Tiếng Việt | English

13/11/2016 - 08:53

Nhà hát Kịch Việt Nam khoác áo mới cho “Truyện Kiều“

Nghệ sĩ Diễm Hương chia sẻ: "Khi xem vở kịch Kiều mọi người sẽ giật mình bởi Kiều sẽ khác với những gì mọi người tưởng tượng".

Ngay từ khi Nhà hát Kịch Việt Nam lên ý tưởng dàn dựng vở kịch “Kiều”, tác phẩm đã được kỳ vọng sẽ là một vở diễn chính kịch lớn góp phần gây tiếng vang cho sân khấu kịch phía Bắc. Bởi giữa lúc sân khấu đang thiếu vắng những vở diễn hấp dẫn khán giả, thì việc Nhà hát Kịch Việt Nam kín rạp cả 7 đêm diễn thử nghiệm được xem là một hiện tượng của sân khấu kịch.

Kiệt tác "Truyện Kiều" của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1765 - 1820) đã trở thành cảm hứng cho nhiều loại hình sân khấu. Từng có Kiều phiên bản cải lương, kịch hình thể “Nguyễn Duy với Kiều” hay thử nghiệm Kiều với opera của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, trong lần lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam vở “Kiều” là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ kịch, ca, hình thể đã mang lại hơi thở mới mẻ và thú vị cho khán giả.


Nhà hát Kịch Việt Nam khoác áo mới cho "Truyện Kiều"

Ông Ngô Quang Năng, khán giả của vở kịch “Kiều” đánh giá: "Vở kịch Kiều này có một cái gì đó mang dáng dấp của người Việt Nam chúng ta: Nhân văn, dũng khí. Chúng ta có một nền văn hóa sâu sắc mà Kiều là một trong những tác phẩm rất điển hình".

Còn Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương, người vào vai vợ gã bán tơ thì cho rằng: "Đa phần người Việt Nam ai cũng biết Truyện Kiều, và có rất nhiều nhân vật đã trở thành nhân vật kinh điển như là Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư… Đạo diễn và tác giả muốn làm một bản diễn để cho mọi người khi đi xem sẽ thấy không phải là kể lại câu chuyện đó mà dùng câu chuyện đó để nói lên điều gì".

Vở kịch “Kiều” được dàn dựng với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật. Tác phẩm là bài ca ca ngợi cái đẹp. Đó không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà còn là vẻ đẹp của tài, sắc, lòng hiếu thảo, thủy chung, chí khí anh hùng… Nếu những ai đã từng xem Thúy Kiều là hình mẫu của người phụ nữ Á Đông, với những thiệt thòi, cam chịu của số phận trong xã hội phong kiến thì trong vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ trẻ Diễm Hương đã thổi hơi thở của thời đại vào Kiều. Ở đây Thúy Kiều là một cô gái cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, mờ mắt trước những lời ngon tiếng ngọt, cũng có mảng tối, có lúc bùng lên đấu tranh.

Nghệ sĩ Diễm Hương chia sẻ: "Khi xem Kiều mọi người sẽ giật mình bởi Kiều sẽ khác với những gì mọi người tưởng tượng, sẽ không phải là một cô gái đơn thuần, cam chịu, với số phận mình phải chấp nhận, sẽ không phải là một cô gái không biết đấu tranh. Cô ấy cũng đấu tranh, những lúc mạnh mẽ, muốn bứt phá và vẫn thể hiện được sự đau khổ, vùng vẫy của mình trong xã hội đấy. Đây sẽ là một Kiều hoàn toàn khác so với Kiều mà mọi người thường nghĩ đến và tưởng tượng".

Vở kịch “Kiều” không cố thuần Việt bằng nón thúng quai thao hay áo tứ thân, đội ngũ sáng tạo đã khéo léo đưa những điệu múa cổ của người Việt như múa "Bài Bông", tiết chế màu đỏ trong các lớp lang, hay thể hiện văn hóa Việt trong từng chi tiết trang phục. Sân khấu được tối giản, trang trí lấy hoa sen làm điểm nhấn với hàm ý như cuộc đời con người lúc hé nở, tràn đầy nhựa sống, lúc nở rộ khoe sắc và cả khi úa tàn. Những câu Kiều đắt và ăn vào tâm trí người Việt từ bao đời nay khi thành lời thoại, lúc được ngâm, khi lại thành ca từ réo rắt…

Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Anh Tú chia sẻ: "Tư tưởng dựng vở Kiều lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam là phải giữ đúng nguyên tác với bao nhiêu tang thương cho thân phận người thiếu nữ tài sắc như thế. Cái thứ 2 tôi rất thích ở truyện kiều của Nguyễn Du là tính dự báo: Khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi thì nó làm đảo lộn rất nhiều thứ khác, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp".

NSND, đạo diễn Anh Tú không khai thác "Truyện Kiều" chỉ với những bất công, tàn ác hay từ nỗi đau này đến bất hạnh khác mà đã đi sâu vào vẻ đẹp thiện lương trong mỗi nhân vật. Để vở kịch mang giá trị nhân văn sâu sắc, đạo diễn cũng khá mạnh dạn khi thêm các nhân vật như vợ lão bán tơ để tô điểm cho cuộc sống: "Truyện Kiều ca ngợi vẻ đẹp, vẻ đẹp ở đây không chỉ là một bông sen, một cành cây, một rặng liễu, một cây cầu mà chủ yếu là vẻ đẹp thiện lương trong mỗi con người. Ngay cả những nhân vật rất xấu, rất ác như Tú Bà thì tôi cũng cố tìm ra những giây phút mà tưởng như rất thiện lương của Tú Bà. Tôi nghĩ đấy chính là tư tưởng Nguyễn Du gửi gắm trong truyện Kiều".

Vẫn còn hơn 500 câu Kiều chưa được thể hiện trong vở kịch “Kiều”, vở kịch dừng lại ở cảnh nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn sau 15 năm bị vùi dập, trôi dạt. Nhưng với bấy nhiêu nhân vật từ Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải đến Tú Bà, Hoạn Thư, Sở Khanh… kịch “Kiều” vẫn chuyển tải trọn vẹn câu chuyện về nàng Thúy Kiều đến khán giả hôm nay. Tác phẩm đã khẳng định hướng đi đúng của Nhà hát Kịch Việt Nam trong việc dàn dựng và công diễn những tác phẩm kinh điển của thế giới và Việt Nam./.

Ngọc Ngà/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết