Tiếng Việt | English

17/05/2021 - 09:34

Nguyễn Thái Bình - Người con yêu nước của quê hương Cần Giuộc

Tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An ngày nay có Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Công viên tượng đài Nguyễn Thái Bình và mới đây, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình chính thức ra mắt như một lời nhắc nhở của thế hệ sau đối với tấm gương thanh niên (TN) yêu nước Nguyễn Thái Bình.

Công viên Nguyễn Thái Bình với bức tượng người anh hùng là lời nhắc nhở chân thực nhất về người thanh niên yêu nước, anh hùng, bất khuất - một tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên ngày nay

Công viên Nguyễn Thái Bình với bức tượng người anh hùng là lời nhắc nhở chân thực nhất về người thanh niên yêu nước, anh hùng, bất khuất - một tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên ngày nay

Cần Giuộc nhớ mãi người anh hùng 

Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình tiền thân là Quỹ học bổng Ước mơ xanh được thành lập từ năm 2013. Mỗi năm, các đội viên đến từ 33 liên đội trong địa bàn huyện đóng góp 2.000 đồng/đội viên (phần còn lại do Huyện đoàn vận động xã hội hóa) để gây quỹ tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi. Mỗi năm, quỹ học bổng trao tặng 40 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng.

Chị Thảo Phương chia sẻ: “Từ năm 2021, Huyện đoàn quyết định đổi tên Quỹ học bổng Ước mơ xanh thành học bổng Nguyễn Thái Bình nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thể hiện lòng biết ơn với anh Nguyễn Thái Bình. Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, TN, Huyện đoàn chủ động nhận chăm sóc một số khu di tích trên địa bàn huyện, trong đó có Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình và cố gắng lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động tại đây để giáo dục truyền thống cho đoàn viên trong tỉnh”.

Hàng năm, Huyện đoàn đều tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày mất người thanh niên yêu nước Nguyễn Thái Bình, thu hút đông đảo đoàn viên, TN tham gia. Ngoài ra, lễ kết nạp đoàn viên tại các trường gần đó cũng được tổ chức tại khu Công viên tượng đài Nguyễn Thái Bình. Anh hùng Nguyễn Thái Bình đã thực sự sống mãi trên quê hương mình. Những việc anh làm, tình yêu của anh dành cho Tổ quốc và sự hy sinh của anh trở thành tấm gương sáng cho lòng yêu nước, quả cảm của TN nói chung và TN vùng đất giàu truyền thống cách mạng Cần Giuộc nói riêng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Mỹ Trang (người lập hồ sơ di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình) cho rằng, anh Nguyễn Thái Bình được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước khó khăn, loạn lạc. Những tấm gương anh hùng của Nghĩa sĩ Cần Giuộc, của Nguyễn Trung Trực, của Trương Định hẳn đã thấm sâu vào con người anh, hun đúc nên tấm lòng yêu nước của anh. Để dù cho sống xa quê hương, học tập dưới nền giáo dục của đế quốc Mỹ, tấm lòng anh vẫn hướng tới quê nhà, và anh có nhiều hoạt động đấu tranh ngay trên đất Mỹ.

Từ năm 2021, Huyện đoàn quyết định đổi tên Quỹ học bổng Ước mơ xanh thành học bổng Nguyễn Thái Bình nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thể hiện lòng biết ơn với anh Nguyễn Thái Bình

Từ năm 2021, Huyện đoàn quyết định đổi tên Quỹ học bổng Ước mơ xanh thành học bổng Nguyễn Thái Bình nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thể hiện lòng biết ơn với anh Nguyễn Thái Bình

Tấm gương yêu nước sáng ngời

Nguyễn Thái Bình là con trai lớn trong một gia đình tư chức nghèo đông con thuộc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc ngày nay. Lúc nhỏ, anh học tại Trường Tiểu học Cần Giuộc (nay là Tiểu học Nguyễn Thái Bình), sau đó vào Trường Trung học Petrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong). Sau khi đỗ tú tài, anh học tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc và sau đó được cấp học bổng “lãnh đạo” sang Mỹ học.

Cũng như lúc ở Việt Nam, khi sang Mỹ anh học rất giỏi, trở thành một trong những sinh viên ưu tú tại Mỹ. Học tập dưới chương trình giáo dục của đế quốc Mỹ nhưng Nguyễn Thái Bình luôn day dứt nghĩ về quê hương đang tang tóc. Anh liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh tại Mỹ và bắt đầu các hoạt động yêu nước ngay tại đất Mỹ khi đang là du học sinh. Nhiều hoạt động của anh gây được sự chú ý đối với cộng đồng người Việt yêu nước ở các quốc gia khác nhau: Tham gia nhiều cuộc biểu tình, míttinh, diễn thuyết,…; góp công thành lập tờ “Thời báo gà” cơ quan ngôn luận của Trung tâm tài liệu Việt Nam, một tổ chức phản chiến của người Việt Nam ở Mỹ; cùng các sinh viên khác chiếm văn phòng tòa lãnh sự của ngụy quyền Sài Gòn tại thành phố New York, phát đi những bản tuyên bố lên án đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn bán nước. Không chỉ vậy, trong buổi lễ trao học vị ở Viện Đại học Washington, nơi anh được công nhận tốt nghiệp hạng danh dự, Nguyễn Thái Bình đã công bố bản “Nợ máu của đế quốc Mỹ với dân tộc Việt Nam”.

Điều đó khiến anh bị cắt học bổng và trục xuất về Việt Nam. Những người yêu nước ở nhiều nơi rất lo lắng cho anh, ngỏ ý muốn giúp anh tị nạn chính trị tại một quốc gia khác. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Bình từ chối, anh hiểu rõ và sẵn sàng đối diện với những nguy hiểm khi trở về quê hương. Trên chuyến bay về lại quê nhà, Nguyễn Thái Bình đã bị ám sát bằng 4 vết đạn vào ngực trái và bị vứt xác xuống đường băng Tân Sơn Nhất.

Cái chết của anh đã làm chấn động dư luận thời bấy giờ. Tấm gương về lòng yêu nước của anh được khắc ghi và ca ngợi. Báo Tiền Phong (số ra ngày 10/8/1972) viết: “Nguyễn Thái Bình là biểu tượng nói lên sự thất bại của chính sách nhuộm đen tuổi trẻ miền Nam của đế quốc Mỹ. Trái tim Nguyễn Thái Bình sống mãi, tiếp tục phát triển để tiến công, cùng làn sóng tiến công vĩ đại của toàn dân Việt Nam đang đè bẹp bọn Mỹ - ngụy”.

Ngày nay, về Cần Giuộc, chúng ta sẽ thấy Công viên Nguyễn Thái Bình với bức tượng người anh hùng cao, đẹp, thấy Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình được đầu tư về cơ sở vật chất, nơi chắp cánh cho bao thế hệ học sinh. Và vẫn còn đó nền gò nhà cũ, mộ Nguyễn Thái Bình ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc. Tất cả là lời nhắc nhở chân thực nhất về người TN yêu nước, anh hùng, bất khuất - tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên ngày nay./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết