Tiếng Việt | English

13/11/2024 - 18:52

'Mở lối' cho phát triển du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn ngày càng chiếm được nhiều “cảm tình” của khách du lịch bởi sự bình dị, gần gũi từ những người làm du lịch nông thôn đến những sản phẩm du lịch và thiên nhiên. Bắt nhịp xu hướng đó, tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hoạt động phát triển du lịch nông thôn dần được “mở lối” để quảng bá hình ảnh của địa phương.

Vườn nho được làm giàn cao để khách có thể thoải mái tham quan, trải nghiệm hái trái

Dám nghĩ, dám làm

Nhận thấy du lịch nông thôn dần trở thành xu hướng và có thể phát triển lâu dài, bền vững, anh Lê Tấn Phong (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Anh Phong xây dựng vườn nho Minh Anh với 2 loại cây trồng gồm nho, táo và mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm từ nho, táo của vườn. Sau gần 2 năm bắt tay tạo dựng “nền móng”, hiện vườn nho Minh Anh của anh Phong hoạt động ổn định, thu hút được nhiều du khách.

Anh Phong chia sẻ: “Nhiều nơi ở ngoài tỉnh phát triển du lịch nông thôn rất tốt nhưng tại địa phương chưa khai thác được tiềm năng này. Do vậy, tôi mong muốn tận dụng lợi thế đó, xây dựng vườn nho với không gian xanh, sạch, đẹp, thoáng mát để tạo ra điểm tham quan lý tưởng cho những người đam mê du lịch nông thôn”.

Bắt tay thực hiện ý tưởng, anh Phong dành hơn 3 tháng để đến tỉnh Ninh Thuận học về kỹ thuật trồng nho, táo từ nông dân địa phương. Trong đó, anh chú trọng nhất kỹ thuật trong chăm sóc, xử lý bệnh giúp cây cho trái, phát triển tốt. Anh cũng không ngừng học hỏi, nghiên cứu kiến thức, kỹ thuật trồng nho, táo và các hình thức phát triển du lịch nông thôn từ các tài liệu, sách, báo, Internet,... để trang bị cho mình “vốn” hành trang vững chắc.

Anh Lê Tấn Phong (bên trái, ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) chuẩn bị sẵn nho tươi để bán cho khách

Với mục đích phục vụ phát triển du lịch nông thôn nên từ đầu, anh Phong thiết kế vườn nho, táo không như các vườn thông thường. Anh làm giàn bằng khung sắt với độ cao khoảng 2m để tiện lợi cho khách đến tham quan, trải nghiệm hái trái trực tiếp. Các khu vực trồng được liên kết với nhau, du khách có thể tham quan theo vòng tròn để trở lại điểm xuất phát sau khi tham quan xong.

Hiện vườn của anh Phong có 1.000 gốc nho và 250 gốc táo với diện tích 0,7ha và được trồng theo hướng hữu cơ organic. Từ ngày 30/4/2024 đến nay, anh Phong mở cửa cho khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm vào khung giờ từ 7 giờ 30 phút đến 20 giờ hàng ngày. Vườn có các sản phẩm như nho, táo tươi; nước ép nho, táo; nho, táo sấy; nước nho lên men. Để bảo đảm nho, táo có trái quanh năm, anh Phong xử lý cắt cành để trái ra theo từng đợt, phục vụ tốt du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.

“Hoạt động tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm của vườn được đón nhận khá tích cực từ du khách đến tham quan. Vườn đặc biệt thu hút du khách vào các dịp lễ, cuối tuần. Ngoài ra, vườn còn thu hút khách đến chỉ để mua sắm các sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, vườn tiếp đón 200 du khách. Đây là bước đầu thuận lợi cho phát triển du lịch nông thôn của vườn nho Minh Anh” - anh Phong phấn khởi.

Cho khách tự do tham quan

Cũng tại xã Mỹ Phú, anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp 4) đang trồng 1.300m2 dưa lưới trong nhà màng theo hướng VietGAP. Nhiều năm nay, cứ vào dịp gần thu hoạch, anh Tâm cho khách tự do tham quan để mua sắm, chụp ảnh, trải nghiệm hái trái hoặc học hỏi kỹ thuật trồng dưa lưới.

Anh Tâm chia sẻ: “Tôi trồng dưa lưới từ năm 2018 đến nay. Mỗi năm, tôi làm 4 vụ, trong vòng 1-2 tuần trước vụ thu hoạch, tôi đăng thông tin lên các trang mạng xã hội cá nhân để giới thiệu, quảng bá về sản phẩm dưa lưới của gia đình. Hoạt động này không chỉ thu hút thương lái, khách vãng lai mà còn có nhiều người dân đến tham quan. Được sự đón nhận tích cực của mọi người, dù mua hay không mua dưa lưới, tôi cũng cảm thấy vui”.

Dưa lưới của gia đình anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp 4, xã Mỹ Phú) trồng trong nhà màng theo hướng VietGAP

Để duy trì trồng dưa lưới đạt năng suất cao, anh Tâm không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi ngày, anh đều thăm cây và theo dõi sự phát triển, xử lý ngay khi có sâu, bệnh.

“Khách đến tham quan, trong đó có những người cùng đam mê, sở thích trồng cây nên tôi có thể trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tạo điều kiện cho khách tham quan cũng là góp phần quảng bá hình ảnh, đặc sản của địa phương đến với nhiều người” - anh Tâm cho biết.

Vườn dưa luới của gia đình anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp 4, xã Mỹ Phú)

Du lịch nông thôn không chỉ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị, mới mẻ mà còn thưởng thức những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Hoạt động này dần mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế gia đình và quảng bá hình ảnh, đặc sản, văn hóa của quê hương Thủ Thừa đến với du khách trong và ngoài tỉnh./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết