẽ triển khai, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân./.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa