Tiếng Việt | English

20/08/2015 - 21:15

Ngày cuối xét tuyển đại học: “Phút 90” vẫn chưa biết đỗ hay trượt

Đợt đăng ký xét tuyển đại học đã kết thúc, nhưng các trường vẫn chưa công bố chính thức và thí sinh vẫn phải “thót tim” chờ đợi trong vài ngày tới.

Sau 20 ngày các trường đại học (ĐH) tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1, đúng 17 giờ hôm nay (20/7), các trường chính thức “khóa sổ”. Trước đó cả buổi sáng đến chiều, một lượng lớn thí sinh tất bật chạy đua với công việc rút – nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng với hy vọng đỗ ĐH. Tuy nhiên, các trường vẫn chưa thể công bố điểm chuẩn chính thức và thí sinh vẫn còn phải “thót tim” chờ đợi trong vài ngày tới.

Một ngày tất bật

Theo quan sát của phóng viên, một số trường tốp trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, không khí có vẻ trầm lắng hơn, vì đa số những thí sinh điểm cao đã chắc suất vào trường. Những thí sinh có nguy cơ không trúng tuyển đã nhanh chóng rút hồ sơ để nộp sang các trường khác “dưới cơ” hơn.

Vào lúc 16 giờ, số lượng lớn thí sinh vẫn có nhu cầu thay đổi nguyện vọng

Đặc biệt, tại ĐH Công đoàn, trong ngày hôm nay tiếp nhận số lượng rất lớn thí sinh đến nộp hồ sơ. Phần lớn các thí sinh rút hồ sơ từ ĐH Luật, ĐH Sư phạm Hà Nội chuyển sang. ĐH Thương mại, ĐH Giao thông vận tải cũng có đông đảo thí sinh đến nộp hồ sơ và xin chuyển nguyện vọng.

Buổi chiều, trước “giờ G” khoảng 1 tiếng, ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế Quốc dân… vẫn tấp nập thí sinh đến. Nhiều thí sinh và người nhà lo lắng nếu cứ xếp hàng thì không biết có đến lượt mình trước 5 giờ chiều hay không.

Do đó các trường đã có sáng kiến để tiếp nhận hết lượng hồ sơ thí sinh đến nộp, cũng như đáp ứng đầy đủ nguyện vọng rút, thay đổi nguyện vọng của các em. ĐH Công đoàn có phương án kêu gọi thí sinh vào hết trong hội trường, đúng 17 giờ đóng cửa, “ngoại bất nhập” và giải quyết hết nguyện vọng cho thí sinh ở bên trong.

Còn ĐH Kinh tế Quốc dân thông báo trên loa là từ 16 giờ 30 sẽ thu vỏ hồ sơ của thí sinh có mặt trong hội trường và sẽ gọi tên từng người để tiếp nhận giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký xét tuyển. Đến 17 giờ, không còn thí sinh nào có nhu cầu nộp hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng nữa và công tác nhập hồ sơ của trường này kết thúc vào 17 giờ 20 phút.

GS.TS.Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Công tác tiếp nhận hồ sơ đã hoàn tất và không có thí sinh nào không được nhận hồ sơ. Theo đánh giá, công tác nhận hồ sơ xét tuyển bước của trường bước 

Cán bộ ĐH Kinh tế Quốc dân thu vỏ hồ sơ của thí sinh để đảm bảo các em được tiếp nhận hết hồ sơ trong ngày

Ông Nguyễn Quang Dong chia sẻ: “Điểm tuyển năm nay khá cao, nhưng có điều đáng buồn là có nhiều em điểm cao nhưng lại không được vào trường, các em sẽ trượt nguyện vọng 1. Điều này rất đáng tiếc vì chúng tôi tư vấn cho thí sinh là chỉ tiêu của nhà trường là 4.800 thì cần phải tính toán mình ở vị trí nào để tham gia xét tuyển mà không bị trượt”.

Trong ngày 20/8, tại trường này khoảng 200 hồ sơ được rút ra, số thay đổi nguyện vọng, nộp mới cũng nhiều. Cân đối cho thấy số nộp mới và thay đổi nguyện vọng nhiều hơn số rút hồ sơ đi.

Vẫn chưa đi đến hồi kết

Trong suốt 20 ngày qua, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận hơn 10.000 hồ sơ, số rút đi khoảng hơn 4.000, số thay đổi nguyện vọng khoảng 4.000. Công việc tiếp theo, theo ông Nguyễn Quang Dong, trường sẽ dò hồ sơ xem có sai sót gì về đăng ký của thí sinh hay không. Danh sách thí sinh xét tuyển các ngành sẽ được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của trường.

Thí sinh có khoảng 2 ngày để kiểm tra thông tin. Theo quy định, khoảng ngày 25 – 25/8 nhà trường sẽ xử lý và có kết quả chính thức.

Theo quan sát của PV, nhiều thí sinh rất vui vì biết trúng tuyển nên cuối ngày vẫn ở lại trường, chờ tuyên bố chính thức. Nhiều em và người nhà vẫn lộ vẻ lo lắng vì điểm bấp bênh với ngưỡng điểm công bố trước đó của trường nên chẳng thể khẳng định được ngay là đỗ hay rớt.

Theo các trường ĐH, dù đã “khóa sổ”, nhưng các trường cần một thời gian, ít nhất là 1 – 2 ngày nữa mới có tuyên bố chính thức.

Do đó, dù đã nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, nhưng các thí sinh và người nhà vẫn chưa hết lo âu, hồi hộp./.

Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết