Tiếng Việt | English

09/09/2016 - 08:24

Người bán vé số và ước mơ huy chương Paralympic

Rạng sáng 10-9 (giờ VN), lực sĩ cử tạ Nguyễn Bình An sẽ thi đấu ở hạng cân 54kg nam tại Paralympic 2016 với ước mơ đoạt tấm huy chương để đời.

Bình An nỗ lực tập luyện để có thể đoạt huy chương Paralympic. Ảnh: Hải Linh
Tuổi thơ Bình An là chuỗi ngày phải chèo chống trên “sông bất hạnh” - như lời của những người từng biết đến anh. Nhà nghèo, năm 16 tuổi, Bình An trên chiếc xe lăn một mình lên TP Trà Vinh học nghề may vá và sửa điện tử. Nhưng sau khi học được nghề, không nơi nào nhận An vào làm việc. Vì vậy, An phải bán vé số mưu sinh.

An đến với cử tạ một cách tình cờ khi phong trào thể thao người khuyết tật nở rộ năm 2008. Lúc mới tập, An chán nản vì người bị đau cả tháng rồi cái ghế ngồi cứ lắc lư chực chờ lật ngửa vì đôi chân teo tóp của anh không đủ sức để kìm lại. Vậy mà ai có ngờ, An hiện đang giữ kỷ lục châu Á hạng cân 54kg nam với thành tích 183kg.

Trước lúc lên đường sang Brazil, An chia sẻ: “Tôi đã sống hết mình với cử tạ vì nó đã giúp tôi có cuộc sống ổn định. Trước đây, tôi bán vé số chỉ được 4 triệu đồng/tháng nhưng phải lo cả gia đình 4 người nên chật vật. Thời gian qua tôi tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM nên ít khi được về thăm con. Ngay cả ngày mùng 1 tết cũng tập. Tôi sẽ cố gắng để có được tấm huy chương Paralympic. Tuy nhiên, tôi quan niệm không có huy chương cũng không sao, miễn là phải vượt qua được chính mình”.

Hiệp hội Paralympic quốc tế (IPC) đánh giá An là ứng viên sáng giá nhất giành HCV hạng cân 54kg nam sau khi đương kim vô địch Sherif Osman (Ai Cập) chuyển lên thi đấu hạng cân 59kg. An cũng đang đứng nhất thế giới trong bảng xếp hạng của IPC năm nay.

Hôm nay, đường đua xanh cũng sẽ dậy sóng khi Trịnh Thị Bích Như tham dự nội dung 50m bướm hạng thương tật S6. Năm lên 3, đôi chân của Bích Như đã teo tóp vì sốt bại liệt. Không đầu hàng số phận, cô gái người Kiên Giang này một mình lên TP.HCM làm đủ nghề: thêu thùa, gia công hàng điện tử, làm trang trí... để kiếm sống.

Chỉ có bơi lội mới giúp Bích Như phá vỡ “bức tường” mặc cảm và cũng nhờ bơi lội cô được đi nhiều nước trên thế giới, được gặp thần tượng Michael Phelps. Bích Như nói: “Do không dễ được dự Paralympic nên tôi quyết tâm đoạt chiếc huy chương Paralympic để đời cho mình”./.

Tấn Phúc/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích