Tiếng Việt | English

14/02/2021 - 12:30

Mùng 3 tết thầy - Thể hiện đạo lý "Tôn sư trọng đạo"

“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mỗi khi tết đến, xuân về. Bên cạnh nhớ ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta cũng không thể quên tâm sức dạy dỗ của thầy cô cho ta nên người. Do đó, sau khi “tết cha, tết mẹ”, các thế hệ học trò thường dành ngày mùng 3 để chúc tết thầy cô.

Sau ngần ấy năm, nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ, vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm, chúc mừng cô Ngoạn (thứ 3, từ phải sang) vào những dịp tết, 20/11

Cô Trần Thị Ngoạn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ) chia sẻ: “Trước đây, tôi là giáo viên dạy Văn và về hưu vào tháng 3/2019. Sau ngần ấy năm mà nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ, vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm, chúc mừng. Không chỉ riêng những dịp đặc biệt như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mùng 3 tết mà ngày thường, hễ có dịp đi ngang nhà tôi hoặc có em ở xa, về quê cũng đến nhà thăm hỏi. Đặc biệt nhất là khóa 1989 (khóa đầu tiên do tôi chủ nhiệm) và khóa 1998, các em vẫn giữ liên lạc và thường đến thăm cô”.

Chồng của cô Ngoạn - thầy Võ Văn Bằng (nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng) trước đây cũng là giáo viên dạy THCS, nhiều học trò của thầy lớn lên lại trở thành học trò của cô. Thầy “rẽ” sang hướng nhiếp ảnh nhưng tình cảm của học trò cũ vẫn rất đậm đà. “Mùng 3 tết, chưa kịp cúng tiễn ông bà xong thì hết tốp này đến tốp khác thăm thầy cô. Dù mệt nhưng chúng tôi rất vui và hạnh phúc. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, các em chưa đến nhà nhưng điện thoại cứ đầy ắp tin nhắn hỏi thăm, chúc sức khỏe thầy cô” – thầy Bằng chia sẻ.

Cô Ngoạn tiếp lời: “Nghề giáo dù ở thế hệ nào, xã hội nào cũng được trân trọng. Nhiều học trò những lứa đầu tiên của tôi có tuổi đời nhỏ hơn tôi chẳng bao nhiêu, bây giờ gặp lại, tóc cả cô lẫn trò đều điểm bạc, ấy vậy mà các em vẫn rất kính trọng, gặp là tay bắt mặt mừng. Đúng là nghề “Không trồng cây vào đất mà cho đời những đóa hoa thơm”. Vợ chồng tôi rất trân quý tình cảm của các em”.

Chị Đoàn Kim Phượng – học trò của cô Ngoạn khóa 1989 chia sẻ: “Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp chúng tôi khi mới ra trường, lúc ấy cô còn trẻ, rất nhiệt huyết và tận tụy, cô thương chúng tôi như người chị, người mẹ. Là cô giáo trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng cô lại rất tình cảm, tâm lý. Các bạn học cùng lớp tôi vẫn thường liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội, dù bận đến mấy thì cũng dành thời gian đến thăm thầy cô mỗi khi có dịp. Quan niệm của chúng tôi là tất cả các thầy cô từng dạy dỗ mình, chúng tôi đều kính trọng, biết ơn”.

Học trò ở xa, chỉ cần một tin nhắn thăm hỏi, chúc mừng cũng khiến cô Phụng (bìa phải), cô An ấm lòng 

Tương tự, cô Nguyễn Thị Như An – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An cho biết: “Học trò của tôi thường ghé thăm nhà vào 27, 28 tết. Với tôi, không phải nhất thiết mùng 3 mới “Tết thầy” mà việc thể hiện tình cảm với thầy cô thì chỉ cần cuộc điện thoại hỏi thăm, tin nhắn chúc mừng cũng là đáng quý. Nhiều em đi làm ăn xa, điều kiện đi lại khó khăn thì không thể có thời gian đến tận nhà thăm hỏi. Điều tôi quý nhất ở những lứa học trò mình từng “đưa đò” là các em sau này dù thành đạt hay làm lao động tay chân vẫn rất quý nhau, san sẻ, giúp đỡ nhau, khi họp lớp, gặp lại thầy cô thì không có sự phân biệt sang hèn, thành công hay chưa. Tôi quý học trò của mình là dù ở địa vị nào cũng đối xử với nhau đúng nghĩa bạn bè, đặc biệt là luôn kính trọng, quý mến thầy cô cũ”.

Cô Như An sinh trưởng trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo, mẹ cô – cô Võ Kim Phụng trước đây là giáo viên Trường THCS Nhựt Tảo, nghỉ hưu từ năm 2007. Cô Phụng xúc động: “Cô về hưu đã lâu nhưng nhiều học trò vẫn nhớ, vẫn thăm hỏi, quan tâm rất nhiều. Có học trò ngày xưa cô dạy học, sau này có con cái thì cũng có duyên học lớp cô. Bao nhiêu năm gặp lại, các em luôn kính trọng, quý mến, đây chính là niềm hạnh phúc nhất của cô khi chọn nghiệp “gõ đầu trẻ”.

Được biết, cô Phụng còn có người học trò cũ, năm nay đã ngoài 40 tuổi, đang học tập và làm việc trong ngành Y tại Úc, cứ đều đặn thăm hỏi sức khỏe rồi gửi thuốc về cho cô. Hay có người học trò làm trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang, trong mùa dịch Covid-19, có dịp lại tặng cô khẩu trang để phòng bệnh. “Quý lắm con à, giá trị món quà không thể tính toán bằng tiền bạc mà là ở tình cảm của học trò dành cho mình. Đó là điều cô trân trọng nhất!”.

Có thể thấy, dù ở đâu, thời đại nào đi nữa thì người thầy vẫn có vị trí rất quan trọng, ngày Tết thầy được coi trọng không thua kém ngày Tết cha, Tết mẹ. Sau 1 năm tất bật với công việc, cuộc sống, sau khi chúc tết gia đình, họ hàng thân tộc, mùng 3 là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô – những người “lái đò” đưa mình đến bến bờ tri thức, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta./.

Thanh Hiểu - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết