Tiếng Việt | English

11/09/2023 - 15:28

Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an ninh lương thực

Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực (ANLT); đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa, gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng và hình thành các vùng sản xuất lương thực, chủ yếu là sản xuất lúa với diện tích gieo trồng hàng năm trên 500.000ha, sản lượng lúa đạt trên 2,8 triệu tấn/năm, trong đó, lúa chất lượng cao đạt khoảng 65%. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và sản lượng, tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, đặc sản và giống cấp xác nhận vào sản xuất.

Các quy trình kỹ thuật canh tác như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ được nông dân áp dụng rộng rãi. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu 2023

Để phục vụ tốt sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung nhiều nguồn vốn như xây dựng cơ bản tập trung, hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia,... để đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, trạm, trại sản xuất; tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư từ năm 2021 đến nay là trên 1.882 tỉ đồng. Nhìn chung, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn chỉnh; hệ thống kênh các cấp cùng hệ thống đê bao, cống, trạm bơm điện lớn, nhỏ đã khai thác, vận hành phục vụ hiệu quả trong sản xuất.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng luôn xác định bảo đảm ANLT là nhiệm vụ quan trọng. Tổng sản lượng lương thực của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Số lượng đàn vật nuôi được duy trì ổn định. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hàng năm, toàn huyện có khoảng 37.000ha lúa, trên 3.730ha rau màu các loại và trên 440ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện có trên 15.000 con gia súc, trên 300.000 con gia cầm và trên 500ha ao nuôi thủy sản các loại.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết: “Trên cơ sở điều kiện thực tế, tiềm năng, lợi thế, huyện triển khai, thực hiện kế hoạch bảo đảm ANLT theo hướng xây dựng nền nông nghiệp xanh, liên kết theo chuỗi và có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thời gian tới, huyện thực hiện quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo quy định; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng, trừ sâu, bệnh trên lúa

Theo dự báo của ngành chức năng, do năm nay lũ về trễ nên nguồn nước phục vụ sản xuất trong vụ Đông Xuân 2023-2024 có khả năng bị thiếu, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn, mặn sớm và nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tấn Hữu (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó đoán làm cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là xác định thời điểm xuống giống. Thời tiết không thuận lợi còn là điều kiện để sâu, bệnh phát sinh và gây hại, làm tốn nhiều công chăm sóc. Mặt khác, vốn đầu tư ban đầu vụ sau luôn cao hơn vụ trước, giá cả nông sản thì luôn biến động nên lợi nhuận của nông dân rất bấp bênh”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin, hiện ngành Nông nghiệp huyện tích cực vận động người dân tập trung thu hoạch lúa Hè Thu và gieo sạ vụ Thu Đông 2023 nhằm kịp thời gian thu hoạch và gieo sạ vụ Đông Xuân 2023-2024 trong tháng 12/2023, tránh ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn ở cuối vụ.

“Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, huyện luôn chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; thường đẩy lịch gieo sạ lên sớm hơn khoảng nửa tháng. Năm nay, thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện đẩy lịch gieo sạ vụ Đông Xuân lên sớm hơn khoảng 1 tháng so với hàng năm để hạn chế thiệt hại cho nông dân, bảo đảm sản xuất thắng lợi” - ông Đặng Văn Tây Lo thông tin thêm.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp. Giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước như Ấn Độ, Nga cấm xuất khẩu gạo khiến lượng gạo bán ra giảm đáng kể. Nhu cầu mua dự trữ gạo của nhiều quốc gia tăng nhanh chóng; thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực. Cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn,... đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa, gạo của nhiều quốc gia, gây áp lực lên nguồn cung gạo toàn cầu. Đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam tăng sản lượng, tăng giá bán và là cơ hội cho người trồng lúa nâng cao thu nhập.

Trước nhu cầu cao của thị trường lúa, gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch nâng diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên khoảng 700.000ha; phối hợp các địa phương có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm sản xuất hiệu quả. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm ANLT trong giai đoạn hiện nay theo Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 05/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Khảo sát chất lượng gạo tại Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, đối với chủ trương tăng diện tích lúa Thu Đông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh rất ủng hộ và sẽ nỗ lực thực hiện nhằm bảo đảm ANLT, chớp thời cơ xuất khẩu thuận lợi.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm ANLT trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như nhiều nơi chậm ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ; mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất lúa, gạo theo chuỗi giá trị còn hạn chế; các sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường còn hạn chế; chưa khai thác hiệu quả các nhãn hiệu gạo hàng hóa đã được công nhận; thu nhập từ sản xuất lương thực ở mức thấp, sức cạnh tranh kém so với sản xuất các đối tượng cây trồng, ngành nghề khác; hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng đã được đầu tư mạnh, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa đồng bộ.

Lúa sau khi thu hoạch được vận chuyển về nhà máy xay xát để sấy, bóc vỏ và sàng lọc gạo

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch chung và quy hoạch đất trồng lúa, xây dựng chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo; đầu tư phát triển hạ tầng và khoa học - công nghệ; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp; phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất, tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm ANLT song song với việc phát triển hệ thống thông tin ANLT toàn tỉnh” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm./.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 8/2023, vụ Hè Thu 2023 có 19 doanh nghiệp và 3.036 hộ dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn với 181 cánh đồng, diện tích 12.069ha, bằng 83,44% so cùng kỳ; đã thu hoạch 11.681ha, diện tích thu mua 6.996ha.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết