Tiếng Việt | English

27/04/2024 - 08:15

Mỹ - Trung vẫn bế tắc con đường hữu hảo

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc vừa qua dường như không đạt được bước tiến nào trong việc cải thiện quan hệ 2 nước.

Chiều qua (26/4), Tân Hoa xã đưa tin ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc - Chủ tịch nước Trung Quốc, vừa tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Bắc Kinh vào hôm qua (26/4) (Ảnh: Reuters)

Trước đó, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc kéo dài từ 24 - 26/4, ông Blinken đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, ông Vương Tiểu Hồng - Bộ trưởng Công an Trung Quốc, và ông Trần Cát Ninh - Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Muôn trùng căng thẳng

Theo bản tin của Tân Hoa Xã, tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng hai nước đã trải qua 45 năm quan hệ ngoại giao với nhiều thăng trầm nên có thể rút ra nhiều bài học. Ông Tập cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên là đối tác chứ không phải là đối thủ; giúp nhau thành công thay vì làm tổn thương nhau; tìm kiếm điểm chung và giải quyết những khác biệt thay vì tham gia vào các cuộc cạnh tranh luẩn quẩn; và coi trọng lời nói bằng hành động hơn là nói một đằng làm một nẻo.

Trong khi đó, tối qua (26/4), website Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đăng tải thông cáo về chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc. Thông cáo nêu: "Hai bên đã có những cuộc thảo luận sâu sắc, thực chất và mang tính xây dựng về những ưu tiên chính trong quan hệ song phương cũng như về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu".

"Ngoại trưởng đề cập các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc làm bóp méo thương mại hoặc đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, đồng thời nêu lên mối lo ngại về hậu quả kinh tế toàn cầu do tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc", thông cáo nêu và khẳng định: "Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng tôi cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, bao gồm ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ để làm suy yếu an ninh và kinh tế quốc gia của chúng tôi mà không hạn chế quá mức thương mại hoặc đầu tư".

Cũng theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ: "Ngoại trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, điều này đang tạo điều kiện cho Nga tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine và làm suy yếu an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương". Bên cạnh đó, ông Blinken còn nêu vấn đề Biển Đông.

Mong manh và dễ mất ổn định

Trả lời Thanh Niên hôm qua, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) đánh giá: "Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh có nhiều xích mích trong quan hệ Mỹ - Trung. Việc bất ngờ thông qua một số dự luật, bao gồm một dự luật cấp vốn cho Đài Loan mua vũ khí từ Mỹ và một dự luật khác yêu cầu ByteDance bán TikTok, khiến chuyến đi thậm chí còn gây tranh cãi hơn dự kiến. Mối quan hệ song phương vẫn còn khá mong manh và khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ càng nóng lên thì quan hệ 2 bên càng mất ổn định".

Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho rằng: "Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương căng thẳng, dù hai bên đã có một loạt cuộc gặp cấp cao".

"Ngoại trưởng Blinken đã nêu vấn đề về cách Trung Quốc phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc. Cách ứng xử của Bắc Kinh là một trong những lý do Mỹ có thể viện dẫn để đưa Trung Quốc là "nền kinh tế phi thị trường" và thu hồi các lợi ích thương mại đối với Trung Quốc theo chuẩn của WTO. Tại Bắc Kinh, Blinken đối mặt với những vấn đề an ninh khó khăn. Việc đảm bảo với Trung Quốc rằng Washington không khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập. Trong khi đó, Nhà Trắng vừa thông qua gói vũ khí mới cho Đài Bắc", vị chuyên gia chỉ ra.

Ông còn cho rằng: "Giao dịch của các công ty Trung Quốc với Nga cũng là một vấn đề gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh. Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ mở rộng cuộc chiến kinh tế đang diễn ra chống lại Trung Quốc. Nếu các cuộc tấn công của Iran vào Israel được thảo luận, đây sẽ là khía cạnh mà Trung Quốc có thể hợp tác nhằm làm chệch hướng áp lực của Mỹ trong các vấn đề khác. Tuy nhiên, xét đến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, nước này khó có khả năng đẩy mạnh kiềm chế Iran".

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: "Chuyến công du lần này liên quan chính trị nội bộ của Mỹ nhiều hơn là quan hệ Mỹ - Trung. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết điều đó. Chuyến đi sẽ không mang lại giá trị gì về kinh tế hoặc chính sách đối ngoại nhưng nó sẽ giúp chính quyền Tổng thống Biden thể hiện rằng vẫn đang giao tiếp với người Trung Quốc để hạn chế xung đột thương mại".

"Quan hệ hai nước căng thẳng vì Trung Quốc muốn Mỹ "bỏ rơi" Philippines ở Biển Đông và Đài Loan. Washington thì lại không từ bỏ Manila hoặc Đài Bắc. Vì vậy, chuyến thăm sẽ đạt được rất ít nếu không có gì khác ngoài việc "bày tỏ thẳng thắn" quan điểm", ông Schuster kết luận./.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/my-trung-van-be-tac-con-duong-huu-hao-185240426231537111.htm

Chia sẻ bài viết