Bàn giao nhà trong điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới (ảnh tư liệu: Kim Tiến - Hoàng Anh)
Chủ trương hợp lòng dân
Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt DQBG trên địa bàn của QK7 nhận được sự đồng thuận cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động phối hợp sở, ban, ngành, đoàn thể quán triệt, triển khai, thực hiện đề án.
Trong giai đoạn 1, QK7 hoàn thành xây dựng 3 điểm dân cư liền kề chốt DQBG tại các xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa), xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) và xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng). Giai đoạn 2 được triển khai, thực hiện tại 5 điểm là xã Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa); xã Hưng Điền A, Khánh Hưng, Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng) và xã Hưng Hà (huyện Tân Hưng). Mỗi điểm được xây dựng 5 căn nhà, trong đó Bộ Tư lệnh QK hỗ trợ mỗi căn 100 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 35 triệu đồng, còn lại các hộ dân đầu tư thêm, giá trị mỗi căn từ 160-400 triệu đồng; điện, nước bảo đảm cho người dân sử dụng, sinh hoạt.
Là điểm dân cư khánh thành đầu tiên trong 3 điểm xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2019 của tỉnh, điểm dân cư liền kề chốt DQBG Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh nằm cách biên giới chưa tới 400m, gần cột mốc 198 và cột mốc 200. Vùng này trước kia là khu đất hoang sơ, xung quanh toàn đồng ruộng.
5 căn nhà cấp 4 kiên cố được xây dựng hoàn thiện, mỗi căn có diện tích 80-100m2. Sau hơn 2 năm “an cư, lạc nghiệp”, có hộ cơi nới thêm phòng ở hoặc đầu tư lắp mái tôn che mát khoảng sân; có hộ dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc. Phần đất trống phía trước và sau nhà xanh ngát các loại rau lang, mướp, mồng tơi,... Trước mỗi căn nhà đều có treo cờ Tổ quốc. Có thể thấy, cuộc sống người dân nơi đây ngày thêm khởi sắc.
An cư để lạc nghiệp
Ghé thăm gia đình chị Phạm Thị Hoa (một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở tại điểm dân cư liền kề chốt DQBG Gò Vồ Nhỏ), chúng tôi nhận thấy đời sống của gia đình từng bước được nâng lên. Cổng rào, nhà cửa được xây dựng kiên cố hơn. Hiện gia đình chị trồng được 5.000m2 mít Thái và nuôi đàn bò 20 con. Đó là cơ ngơi của vợ chồng chị sau 25 năm lập nghiệp ở biên giới.
Gia đình chị Phạm Thị Hoa từng là một trong những hộ nghèo của xã, sống trong căn chòi dựng tạm bằng vách tre ngay sát biên giới, không đường, không điện, không nước sử dụng, sinh hoạt. Mỗi lần giông lốc lớn thì căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, phải nhờ bộ đội hỗ trợ dựng lại. Cuộc sống khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và mạnh thường quân, đến nay, gia đình chị thực sự thoát nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi và những hộ dân trong điểm dân cư liền kề chốt DQBG được QK hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng, UBND tỉnh 40 triệu đồng, 35 triệu đồng từ chương trình di dân để xây nhà kiên cố. Nhà nước còn hỗ trợ chúng tôi 20 triệu đồng để nuôi bò xoay vòng. Có nhà ở ổn định, vợ chồng tôi yên tâm, tập trung trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế”.
Sinh sống trên địa bàn biên giới, 5 hộ dân nơi đây rất đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với mô hình trồng mít và nuôi bò, các hộ dân hỗ trợ nhau vốn để mua con, cây giống về nuôi, trồng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình còn được lực lượng dân quân, biên phòng hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, trồng đạt năng suất cao.
Không những được QK7 tặng nhà, địa phương còn tạo điều kiện về đường giao thông đi lại, điện, nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh, giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống. Chị Nguyễn Thị Trúc Hương (hàng xóm của chị Hoa) chia sẻ, lực lượng dân quân, biên phòng thường xuyên tuần tra, canh gác. Có người lạ mặt qua lại biên giới hay những vấn đề liên quan đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, chị và mọi người đều thông tin để các anh giải quyết nên địa bàn rất ổn định.
Chính quyền địa phương đến thăm hỏi cuộc sống hộ dân trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. (ảnh tư liệu: Thùy Trang)
Một niềm vui khác là trường hợp ông Nguyễn Văn Bằng (58 tuổi, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Gia đình ông Bằng thuộc diện hộ nghèo. Các con ông lập gia đình nhưng do không có đất, không có tiền nên vẫn ở chung với cha mẹ trong căn nhà lụp xụp. Thương con, buồn phận, ông Bằng nghĩ ngợi nhiều nên lâm bệnh. Biết được hoàn cảnh của ông, Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà tại điểm dân cư liền kề chốt DQBG. Ông vui mừng nói: “Làm lụng bao năm nay, gia đình tôi vẫn không đủ tiền để xây một căn nhà làm chỗ tránh nắng, trú mưa. Nhờ sự hỗ trợ của các chú bộ đội, ước nguyện cả đời tôi đã thành hiện thực. Từ nay, gia đình tôi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.
Mỗi gia đình là một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có cùng một ước vọng an cư lạc nghiệp, quyết tâm bám đất, góp sức giữ gìn biên giới. Đối với họ, biên giới giờ đây đã là quê hương gắn bó mỗi ngày. Có thể thấy, Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt DQBG không chỉ góp phần phát triển KT-XH, chăm lo đời sống người dân vùng biên mà còn tăng cường sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia, củng cố “thế trận lòng dân” và khu vực phòng thủ vững chắc./.
Trà Long