Tiếng Việt | English

16/10/2022 - 08:14

Ngày Lương thực thế giới năm 2022: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giải quyết bất bình đẳng, tăng khả năng phục hồi.


Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có.

Hàng loạt tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo khi mà xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu gây hạn hán triền miên hay lũ lụt nghiêm trọng đã gây nạn đói ở nhiều nơi, trong khi cuộc xung đột Ukraine khiến dòng chảy ngũ cốc bị gián đoạn, đẩy giá lương thực ở mức cao nhất trong nhiều thập niên, làm gia tăng tình trạng thiếu lương thực ở nhóm người nghèo nhất thế giới.

Báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc hồi tháng Chín vừa qua cho biết ít nhất 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt với bất ổn an ninh lương thực và khoảng 800 triệu người, tương đương gần 10% dân số thế giới, bị ảnh hưởng nạn đói trong năm 2021, nhiều hơn 46 triệu người so với năm 2020 và hơn 150 triệu người so với năm 2019.

Hàng loạt quốc gia như Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Yemen đang trong tình trạng báo động cao về mất an ninh lương thực, mỗi quốc gia có gần 1 triệu người phải đối mặt với mức độ đói thảm khốc.

Tác động từ những "cú sốc lương thực" có thể dễ dàng cảm nhận được trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại những nước có thu nhập thấp và trung bình cũng như phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu lương thực.

Theo ước tính công bố mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của giá nhập khẩu lương thực và phân bón tăng cao sẽ khiến các nước phải chi thêm 9 tỷ USD trong năm 2022 và 2023, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối cũng như ảnh hưởng đến khả năng thanh toán chi phí nhập khẩu lương thực của nhiều quốc gia.

Theo các chuyên gia, giá lương thực và nhiên liệu cao đang góp phần tạo nên khủng hoảng phí sinh hoạt mà nhiều khả năng làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo, giảm sút tăng trưởng kinh tế, với nguy cơ bất ổn chính trị tiềm tàng.

Trong khi đó, theo một báo cáo của tổ chức Oxfarm, thời tiết khắc nghiệt và do biến đổi khí hậu đang làm mất đi khả năng của những người nghèo, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp, trong việc ngăn chặn nạn đói và đối phó với cú sốc tiếp theo.

Đơn cử như trường hợp của Pakistan. Ba tháng sau đợt mưa lũ nặng nề nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước, cuốn trôi cây trồng và lớp đất mặt và phá hủy cơ sở hạ tầng, đất trồng trọt của nông dân ở nhiều tỉnh phía Nam vẫn nằm dưới nước.

Người dân tập trung nhận lương thực cứu trợ tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số, đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Gần 18% trẻ em nước này bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Ngoài ra, hiện tượng bất bình đẳng xã hội ngày càng nới rộng sẽ tiếp tục tạo ra thách thức đối với tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng, càng khiến thế giới chệch khỏi mục tiêu xóa đói vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay có chủ đề “Không ai bị bỏ lại phía sau," kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giải quyết bất bình đẳng, tăng khả năng phục hồi và đạt được phát triển bền vững.

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tập trung vào 4 mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Đây được xem là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên hợp quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương để chung tay thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và thay đổi cách thức sản xuất, xử lý và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để chuyển đổi các hệ thống lương thực theo hướng lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn, bảo vệ tốt hơn con người và hành tinh.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và điều phối tốt hơn nhằm đảm bảo hiệu quả bổ sung và tối đa của những nguồn lực được sử dụng. 

Các hệ thống sản xuất nông nghiệp cần phải được chuyển đổi và xây dựng tốt hơn để hướng đến thực hiện các giải pháp bền vững và tổng thể, cân nhắc cả sự phát triển trong tăng trưởng kinh tế dài hạn và bao trùm cũng như có khả năng hồi phục tốt hơn. Đó là việc tối ưu hóa sử dụng đất nông nghiệp, phát triển những loại hình nông nghiệp thân thiện với khí hậu, kết hợp giữa bảo vệ tính đa dạng sinh học và sản xuất lương thực...

Như khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực-thực phẩm diễn ra cách đây 1 năm, sự phối hợp giữa các quốc gia, các đối tác, nhân tố trong hệ thống lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân.

Tại Việt Nam, bảo đảm lương thực chính là nền tảng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại khu vực để có thể tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Các dự báo của FAO cho thấy nếu không có giải pháp mang tính toàn cầu, với phản ứng nhanh chóng và hành động quyết đoán của cộng đồng quốc tế, 670 triệu người, tức 8% dân số thế giới, sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030.

Bởi vậy, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức và cùng nhau đóng góp để tạo nên sự thay đổi, hướng tới một tương lai bền vững và bao trùm, trong đó hệ thống lương thực phải lấy con người làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết