Trở về khởi nghiệp trên quê hương
Trong dòng chảy âm thầm nhưng bền bỉ của công cuộc phát triển vùng biên, sự gắn bó của những thanh niên, nhất là những người từng rời quê lên phố nay trở về, đã mang theo làn gió mới, khát vọng đổi thay. Họ trở về không chỉ với hành trang là kiến thức, kinh nghiệm hay vốn liếng đã tích lũy mà còn mang theo cả tình yêu quê hương, niềm tin vào tương lai nơi biên cương Tổ quốc.

Những thanh niên trẻ nhận nhà từ Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng
Trong buổi lễ khánh thành điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2025, có nhiều hộ dân được nhận nhà từ Đề án của Quân khu 7, chủ yếu là những thanh niên có tuổi đời từ 23-30. Niềm phấn khởi thể hiện rõ trên mỗi gương mặt trẻ khi có được căn nhà khang trang và nhiều thiết bị nội thất phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống.
Vợ chồng trẻ Nguyễn Ngọc Dương, Trần Cát Phượng là một trong những người chọn quay về quê hương Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa để bắt đầu lại từ đầu. Sau nhiều năm làm công nhân tại TP.HCM, thu nhập tuy đều đặn nhưng cuộc sống thường gặp cảnh “giật gấu vá vai”. Phố xá đông đúc, ánh đèn rực rỡ không khỏa lấp được nỗi lo cơm áo. Những lần về quê, đứng trước khoảng trời rộng thênh thang nơi biên giới, vợ chồng anh Dương nhen nhóm ý định trở về.
"Lúc đầu cũng đắn đo lắm! Nhưng rồi khi biết đến chính sách hỗ trợ của Quân khu 7 dành cho người dân lên lập nghiệp nơi biên giới, vợ chồng tôi mạnh dạn về quê. Nhờ Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, gia đình được hỗ trợ xây dựng căn nhà để “an cư, lạc nghiệp”" - anh Dương nói.
Tận dụng mảnh đất gần đường tuần tra biên giới của gia đình, anh Dương bắt đầu những tháng ngày lao động, canh tác. Không phụ công người, sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện vợ chồng anh sở hữu hơn một mẫu đất sản xuất.
Qua trò chuyện, thỉnh thoảng, anh Dương kể lại quãng thời gian bấp bênh làm công nhân ở TP.HCM như kỷ niệm một thời để nhớ. "Phải nhiều lần suy nghĩ, tôi mới đưa ra quyết định rời xa phố thị náo nhiệt, trở về quê lập nghiệp. Giờ đây, cuộc sống ổn định dần, vợ chồng tôi nhận thấy quyết định về quê cách đây mấy năm là đúng đắn" - anh Dương chia sẻ.
Phát triển kinh tế, chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Không riêng anh Dương, vùng biên Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) còn nhiều thanh niên khác cũng đang âm thầm viết nên câu chuyện riêng mình trên mảnh đất quê hương. Lâm Hữu Nhân, chàng trai 23 tuổi, từng làm nhiều nghề ở miền Đông, từ phụ hồ, bốc vác đến chạy bàn, cuối cùng vẫn chọn trở về quê làm nông.
Hiện tại, anh Nhân sở hữu 8 mẫu đất, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ dưa hấu. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật mới, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên thu nhập ngày càng khấm khá. “Không phải ai trẻ cũng ra thành phố. Ở quê cũng có thể sống tốt, miễn là mình có quyết tâm, cần cù, chăm chỉ, chịu khó và biết tính toán” - anh Nhân nói, ánh mắt ánh lên vẻ tự tin.

Người dân sinh sống ổn định và trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế trên biên giới
Ở tuổi 23, khi nhiều người bạn cùng trang lứa còn đang mải miết tìm hướng đi thì anh Nhân đã sở hữu tài sản riêng khá ổn và có kế hoạch phát triển cụ thể, bài bản. Câu chuyện của anh lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thanh niên địa phương, trở thành động lực cho nhiều người trẻ khác cân nhắc con đường trở về quê hương.
Tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, căn nhà mái Thái, nền gạch bông của gia đình anh Dương Thái Hòa nổi bật giữa Khu dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực ấp Tầm Đuông. Hơn 30 tuổi, anh Hòa lên biên giới khởi nghiệp với vốn liếng 3 mẫu ruộng. Nhờ sự nhạy bén trong sản xuất và thị trường, mỗi vụ lúa trúng mùa, được giá, anh thu về gần 400 triệu đồng.
“Có lúc tưởng như không thể bắt đầu lại được. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chính sách thiết thực của Quân khu 7, tôi có niềm tin để gầy dựng lại tất cả. Giờ không chỉ có nhà cửa đàng hoàng mà còn có nguồn thu nhập ổn định" - anh Hòa cho biết.
Không chỉ có anh Hòa, nhiều hộ dân ở các điểm dân cư biên giới giờ đây đã có thể sắm phương tiện đi lại, đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Một diện mạo mới của vùng biên giới đang thay đổi nhanh chóng nhưng cũng chan chứa nghĩa tình.
Những căn nhà mới, những cánh đồng xanh và tiếng nói cười nơi biên cương hôm nay là thành quả từ sự phối hợp bền bỉ giữa chính quyền và lực lượng vũ trang Quân khu 7. Quan trọng hơn, chính tinh thần của người dân, trong đó có những người trẻ đã tiếp sức cho hành trình biến vùng đất gian khó trở thành nơi "an cư, lạc nghiệp" ấm êm.
Biên giới Long An đang "khoác" lên mình "màu áo mới", tươi sáng. Điều đáng quý là trong hành trình xây dựng, phát triển vùng biên, nhiều người đã lên đây lập nghiệp. Với những người trẻ, lên biên giới an cư, lập nghiệp không chỉ dựng xây cuộc sống cho riêng mình mà còn góp phần tích cực trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chung tay vun đắp tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển./.
Lê Đức