Tiếng Việt | English

27/12/2020 - 20:04

Ngày quốc tế "Sẵn sàng chống dịch bệnh" lần đầu được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày quốc tế "Sẵn sàng chống dịch bệnh" (27/12), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây tuyên bố, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng và thế giới cần rút ra bài học.

Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn do đại dịch Covid-19, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế “Sẵn sàng chống dịch bệnh”.


Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng và những nỗ lực nhằm cải thiện sức khỏe con người có nguy cơ thất bại nếu thế giới không giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa con người, động vật và hành tinh.

“Những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người sẽ thất bại nếu chúng ta không giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa con người, động vật và hành tinh. Lịch sử nói với chúng ta rằng đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng, và dịch bệnh là một thực tế của cuộc sống. Nhưng với các khoản đầu tư vào sức khỏe cộng đồng, chúng ta có thể đảm bảo những đứa trẻ của chúng ta và các thế hệ tiếp theo sẽ được tiếp quản một thế giới an toàn, phục hồi tốt và bền vững hơn”, ông Ghebreyesus nói.

Ủy ban Giám sát sự sẵn sàng Toàn cầu (GPMB), cơ quan độc lập do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới thành lập hồi tháng 9 năm ngoái đã công bố báo cáo đầu tiên, trong đó thừa nhận thế giới không được chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. Báo cáo được công bố chỉ vài tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Với việc đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu 700 nghìn người, tàn phá các nền kinh tế, các xã hội đang phát triển và phơi bày những lỗ hổng của thế giới, thì giá trị của sự “Sẵn sàng phòng chống dịch bệnh”, “Sẵn sàng đối phó với những tình huống y tế khẩn cấp” đã trở nên cấp bách và thường trực hơn lúc nào hết.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres, tăng cường sự sẵn sàng, khả năng ứng phó là một khoản đầu tư đúng đắn, với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp. Các xã hội cần hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, bao gồm cả bảo hiểm y tế toàn dân. Ông nhấn mạnh, đoàn kết và phối hợp là rât quan trọng trong và giữa các quốc gia. Không ai có thể an toàn trừ khi tất cả đều an toàn và trong quá trình này, khoa học phải là kim chỉ nam.

“Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch của nhân loại, song cũng là cơ hội để chúng ta hành động, cơ hội để tái thiết một thế giới công bằng hơn và bền vững hơn. Những biện pháp được triển khai nhằm đối phó với đại dịch cần phải dựa trên một khế ước xã hội mới và một trật tự toàn cầu mới mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, tôn trọng các quyền và tự do của mỗi người” ông Guteres nhấn mạnh,

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres, toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới luôn cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các Chính phủ và tất cả các đối tác trong việc tăng cường khả năng sẵn sàng chống dịch bệnh, coi đây như một phần quan trọng trong công việc rộng lớn hơn nhằm xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày quốc tế "Sẵn sàng Chống dịch bệnh" 27/12 cũng là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vaccine đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết