Tiếng Việt | English

07/02/2022 - 20:03

Nguy cơ thiếu năng lượng cho châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine

Mặc dù Mỹ đã cam kết tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu nhưng điều này có thể vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng nếu Nga căt đứt nguồn cung cho châu Âu.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, đã có những câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine và đóng cửa tuyến đường xuất khẩu khí đốt tự nhiên để trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.


Cơ sở khí hóa lỏng Sabine Pass, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: AP

Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt Nga đã khiến khu vực này có rất ít lựa chọn trong ứng phó vấn đề Ukraine. Hiện kho dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức thấp. Mặc dù Mỹ đã cam kết tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu nhưng điều này có thể vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Châu Âu đang rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do dự trữ khí đốt của lục địa này dần cạn kiệt sau mùa đông giá lạnh năm 2021, việc sản xuất năng lượng tái tạo bị hạn chế và nguồn cung từ Nga sụt giảm. Giá cả khí đốt tăng chóng mặt đã tạo ra nhiều thách thức cho các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh.

Liệu Nga có cắt đứt nguồn cung cho châu Âu?

Không thể biết trước Nga sẽ hành động ra sao, nhưng chắc chắn việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt khó có thể xảy ra bởi hành động này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả 2 phía. Các quan chức Nga vẫn chưa phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong trường hợp phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia này. Kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng. Dù nước này đã ký hợp đồng bán khí đốt cho Trung Quốc, nhưng nguồn thu chính vẫn đến từ châu Âu.

Còn châu Âu đang phụ thuộc vào Nga – nhà cung cấp 1/3 khí đốt tự nhiên cho khu vực. Vì thế, bất cứ biện pháp trừng phạt nào của phương Tây đều tránh nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Nga sẽ dừng trung chuyển khí đốt thông qua Ukraine trong khi giữ nguyên hoạt động của các đường ống dẫn dưới biển biển Baltic và qua Ba Lan. Theo S&P Global Platts, Nga đã bơm 175 tỷ m3 khí đốt vào châu Âu vào năm 2021, gần 1/4 trong số này đi qua các đường ống dẫn tại Ukraine.

Ông Dan Fried, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng: “Ngay cả khi nguy cơ Nga tấn công Ukraine không có thật, thì vẫn có khả năng Moscow sẽ dừng trung chuyển khí đốt tới Đức thông qua Ukraine”.

Sau đó, Nga có thể đề nghị Đức đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để bù đắp lại lượng khí đốt bị cắt giảm, dù dự án đang phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ.

Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ đang phối hợp với đồng minh để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh báo: “Nếu Nga xâm lược Ukraine, dù bằng cách này hay cách khác thì Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không thể hoạt động”.

Ông Dan Fried cho rằng, ngoại trừ tuyến đường ống dẫn đi qua Ukraine, việc gây gián đoạn các nguồn cung khí đốt khác sẽ ít khả năng xảy ra: “Nếu Nga đẩy vấn đề đi quá xa, họ sẽ vi phạm hợp đồng và cam kết với châu Âu, gây hậu quả không thể khắc phục được. Họ sẽ phải bán dầu mỏ và khí đốt cho một nơi nào đó”.

Mỹ có thể cứu châu Âu?

Mỹ là một nhà sản xuất khí đốt lớn và đang xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ra toàn thế giới bằng tàu biển, song Washington chỉ có thể giúp đỡ châu Âu một phần.

Lý giải điều này, ông Ross Wyeno, nhà phân tích hàng đầu của công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor cho biết: “Mỹ chỉ có thể gia tăng quy mô xuất khẩu khí đốt ở mức độ hạn chế, trong khi lỗ hổng mà châu Âu cần lấp đầy trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung sẽ lớn hơn nhiều”.

Chính quyền Tổng thống Biden đã liên hệ với các nhà sản xuất khí đốt trên toàn thế giới để xem liệu họ có thể gia tăng sản lượng khai thác và vận chuyển khí đốt đến châu Âu hay không. Mỹ hiện đang để mắt đến nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Bắc Phi, Trung Đông, châu Á.

Riêng trong tháng 1/2022, Mỹ đã cung cấp cho châu Âu 2/3 lượng khí LNG xuất khẩu của nước này. Trong vài tuần qua, nhiều tàu chở LNG của Mỹ đang trên đường đến châu Á đã chuyển hướng đi châu Âu vì đối tác châu Âu đưa ra mức giá cao hơn, S&P cho biết.

LNG không dễ giải quyết vấn đề

Chuyên gia Amy Myers Jaffe, phụ trách Phòng thí nghiệm Chính sách Khí hậu tại Đại học Tufts cho rằng, ngay cả khi tất cả các cơ sở nhập khẩu LNG của châu Âu hoạt động hết công suất, lượng khí đốt mà họ có được sẽ chỉ bằng khoảng 2/3 lượng khí đốt Nga cung cấp qua các đường ống dẫn. Hơn nữa, sẽ có nhiều thách thức trong việc phân phối LNG tới tất cả các khu vực của châu Âu do hạn chế về kết nối các đường ống. Ông Luke Cottell, nhà phân tích LNG cấp cao của S&P cho biết, nếu Nga dừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine, thì sẽ cần đến 1,27 chuyến tàu chở LNG mỗi ngày để thay thế nguồn cung đó.

Các chuyên gia cho biết, Nga đã và đang hoàn thành những hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn cho châu Âu, nhưng giao dịch ít hơn trên thị trường giao ngay và chưa lấp đầy các kho dự trữ mà nước này sở hữu trong khu vực. Điều đó đã góp phần đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh. Người tiêu dùng đang phải chịu áp lực lớn do hóa đơn điện và khí đốt ngày một gia tăng. chính phủ nhiều nước châu Âu đã đưa ra các khoản trợ cấp và cắt giảm thuế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình.

Tác động đến Mỹ?

Khi Mỹ tăng cường xuất khẩu LNG, giá khí đốt tự nhiên tại quốc gia này cũng tăng theo. Clark Williams-Derry, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính tại Mỹ cho biết, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng hơn 30% trong tuần cuối cùng của tháng 1/2022, một phần do các cơn bão mùa Đông. Hơn nữa, giá cả cũng bị tác động do nguồn cung của Mỹ bị co hẹp lại trong bối cảnh có lo ngại liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

10 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đã hối thúc Bộ Năng lượng Mỹ tạm dừng phê chuẩn việc gia tăng xuất khẩu khí đốt. Nhóm này cho biết, họ hiểu “các yếu tố chính trị” dẫn đến quyết định của Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu LNG sang châu Âu, song chính quyền cũng phải xem xét khả năng gia tăng chi phí đối với các hộ gia đình ở trong nước./.

Hồng Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết