Tiếng Việt | English

20/08/2015 - 09:29

Xét tuyển đại học năm 2015: Chưa thể chấm dứt chuỗi ngày lo âu

Tuyển sinh đại học năm 2015 kết thúc việc đăng ký nguyện vọng 1 vào hôm nay, nhưng có thể nhiều trường chưa thể tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1.

Hôm nay (20/8), ngày cuối cùng các trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Theo qui định của Bộ GD-ĐT, các trường hoàn toàn có thể công bố điểm chuẩn vào tối 20/8. Sau đó, thí sinh có 5 ngày để có thể biết mình trúng tuyển hay trượt để làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.


Trong ngày 19/8, các điểm trường đông nghẹt thí sinh đến rút hồ sơ. Các trường cũng huy động tối đa lực lượng phục vụ thí sinh.

Như vậy, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 sẽ công bố điểm chuẩn vào 20/9; Xét tuyển NV bổ sung đợt 2 từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 10/10.

Theo đúng lịch trình này, thì nhiều thí sinh, dù điểm cao, nếu trượt nguyện vọng 1 thì vẫn tiếp tục cuộc hành trình “xét tuyển nguyện vọng 2” và cũng có nghĩa là các em phải “vật vã” gần 3 tháng trời mới biết số phận con đường danh vọng của mình.

Ngột ngạt và bức bối là cảm giác chung của nhiều phụ huynh, học sinh trong hai ngày cuối (19 và 20/8) của đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Các điểm trường thì sinh đến rút hồ sơ đông nghẹt người. Sự mệt mỏi cũng hiện rõ trên nét mặt nhiều thầy cô làm công tác tuyển sinh.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, từ khi biết điểm thi THPT đến hôm nay họ gần như mất ăn mất ngủ. Dù con thi được điểm cao nhưng họ như nắm vào một sợi dây vô hình nhưng có sức hút ghê gớm, nó cuốn cha mẹ, con cái họ đi suốt ngày này sang ngày khác, tuy quá rã rời nhưng vẫn cố bước theo. Còn các thầy cô làm công tác tuyển sinh ở các trường đại học chưa bao giờ lúng túng như bây giờ. Mọi năm, các em đủ điểm là mang hồ sơ đến nộp. Nhưng năm nay, có em được 24 điểm hỏi liệu em có đỗ vào khoa X, khoa Y của trường hay không, các thầy cũng chẳng biết nữa.

Hai ngày cuối cùng mọi việc diễn ra như chơi chứng khoán phiên cuối tuần. Diễn biến điểm, số lượng thí sinh nộp hồ sơ liên tục thay đổi. Mọi lo toan đều đến cao trào. “Chơi ván cuối” để trông chờ vào sự may rủi của số phận. Một làn sóng thí sinh từ trường này rút ra nộp vào trường khác, khiến các con số liên tục trồi, sụt như nhảy múa.

Tuyển nguyện vọng 1 đã phức tạp như vậy, nhiều chuyên gia nhận định, đến nguyện vọng 2 và 3, còn nảy sinh nhiều phức tạp hơn nữa. Và có thể trong đợt 1, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu.

Một số mục tiêu kỳ thi này đặt ra đến giờ chưa tổng kết nhưng đã nhìn thấy là đã thất bại.

Cụ thể, mục tiêu tiết kiệm chi phí cho thí sinh và cho công tác tổ chức thi cử coi như đã “phá sản” hoàn toàn. Bao nhiêu ngày vật vờ, lo lắng, rút rút, nộp nộp, chạy đôn chạy đáo đã trở thành “ác mộng” của nhiều phụ huynh, học sinh. Đã có phụ huynh chia sẻ “Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy chuyện tăng điểm trường này, hạ điểm trường kia”. Và nhiều phụ huynh cho biết, đã bỏ hẳn việc ở cơ quan để cùng con “phục” ở các trường, theo dõi diễn biến rút – nộp hồ sơ.

Mục tiêu thứ hai là sử dụng kết quả một kỳ thi vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, có đến 170 trường đại học, cao đẳng công bố phương án tuyển sinh riêng.

Định hướng của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng không rõ ràng, hướng nghiệp còn nhiều thiếu sót. Thực tế, có nhiều em thi và nộp hồ sơ theo phong trào, không biết nhu cầu của nền kinh tế-xã hội ra sao. Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước việc một thanh niên đứng ở đường cầm tấm biển: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”. Đây chính là hậu quả của việc qui hoạch các ngành học của chúng ta không khoa học.

Kỳ thi này chưa đi đến đích, nhưng có quá nhiều thứ phải sửa nếu muốn tiếp tục áp dụng hình thức thi mới trong năm sau. Nhiều người cho rằng, đợi qua đợt tuyển sinh, để Bộ tổng kết rồi mới bàn tiếp vì đây là giai đoạn nước rút của tuyển sinh, không nên để thí sinh hoang mang thêm nữa../.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết