Sách là “người bạn, người thầy lớn”
Thích đọc sách từ thời học phổ thông, ông Nguyễn Đình Phú (70 tuổi), ngụ phường 2, TP.Tân An, vẫn duy trì thói quen đó đến nay. Ông Phú là 1 trong 10 người đầu tiên làm thẻ thư viện khi Thư viện tỉnh được thành lập (nay là Bảo tàng - Thư viện tỉnh). Với ông Phú, sách như “người bạn, người thầy lớn” của mình.
Ông Nguyễn Đình Phú thường xuyên đến thư viện tìm đọc những thông tin cần thiết
“Tôi sinh ra, lớn lên và học tập tại Hà Nội. Từ nhu cầu tìm hiểu kiến thức ở một lĩnh vực cụ thể, tôi tìm kiếm sách liên quan và say mê đọc. Những cuốn sách hay giúp tôi thông hiểu lĩnh vực mình quan tâm, khám phá thêm nhiều điều thú vị và giải đáp những thắc mắc của bản thân” - ông Phú kể.
Sau khi vào miền Nam làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp và nghỉ hưu đến nay, ông Phú vẫn duy trì thói quen đọc sách. Đó là những quyển sách về chuyên môn, các loại sách văn học nước ngoài và đặc biệt là sách thuộc thể loại kinh tế, chính trị, triết học. Có những quyển sách hay giúp ông Phú khai mở nhiều vấn đề trước đây còn hiểu sai, gút mắc, từ đó có cách nhìn đúng đắn, đa chiều hơn. Ông Phú chia sẻ: “Ngày trước đọc sách phần lớn là phục vụ việc học tập và công việc nhưng sau khi về hưu, tôi đọc sách theo sở thích và nhu cầu tìm hiểu kiến thức. Đọc sách còn giúp tôi sống lại thời tuổi trẻ và làm đẹp thêm cho tâm hồn”.
Hiểu được giá trị của sách mang lại và tìm được niềm vui từ đọc sách nên hầu như mỗi ngày, ông Phú đều dành khoảng 2 tiếng để đọc sách. Có những cuốn sách hay, ông đọc lại 4-5 lần và mỗi lần đọc là một chiêm nghiệm mới, thú vị. Đọc sách nhiều nhưng không phải tất cả sách ông đọc đều hay. Ông Phú nói: “Tôi đọc 10 cuốn sách thì chỉ có khoảng 2 cuốn thật sự hay. Tuy nhiên, những cuốn sách còn lại cũng thể hiện được góc nhìn riêng của tác giả”.
Theo ông Phú, để tập và duy trì thói quen đọc sách, người đọc cần tìm sách theo đúng nhu cầu của bản thân để kích thích sự hứng thú, ham thích đọc sách.
“Món ăn tinh thần” không thể thiếu
“Phòng của tôi không có gì ngoài sách. Nó cũng là tài sản vô giá của tôi. Trong đó, tôi có một cuốn sách gối đầu giường để đọc thường xuyên và nghiền ngẫm là Những chân dung truyện Kiều. Theo tôi, cuốn sách đó có những phần phân tích rất hay; chứa đựng những bài học giá trị; góc nhìn, giọng văn của tác giả cũng lôi cuốn người đọc”. Đó là chia sẻ của ông Trịnh Quốc Văn (67 tuổi), ngụ thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.
Ông Trịnh Quốc Văn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày
Là giáo viên về hưu được 13 năm, không còn bắt buộc phải đọc sách chuyên môn, nâng cao kiến thức phục vụ công tác giảng dạy nhưng ông Văn vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Thể loại sách của ông đọc phong phú hơn, phục vụ nhu cầu đời sống và sở thích cá nhân.
Ông Văn bộc bạch: “Từ nhỏ, tôi đã mê đọc sách. Sách giúp tôi nâng cao nhận thức, tích lũy kiến thức và rút ra những bài học giá trị để áp dụng vào thực tế cuộc sống, đặc biệt là trong giáo dục con cháu. Tôi luôn quan niệm, không đọc sách thì thiếu kiến thức giống như người đi đường trong đêm tối, dễ bị vấp ngã”. Với quan niệm ấy nên dù lớn tuổi, đọc rất nhiều sách và đã tích lũy được vốn kiến thức nhất định nhưng ông Văn vẫn không ngừng đọc sách mỗi ngày. Ông xem việc học là suốt đời, không học sẽ bị bỏ lại phía sau trong xã hội phát triển hiện nay. Vậy nên, sách như là “món ăn” tinh thần không thể thiếu mỗi ngày của ông.
Hiện ông Văn quan tâm và đọc nhiều sách về thuốc và sức khỏe, văn học trong và ngoài nước, sách chăn nuôi, thơ và các thể loại báo, tạp chí. “Sách về thuốc và sức khỏe có những bài viết rất hay và hữu ích. Sách về chăn nuôi thì phục vụ việc chăn nuôi của gia đình. Nhờ những cuốn sách ấy, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào thực tế đời sống” - ông Văn thổ lộ.
Đọc sách, ông Văn thường đọc chậm và đọc lại nhiều lần để hiểu tường tận vấn đề. Bởi ông quan niệm, đọc sách là để hiểu chứ không phải đọc cho có rồi nội dung sách đi vào lãng quên. Do vậy, những chi tiết hay, ông thường ghi lại vào sổ tay. Nhờ đọc sách, kiến thức của ông không chỉ được đắp bồi mà tâm hồn còn thoải mái và vui vẻ hơn.
Thông qua việc đọc sách, những người lớn tuổi không chỉ tiếp tục được học tập, trau dồi kiến thức mà cuộc sống cũng thêm vui tươi, nhẹ nhàng, có cái nhìn tích cực hơn./.
Ngọc Thạch