Thai phụ được siêu âm sàng lọc trước sinh
Vì sức khỏe của trẻ
Để một đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, thai phụ không chỉ chú ý chăm sóc sức khỏe và bổ sung chất dinh dưỡng cho thai nhi mà còn phải thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Theo đó, sàng lọc trước sinh là việc sử dụng phương pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai nhằm chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down (chậm phát triển trí tuệ), hội chứng Edwards (dị tật do thừa nhiễm sắc thể), dị tật ống thần kinh và các dị tật khác,… Do đó, thai phụ nên thực hiện sàng lọc 2 lần trong thời kỳ mang thai, thời gian tốt nhất lần một là khi thai từ 11-13 tuần 6 ngày, thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm máu; lần hai từ khi từ 20-24 tuần thực hiên siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi, giúp phát hiện các dị tật bất thường của thai nhi nếu có. Trưởng khoa Sức khỏe - Sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Bác sĩ Lê Thị Kim Xuyến cho biết: “Sàng lọc trước khi sinh nên thực hiện với tất cả thai phụ, đặc biệt là các mẹ thuộc nhóm: Phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi khi các chức năng của cơ thể người phụ nữ đang bước vào giai đoạn rối loạn; trong gia đình bên nội và bên ngoại có người bị dị tật, nhiễm chất độc da cam,...; đứa con trước đã bị rối loạn nhiễm sắc thể và mắc hội chứng Down, Edward,..; từng sảy thai nhiều lần; mẹ mắc các bệnh mãn tính về tim mạch hoặc đang điều trị tiểu đường; trong thời gian mang thai, mẹ bị nhiễm cúm, rubella, thủy đậu hoặc sởi; mẹ sử dụng các loại thuốc kháng sinh được khuyến cáo không dùng cho bà bầu”.
“Để bảo vệ sức khỏe của con, ngoài khám thai định kỳ, tôi còn thực hiện sàng lọc trước sinh. Hiện tôi mang thai 22 tuần và thực hiện sàng lọc được 2 lần, kết quả thai nhi bình thường. Tôi rất hạnh phúc khi biết con mình đang phát triển từng ngày khỏe mạnh” - chị Trương Thị Kim Định (30 tuổi), ngụ ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, thổ lộ.
Khi thực hiện đầy đủ sàng lọc trước sinh, phụ nữ sẽ trải qua 9 tháng 10 ngày của thai kỳ dễ dàng, suôn sẻ; đồng thời, có thể sớm phát hiện các tình trạng của thai nhi và có những quyết định đúng đắn khi cần thiết nhằm giảm trẻ khuyết tật sinh ra, không gây gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng DS. Bác sĩ Xuyến cho biết thêm: “Từ kết quả sàng lọc trước sinh, nếu có bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình, kịp thời xử trí và điều trị thích hợp. Bởi, những bệnh lý này đều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ sau này.Việc phát hiện và điều trị chậm trễ có thể khiến trẻ tử vong trong những năm đầu đời.Nhưng nếu được phát hiện, phòng và điều trị sớm thì trẻ có thể có cuộc sống bình thường. Đó cũng là lợi ích lớn nhất của thực hiện sàng lọc trước sinh”.
Ngoài ra, trẻ còn được sàng lọc sơ sinh và thực hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra. Theo đó, trong vòng 48 giờ sau khi chào đời, trẻ được lấy 2 giọt máu ở gót chân và đem đi xét nghiệm. Sàng lọc sơ sinh có thể phát hiện các bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền, nội tiết ở trẻ vừa ra đời, đặc biệt là những rối loạn bẩm sinh và di truyền như: Suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận, thiếu men G6PD,…Những bệnh lý này đều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ sau này nên việc phát hiện và điều trị chậm trễ có thể khiến trẻ tử vong trong những năm đầu đời.Nhưng nếu được phát hiện, phòng và điều trị sớm thì trẻ có thể có cuộc sống bình thường.
Thai phụ được thăm khám thai định kỳ
Cộng tác viên - cánh tay nối dài của ngành dân số
Để các thai phụ hiểu rõ tầm quan trọng của thực hiện sàng lọc và vì một thế hệ trẻ khỏe mạnh, ngành DS nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh thông qua thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong đó, đội ngũ cộng tác viên DS là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp kiến thức cho từng thai phụ.
Hơn 10 năm làm cộng tác viên DS, bà Nguyễn Thị Phụng (51 tuổi), ngụ ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, đi khắp các xóm, ấp - nơi mình phụ trách để cung cấp kiến thức cho các thai phụ, giúp họ an tâm chào đón đứa con khỏe mạnh. Bà Phụng kể: “Làm cộng tác viên DS không cực nhưng phải chịu khó mới có thể làm tốt. Người cộng tác viên DS phải thường xuyên hỏi thăm, nắm tình hình các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Khi nghe tin họ có thai, cộng tác viên đến nhà để thăm hỏi, cung cấp kiến thức chăm sóc thai nhi và khuyên họ đi thực hiện sàng lọc để an tâm về sức khỏe thai nhi”.
Thời gian sàng lọc tốt nhất lần một từ 11-13 tuần 6 ngày và lần hai từ 20-24 tuần nên bà Phụng luôn cố gắng gặp thai phụ ít nhất 2 lần trong thời gian thai kỳ và sớm nhất có thể, không để qua thời điểm sàng lọc tốt nhất của 2 giai đoạn trên. Vậy là, nếu ban ngày không gặp được thai phụ, bà Phụng chuyển sang đi ban đêm. “Ngày nay, thai phụ rất quan tâm sức khỏe thai nhi nên việc tư vấn đi sàng lọc rất thuận lợi, ai cũng đồng tình. Nhờ vậy, các cộng tác viên DS cũng đỡ cực hơn. Chúng tôi chỉ cần bảo đảm các thai phụ đi đúng thời gian sàng lọc tốt nhất là được” - bà Phụng nói thêm.
Có thể nói, cộng tác viên là cánh tay nối dài của ngành DS. Nhờ đội ngũ này, các thai phụ được tư vấn trực tiếp và tận tình, thực hiện sàng lọc đầy đủ để những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh. Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ - Lê Thị Ngọc Hoa chia sẻ: “Toàn huyện có 170 cộng tác viên DS/10 xã, thị trấn. Đó là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động nâng cao chất lượng DS thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh của huyện. Theo đó, kết quả số thai phụ được thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh đủ 2 lần đạt 100%; sàng lọc sơ sinh đạt 97,96%”.
Bên cạnh vai trò của cộng tác viên, ban chỉ đạo công tác DS - kế hoạch hóa gia đình các huyện, thị xã, thành phố còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các hoạt động nói chuyện chuyên đề, họp nhóm, vãng gia hộ và tư vấn trực tiếp thông qua các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe thai phụ, cấp phát tờ rơi, cẩm nang cho phụ nữ mang thai hoặc dự kiến sinh con cũng được thực hiện thường xuyên.
Có thể thấy rõ, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp phát hiện những bất thường bẩm sinh sớm và điều trị ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ hoặc khi vừa ra đời, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, trẻ phát triển bình thường, đặc biệt với trẻ bị dị tật, điều này có ý nghĩa lớn đến cải thiện tương lai và sự phát triển sau này của trẻ. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao chất lượng DS, cải thiện và giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Năm 2019, toàn tỉnh có 16.452/16.902 thai phụ được thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh, đạt 97,34% tổng số trẻ sinh; 16.886/16.902 trẻ được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh, đạt 99,91% tổng số trẻ sinh.
Năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh định hướng tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tới tuyến cơ sở nhằm phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể: 95% trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh, 95% trẻ sinh ra tại các cơ sở y tế trong tỉnh được thực hiện kỹ thuật lấy máu gót chân để thực hiện sàng lọc sơ sinh; 90% phụ nữ mang thai thực hiện siêu âm sàng lọc đủ 2 lần, trong đó cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện 70% số thai phụ; trên 95% cán bộ dân số, y tế tham gia có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; trên 95% thai phụ được tiếp cận các thông tin tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh./.
|
Ngọc Thạch