Tiếng Việt | English

17/06/2016 - 08:22

Ngư dân khẳng định thi thể bị cuộn trong dù là phi công

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại từ tàu cá, ngư dân Kính cho biết đang chờ lực lượng biên phòng tới để bàn giao thi thể người bị dù quấn. Ông Kính khẳng định đây là thi thể phi công.

Tàu của lực lượng biên phòng Nghệ An tiếp tục ra khơi tìm kiếm phi công Khải sau khi đưa phi công Cường vào bờ an toàn - Ảnh: DOÃN HÒA

21g5: Từ tàu cá, ông Kính cho biết vị trí tàu cá neo đậu hiện có sóng to, gió lớn cấp 6-7. Tàu của lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đang cố gắng tiếp cận tàu cá ông Kính. Thi thể phi công có dù được ông Kính cố định cạnh mạn thuyền, tránh bị trôi dạt.

20g50: Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại từ tàu cá, ngư dân Kính cho biết đang chờ lực lượng biên phòng tới để bàn giao thi thể người bị dù quấn.

Ông Kính miêu tả, thi thể được phát hiện có đặc điểm giống với phi công như đội mũ, có áo phao, dù... bên cạnh. Ông Kính khẳng định đây là thi thể phi công.

20g15: trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, người thân của anh Khải ở Bắc Giang cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc tìm thấy thi thể của anh Khải.

Gia đình cũng mới chỉ nghe mọi người báo trên báo đăng tin tìm thấy thi thể thượng tá Khải nhưng mọi thông tin chưa rõ ràng nên không muốn tin đây là sự thật.

Đồng đội cùng đơn vị về quê nhà Bắc Giang đón người thân anh Khải vào Nghệ An ngóng chờ tin tức trong chiều 14-6 - Ảnh: THÂN HOÀNG

19g43: Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30-MK2 và máy bay CASA 212 của Quân chủng Phòng không - Không quân bị tai nạn ngày 14 và 16-6.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phải tập trung mọi lực lượng tìm kiếm cứu nạn 2 vụ máy bay bị nạn.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi sâu sắc, chia sẻ mất mát, thiệt hại cũng như sự lo lắng của người thân, gia đình có cán bộ, quân nhân trong vụ máy bay bị nạn trong những ngày vừa qua và động viên, thăm hỏi đến toàn thể các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy trong khi làm nhiệm vụ.

Trong đó lực lượng quân đội giữ vai trò nòng cốt, sự tham gia của các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là sự vào cuộc của ngư dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành địa phương liên quan tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời, trung thực, chính xác để công tác tìm kiếm, cứu nạn đạt kết quả.

Theo Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong ngày 17-6 đã huy động 1.677 người tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA 212 số hiệu 8983. Trong đó có 839 cán bộ chiến sĩ, 38 người thuộc Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) và 800 ngư dân. Đã có 138 tàu và hàng trăm loại phương tiện trang bị khác được huy động tìm kiếm.

Ngày 17-6, Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện tiếp tục mở rộng vùng tìm kiếm phi công lái máy bay SU30-MK2 Trần Quang Khải về phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ.

Lực lượng tham gia tìm kiếm là 1.078 người gồm: 732 bộ đội, 15 người cán bộ chiến sĩ, 15 người của Vietnam MRCC cùng 331 ngư dân. Lực lượng tìm kiếm đã sử dụng 182 phương tiện các loại, trong đó có 122 tàu.

19g35: Thiếu tá Thủy cho biết thêm, thông tin từ các ngư dân và các lực lượng tìm kiếm, thi thể được phát hiện mặc quần áo đồ bay màu vàng, cạnh thi thể có một chiếc dù. Vị trí phát hiện cách đảo Mắt chừng hơn 20 hải lý hướng Đông Bắc.

Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng hơn 22g đêm nay tàu cứu hộ cứu nạn sẽ đưa thi thể bị cuộn trong dù về đất liền. 

Trung tướng Phan Văn Giang (thứ ba từ trái sang) quan sát mảnh vỡ của chiếc máy bay CASA-212 - Ảnh: Hoàng Hà

19g: Tàu cứu nạn đang trên đường tiếp cận vị trí nghi phát hiện phi công Khải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, thiếu tá Nguyễn Đức Thuỷ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt (Nghệ An) cho biết cuối giờ chiều nay có nhận được tin báo của tàu cá ngư dân Cửa Hội về việc phát hiện một thi thể nghi của phi công Trần Quang Khải, 43 tuổi - phi công trên chiếc Su30MK2.

Thiếu tá Thủy cung cấp tọa độ ở vị trí vùng biển Nghệ An giáp với Thanh Hóa, ở tọa độ 19 độ 12 phút vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông.

“Hiện tại do thời tiết có sóng to, gió lớn nên tàu của lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang trên đường tiếp cận vị trí mà ngư dân cung cấp phát hiện một thi thể trên biển” - thiếu tá Thủy nói.

18g35: Xác minh thông tin ngư dân phát hiện vị trí nghi máy bay Su30-MK2

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Dương Minh Hiền, phó chỉ huy Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An cho biết chiều nay một ngư dân phát hiện vị trí máy bay Su30-MK2 mất tích trên vùng biển Nghệ An.

Đại tá Hiền cung cấp tọa độ được tàu cá ngư dân báo về cho Sở chỉ huy tiền phương nơi phát hiện máy may Su30-MK2 là 19 độ 00 phút vĩ Bắc và 106 độ 4 phút kinh Đông.

Sau khi nhận được thông tin, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang triển khai tiếp cận tại vị trí này để kiểm tra. Đây cũng là tọa độ gần với khu vực máy bay Su30-MK2 mất liên lạc cuối cùng.

Đại tá Hiền cho biết thêm, dù đã xác định tọa độ mới mà ngư dân cung cấp phát hiện máy bay Su30-MK2 gần khu vực rơi ban đầu, nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn ưu tiên tìm kiếm phi công Khải.

 17g30: Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thành, bí thư kiêm chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trong chiều 17-6, UBND TP đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai phương án phối hợp tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA – 212 mất tích trên vùng biển Bạch Long Vĩ.

Tại cuộc họp, báo cáo bí thư thành uỷ, các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn của Hải Phòng đã xác định được nhiều mảnh vỡ của máy bay CASA-212 tại khu vực cách đảo Bạch Long Vỹ về hướng nam.

Sau khi nghe báo cáo, ông Thành chỉ đạo các lực lượng cứu nạn của thành phố phối hợp với Bộ quốc phòng, Quân chủng hải quân tiếp tục mở rộng vùng tìm kiếm máy bay và người mất tích, tập trung công tác tìm kiếm và cứu người bị nạn.

Ông Phạm Quang Đáo, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hải Phòng, cũng cho biết các lực lượng tham gia tìm kiếm đã phân chia từng khu vực để tìm kiếm máy bay mất tích.

Theo đó phía Tây đảo Bạch Long Vĩ có 10 tàu của hải quân tìm kiếm, phía Đông do cảnh sát biển. Biên phòng Hải Phòng đã huy động tàu hiện đại CN09 cùng nhiều tàu, xuồng khác tham gia tìm kiếm. Đồn biên phòng huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng điều 2 tàu, 1 xuồng và 1 tàu của ngư dân triển khai tìm kiếm trên biển.

16g58: Tại Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng đặt tại Bộ Tư lệnh Hải quân, các cuộc họp giao ban diễn ra khá khẩn trương. Rất đông phóng viên các báo tập trung bên ngoài trụ sở và phòng khách của Bộ Tư lệnh Hải quân, tuy nhiên đến giờ này phóng viên vẫn chưa được cung cấp thông tin.

Cán bộ trực ban cho biết mọi thông tin về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được báo trực tiếp về Bộ Quốc phòng.

15g45: Ông Đậu Trọng Quyết - phó Ban chỉ huy Quân sự xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An - cho biết từ ngày 15-6, sau khi nhận được thông tin máy bay Su30-MK2 mất tích trên vùng biển Nghệ An, địa phương đã gửi thông báo đến hơn 400 tàu cá của xã đang đánh bắt trên các vùng biển tích cực tìm kiếm máy bay và phi công Khải.

Đặc biệt, phía xã đã điều động 11 tàu cá của ngư dân có công suất từ 360CV trở lên với khoảng gần 90 người chủ lực phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, quân sự huyện tìm kiếm tại khu vực gần đảo Mắt - vị trí cuối cùng còn nhìn thấy máy bay Su-30MK2.

“Trước mắt địa phương hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng/tàu, phía huyện hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống… phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn máy bay và phi công đang mất tích với nỗ lực cao nhất. Khi ngư dân có phát hiện vật thể lạ nghi của máy bay hay phi công trôi dạt trên biển sẽ thông báo về ba số điện thoại nóng ở đất liền”, ông Quyết nói.

Cùng với tàu của các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, quân đội... các tàu cá của ngư dân Nghệ An đang dồn lực để tìm kiếm chiếc Su-30MK2 và phi công Khải.

15g: Đại tá Lê Kiêm Toàn (56 tuổi, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918) là con trai thứ của gia đình có bốn anh em, thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Hiện gia đình đã chuyển về sống ở Gia Lâm.

Theo ông Lê Đình Quảng, trưởng chi họ Lê Đình, ông Toàn là người sống có nghĩa tình, có tâm huyết với dòng họ, thường xuyên về thăm làng xóm.

"Cách đây 2 tháng, anh Toàn có về thăm họ, mang theo hộp bánh biếu tôi. Tôi đang sốt ruột lắm", ông Quảng bùi ngùi nói.

Ông Lê Thanh Nghiêm, anh em dòng họ Lê, cho biết đại tá Toàn có hai con gái. Hiện bố mẹ ông vẫn chưa biết thông tin, chỉ vợ con nắm được tình hình.

Anh em dòng họ Lê tụ họp mong ngóng thông tin đại tá Lê Kiêm Toàn - Ảnh: Dương Liễu

Video lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm phi công Trần Quang Khải trong ngày 17-6 - Nguồn: Kênh QPVN
14g:  Quảng Ninh huy động tổng lực tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA-212

Trưa 17-6, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tất cả các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và 8 huyện, thị, thành phố tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các lực lượng chức năng gồm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm máy bay Casa-212 số hiệu 8983.

8 địa phương gồm Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái khẩn trương thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển tăng cường quan sát, phát hiện và làm công tác tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Các đơn vị phải thường xuyên cập nhật thông tin về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

13g50: Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Đức Hòa - bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng - cho biết thời tiết khu vực ngoài đảo nắng to, không có sương mù nhưng có gió to cấp 5 - 6 nên công tác tìm kiếm cứu nạn cũng gặp không ít khó khăn.

Hiện lực lượng biên phòng huyện Bạch Long Vĩ vẫn duy trì một tàu phối hợp với các lực lượng khác thực hiện công tác tìm kiếm máy bay CASA mất tích trên biển.

"Thôg tin từ lực lượng tìm kiếm báo về vẫn chưa thấy dấu vết các phi công mất tích", ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết thêm Bệnh viện Đa khoa huyện, lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội biên phòng... đã huy động 100% quân số, túc trực 24/24. Nếu các lực lượng tìm kiếm tìm được phi công cũng như trục vớt được máy bay đưa vào đảo thì sẽ sẵn sàng ứng cứu, triển khai các nhiệm vụ.

13g30: Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Trạch - chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết sáng nay địa phương đã nhận được thông tin Trung úy Nguyễn Văn Thái (34 tuổi, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918) - đang mất tích trên chiếc máy bay CASA.

Theo ông Trạch, gia đình anh Thái có 5 anh em, 3 trai, 2 gái. Anh Thái là con thứ 4, sau anh Thái còn có em gái. Hiện anh Thái có vợ và hai con nhỏ đang sinh sống tại Hà Nội.

“Gia đình Thái có hai người cùng là cảnh sát biển, bố anh Thái mất cách đây khoảng 4 năm”, ông Trạch nói.

Chiều tối 16-6, gia đình nhận được tin anh Thái gặp nạn trên chiếc CASA-212 cùng 8 đồng đội khi đang tìm kiếm chiếc Su30-MK2.

Ngay trong sáng 17-6, bà Hồ Thị Hồng (60 tuổi, mẹ anh Thái) cùng một số người trong gia đình đã bắt xe ra Hà Nội tìm hiểu thông tin với hi vọng con trai mình còn sống sót.

Về thiếu tá Nguyễn Văn Chính (39 tuổi), gia đình anh ở phố Hoàng Văn Thái, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Anh Chính là con một, có hai con gái, bé lớn 12 tuổi và bé nhỏ 8 tuổi.

 11g35: Tại vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An) nắng nhẹ, sóng biển cấp 3 - 4. Theo một chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An thời tiết hôm nay tốt hơn so với hôm qua. Các lực lượng đang dồn tổng lực tìm kiếm phi công Khải và chiếc Su30-MK2.

Video đưa mảnh vỡ máy bay Casa về đất liền - Nguồn: VTV1

11g20: Hiện các lực lượng tìm kiếm Su30-MK2 và phi công Khải vẫn được duy trì với số lượng hơn 1.500 người của 32 tàu quân sự, kiểm ngư, biên phòng và hơn 50 tàu cá của ngư dân quần thảo ở vùng biển từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với mục tiêu tìm thấy phi công Khải còn sống sót.

11g15: Theo thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm Su30-MK2, đến sáng nay đoàn công tác tìm kiếm hộp đen máy bay Su30-MK2 đã về đất liền sau hơn 3 ngày cùng tàu của lực lượng biên phòng tìm kiếm trên biển.

11g: Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh Hải Quân, nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng hiện nay là tìm kiếm người.

"Chúng ta không từ bỏ hi vọng cứu người", ông Dũng nói.

Phó Thủ tướng: Dốc toàn lực tìm bằng được các nạn nhân mất tích

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - chủ tịch Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn - nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Quốc phòng đặt tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân sáng 17-6.

Phó thủ tướng thay mặt Chính phủ gửi lời chia sẻ sự mất mát, thiệt hại và những lo lắng của thân nhân gia đình các cán bộ, quân nhân làm nhiệm vụ trong vụ máy bay Su30-MK2 và CASA-212 bị nạn trong những ngày vừa qua.

Phó thủ tướng cũng gửi lời thăm đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trong suốt những ngày qua.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng cứu nạn quán triệt nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung toàn lực cứu người, tìm cho được những người mất tích, đồng thời xác định cụ thể vị trí máy bay rơi để có phương án trục vớt, cứu hộ. Tìm hiểu nguyên nhân và tổ chức rút kinh nghiệm về sau.

Hiện nay, khu vực tìm kiếm cứu nạn rất rộng, nằm ở vùng giáp ranh quốc tế và tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do vậy Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải phối hợp chặt chẽ, có sự phân vùng tìm kiếm cụ thể, tránh sự chồng chéo.

Đặc biệt, huy động và tổ chức các lực lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn nhằm đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp cùng với lực lượng quốc tế tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng nhấn mạnh Bộ Quốc phòng cần tổ chức tốt việc giải quyết hậu quả của sự cố, sớm làm rõ nguyên nhân và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên các cán bộ, chiến sĩ vượt qua hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các địa phương liên quan để tổ chức thăm hỏi, chia sẻ những mất mát với gia đình các chiến sĩ gặp nạn, làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội" - ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Thông tin - truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin tức kịp thời, trung thực, chính xác về công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân - Ảnh: Tiến Thắng
10g46: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng xác nhận đã xác định các vật thể, mảnh vỡ thu được trên biển là của máy bay CASA-212

Ngay trong đêm 16-6-2016, tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn (Quân chủng Hải quân), Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng tìm kiếm đã vớt được một số mảnh vỡ và vật thể (bánh xe, ghế, túi, vật dụng cá nhân...); cơ quan chức năng xác định những mảnh vỡ và vật thể thu được là của máy bay CASA-212 số hiệu 8983.

Qua xác minh ban đầu, vị trí vớt được các mảnh vỡ và vật thể tại khu vực nam đông nam Bạch Long Vĩ 20 hải lý, phía đông đường phân định Vịnh Bắc bộ 3 hải lý, trong khoảng thời gian từ 11g30 đến 12g30 ngày 16-6; tại thời điểm đó, thời tiết đột ngột thay đổi xấu, tầm nhìn hạn chế.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Đặc công phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương và ngư dân tiếp tục dồn toàn lực tìm kiếm cứu nạn tại khu vực máy bay CASA-212 gặp nạn, đặc biệt chú ý tìm kiếm các thành viên phi hành đoàn máy bay CASA-212 số hiệu 8983 và phi công máy bay Su 30-KM2 Trần Quang Khải; các đơn vị quân y đã có mặt tại hiện trường sẵn sàng cấp cứu khi tìm thấy nạn nhân.

Các địa phương khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ đã huy động mọi khả năng, nguồn lực của ngư dân, chủ động phối hợp với các lực lượng của quân đội tìm kiếm với tinh thần và quyết tâm cao nhất.

Cũng trong ngày 17-6, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị và các đơn vị đã về địa phương thăm hỏi, động viên gia đình các đồng chí gặp nạn.

Cùng phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ngay sau khi nhận được thông tin từ phía Bộ Quốc phòng Việt Nam, đêm 16-6, Trung Quốc đã cử tàu Nam Hải Cứu - 101 cơ động từ Nam Hải có mặt tại hiện trường, phía Đông đường phân định, đối diện với khu vực máy bay CaSa - 212 gặp nạn vào lúc 5g sáng 17-6.

Tiếp đó, 7g ngày 17-6, 2 tàu Hải cảnh số hiệu 46021 và 45102 của Trung Quốc đã có mặt tại khu vực nêu trên, để cùng sẵn sàng phối hợp với Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng Việt Nam tìm kiếm.

10g45: Hai tàu SAR đã vào tới khu vực phát hiện mảnh vỡ máy bay.

Danh sách cán bộ, nhân viên trên máy bay CASA-212

1. Lê Kiêm Toàn - Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội)

2. Nguyễn Đức Hảo - Thượng tá, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội)

3. Nguyễn Văn Chính - Thiếu tá, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam)

4. Nguyễn Ngọc Chu - Thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương)

5. Lê Văn Đình - Đại úy, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh)

6. Đỗ Văn Mạnh - Thượng úy Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không e 918 Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

7. Lê Đức Lam - Trung úy, CN Cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương)

8. Nguyễn Văn Thái - Trung úy, CN Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

9. Nguyễn Bá Thế - Trung úy CN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình)

10g05: Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đến 9g sáng 17-6, lực lượng tham gia tìm kiếm máy bay CASA-212 số hiệu 8983 mất tích là 1.564 người. Trong đó, có 764 cán bộ chiến sĩ của các quân khu, quân chủng và 800 ngư dân.

Vị trí các phương tiện đang hoạt động tìm kiếm quanh khu vực phát hiện mảnh vỡ của máy bay CASA-212 - Ảnh: Vietnam MRCC
Phương tiện tham gia TKCN gồm 184 chiếc các loại gồm 5 máy bay (3 Mi 171, 2 EC 155), 155 tàu xuồng các loại và hàng trăm loại phương tiện trang bị khác.

Ngay sau khi máy bay CASA-212 số hiệu 8983 mất liên lạc, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, các Bộ tư lệnh Biên phòng, Cảnh sát biển tập trung tìm mọi biện pháp triển khai các tàu có tốc độ cao đến khu vực xác định máy bay mất liên lạc.

Đồng thời thông báo cho các tàu, thuyền, ngư dân đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc bộ tham gia tìm kiếm.

Thành lập Sở chỉ huy phía trước tại Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân do trung tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo công tác TKCN.

Bên cạnh việc tìm kiếm chiếc máy bay tuần thám CASA-212 mất tích, lực lượng TKCN vẫn tiếp tục triển khai tìm kiếm phi công Trần Quang Khải còn mất tích khi chiếc SU 30 MK2 bị rơi trên biển ngày 14-6.

10g: Theo báo Quân đội nhân dân qdnd.vn, 4g30 sáng 17-6, từ Quân cảng Vùng Cảnh sát biển 1, Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác đã lên tàu Cảnh sát biển 4039, cơ động ra khu vực đảo Bạch Long Vĩ, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn phi công Trần Quang Khải và tổ bay Casa 212.

Tại phía Nam Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tàu CSB 4039 tập hợp đội hình với tàu đã thu vớt được một số mảnh vỡ của máy bay CASA-212 trước đó.

Mảnh vỡ máy bay được tàu CSB 2008 vớt trên biển - Ảnh: qdnd.vn

Càng sau bên trái của chiếc CASA-212 - Ảnh: qdnd.vn
Sau khi cập mạn tàu CSB 4039, cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2008 đã chuyển lên tàu CSB 4039 một số bộ phận của chiếc máy bay CASA-212 gồm mảnh khung vỏ, lốp và càng sau bên trái.

Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã nghe chỉ huy các tàu báo cáo kết quả tìm kiếm cứu nạn; động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường; đồng thời yêu cầu các lực lượng khẩn trương tiến hành công tác tìm kiếm tiếp theo, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.

Mảnh vỡ của máy bay Casa 212 - Ảnh: qdnd.vn
9g50: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã đến Hải Phòng và đang đang làm việc với Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân.

9g15: Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm và cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) - cho biết MRCC đã điều 3 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng ra vùng biển máy bay CASA-212 số hiệu 8983 mất tích.

Ông Vũ cũng cho biết các tàu tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc cũng đã có mặt tham gia phối hợp tìm kiếm với các tàu của MRCC.

Đơn vị tác chiến điện tử

9g08: Các phi công thương mại cho biết chưa nhận được tín hiệu báo động của hệ thống định vị khẩn nguy của máy bay Su-30 gặp nạn (ELT: Emergency Locator Transmitter) và cả CASA-212.

8g50: Theo đề nghị của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã điều động tàu NANHAIJIU 101 tới tham gia tìm kiếm.

Đến 6gngày 17-6-2016, tàu NANHAIJIU 101 đã tới hiện trường, dưới sự chỉ huy của tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải SAR 273 để tổ chức tìm kiếm máy bay CASA 8983.

Hiện trường tìm kiếm máy bay CASA-212 chụp từ tàu Sar 411 - Ảnh: Tuấn Phùng

5g30

Theo yêu cầu của Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Giang, từ sáng sớm 17-6, khu vực tìm kiếm được mở rộng ra phía Đông, với sự tham gia của tất cả các lực lượng gồm: phòng không - không quân, hải quân, cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Quân khu 3, tàu cá của ngư dân.

Đồng thời, tàu sona cũng được điều động tìm kiếm mục tiêu chìm, cơ động đến khu vực đảo Bạch Long Vĩ thực hiện nhiệm vụ.

Trong trường hợp xác định được vị trí máy bay rơi sẽ đưa lực lượng đặc công nước và thợ lặn chuyên môn cao tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay CASA 212 mất liên lạc cách phía Nam - Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý

3g30

 Rạng sáng 17-6, tại Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp khẩn, bàn phương án cứu hộ cứu nạn phi công SU-30MK2, thượng tá Trần Quang Khải và tổ bay trên chiếc máy bay tuần thám biển CASA-212 mang số hiệu 8983 của Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Theo thông tin từ QĐND Online, căn cứ vào thực tế tình hình cứu hộ cứu nạn trong những ngày qua, đặc biệt là những diễn biến mới trong ngày 16-6, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sở chỉ huy cứu hộ cứu nạn tại Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân (Thành phố Hải Phòng).

Máy bay tuần thám CASA 212 mang số hiệu 8983 bị mất liên lạc gần khu vực đảo Bạch Long Vĩ.
Trước đó, vào khoảng 12g30 ngày 16-6, trong lúc tham gia tìm kiếm phi công Trần Quang Khải, máy bay tuần thám CASA 212 mang số hiệu 8983 bị mất liên lạc gần khu vực đảo Bạch Long Vĩ.

Ngay sau khi có tin báo sự việc trên, tàu của một số đơn vị đã cơ động đến vị trí máy bay CASA 212 mất liên lạc.

Đến chiều tối ngày 16-6, ở hướng Tây Bắc của vị trí này, lực lượng tại thực địa đã vớt được một số mảnh vỡ. Ngay trong đêm 16-6, các hoạt động tìm kiếm vẫn được triển khai tích cực.

Cơ trưởng của chuyến bay này là Đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918. Chiếc máy bay CASA 212 của lữ đoàn có xuất xứ từ Tây Ban Nha.

Đại tá Lê Kiêm Toàn trong lần trả lời phỏng vấn báo chí sau khi lái máy bay CASA 212 đi tìm máy bay MH370 mất tích ngày 8-3-2014 - Ảnh: V.Sự
Những nguồn tin trên cho biết trên máy bay có 9 người. Máy bay CASA 212 mất liên lạc cách phía Nam - Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý. Cụ thể, CASA mất liên lạc tại tọa độ 19o25'40"N - 107o19'54"E.

CASA 212 của Lữ đoàn không quân vận tải 918 (Quân chủng phòng không - không quân VN) là dòng máy bay trinh sát tuần thám biển hiện đại do Tây Ban Nha sản xuất.

Máy bay CASA 212 là thế hệ mới nhất của dòng máy bay C212 do Hãng Airbus chế tạo, có khả năng bay tuần tra dài 7 giờ. Đặc điểm nổi bật của CASA 212 là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp, rất phù hợp cho hoạt động tuần thám ven biển.

CASA 212 cũng có thể được điều chỉnh để hoạt động tầm cao trong điều kiện nền nhiệt độ lớn và có khả năng thả hàng tiếp tế bằng dù qua hệ thống thả hàng trên cao hay thả hàng bằng dù tầm thấp.

CASA 212 thực thi các chuyến bay thám sát được trang bị hệ thống chuyển dữ liệu qua vệ tinh, máy ảnh đặc dụng tự động ghi vị trí, thời gian. Thiết bị ghi hình ứng dụng hồng ngoại của máy bay có thể hoạt động ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

CASA-212-400 là biến thể mới nhất của dòng máy bay C212, có sải cánh 20,2m; chiều dài 16,1m; chiều cao 6,5m. Tốc độ tối đa của máy bay là 360km/giờ, tầm bay 1.800km; trọng lượng tối đa khi cất cánh là 8,1 tấn.

Đặc điểm nổi bật của máy bay là được trang bị 2 động cơ tuốcbin đẩy nên có khả năng bay thấp so với mặt biển, rất phù hợp cho hoạt động tuần thám ven biển. CASA-212-400 có thể hoạt động trong cả điều kiện ban ngày và ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, có thể cất cánh và hạ cánh ở sân bay dã chiến, đường nhựa…

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đang bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An - cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc.Trên máy bay gặp nạn có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, 39 tuổi và thượng tá Trần Quang Khải, 43 tuổi.

Đến chiều 15-6 sau khi được ngư dân Phạm Văn Lệ - chủ tàu cá HT-20219TS đưa vào bờ an toàn, phi công Nguyễn Hữu Cường đã cung cấp thông tin, tọa độ nơi máy bay rơi cách đảo Mắt hơn 20 hải lý về hướng đông bắc cho Sở chỉ huy tiền phương.

Cũng theo phi công Cường, khi máy bay gặp sự cố thì phi công Khải đã bung dù, nhảy xuống biển trước anh. Hiện anh Cường đang được chăm sóc tại nhà nghỉ Đoàn điều dưỡng chính sách, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, sức khỏe đã ổn định.

Đến nay đã có hơn 100 tàu của các lực lượng bộ đội, biên phòng, tàu kiểm ngư, tàu cá ngư dân cùng hơn 1.000 người phối hợp với máy bay trực thăng, thủy phi cơ quần thảo trên biển để tìm kiếm phi công Khải.

Ngoài ra, các thiết bị chuyên dụng tìm kiếm hộp đen máy bay cũng đang được triển khai quanh khu vực khoanh vùng máy bay Su-30MK2 rơi.

Tuấn Phùng - Tiến Thắng - Doãn Hòa - Thân Hoàng - Đức Hiếu - Lê Kiên/tuoitre online

Chia sẻ bài viết