Tài tử Huỳnh Lý thắp hương bàn thờ đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại sau khi hoàn thành màn trình diễn của mình
Sẵn sàng lùi lại phía sau
Sau màn trình diễn của mình tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Long An mở rộng năm 2023, tài tử Huỳnh Lý (SN 1995) lặng lẽ đến thắp hương bàn thờ đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại thêm lần nữa. Chị Lý chia sẻ, dù đã thể hiện hết khả năng trong tiết mục của mình nhưng chị vẫn chưa hết hồi hộp, lo lắng. Chị nói: “Đây là lần đầu tiên tôi ca vọng cổ nhịp 16 nên lo lắm! Được các thầy, cô tin tưởng, hướng dẫn và động viên, tôi đã cố gắng hết sức. Được học và biểu diễn ĐCTT như hiện nay, với tôi là điều may mắn và hạnh phúc”.
Huỳnh Lý là tài tử trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tỉnh. Chị hiện là giáo viên tại xã biên giới Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa), vừa tham gia học, sinh hoạt tại CLB ĐCTT tỉnh và là một trong những học trò xuất sắc của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hồng Cúc. Từ khi biết Huỳnh Lý đam mê ĐCTT và có năng khiếu trong lĩnh vực này, NNƯT Hồng Cúc nhiệt tình hỗ trợ, truyền dạy giúp Huỳnh Lý nâng cao kỹ năng của mình. Trong các liên hoan, hội thi lớn cấp khu vực và toàn quốc, CLB ĐCTT tỉnh cũng tin tưởng tạo cơ hội cho Huỳnh Lý tham gia biểu diễn. Tài tử Huỳnh Lý chia sẻ: “Nhờ được tạo điều kiện tham gia các liên hoan, cuộc thi lớn nên tôi được học hỏi rất nhiều, có thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được các thầy, cô dìu dắt và hướng dẫn cho đến bây giờ”.
Tạo điều kiện cho thế hệ tiếp nối là điều mà những người đang hoạt động trong lĩnh vực ĐCTT luôn tâm niệm để bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy. NNƯT Tấn Khoa chia sẻ, trong rất nhiều liên hoan, hội thi, các NNƯT của tỉnh đã “lùi lại phía sau”, tạo điều kiện cho các tài tử, nghệ nhân trẻ thể hiện tài năng của mình. Suốt đời say mê và theo đuổi ĐCTT, NNƯT Tấn Khoa còn trao truyền đam mê đó cho con mình - tài tử Nguyễn Minh Khang. Và khi con trai chọn chuyên ngành Âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện TP.HCM để theo học thì NNƯT Tấn Khoa hết lòng ủng hộ. Anh Khang vừa tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM và tham gia sinh hoạt tại CLB ĐCTT tỉnh.
Tài tử Huỳnh Lý biểu diễn tại Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Long An mở rộng năm 2023
Chính sự hết lòng của lớp người đi trước đã tạo nên nền tảng cho thế hệ sau, giúp những người tiếp nối có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân. Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian, thành viên Ban tham vấn nghệ thuật tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Long An mở rộng năm 2023 - Võ Trường Kỳ nhận xét: “Liên hoan năm nay có một điểm mừng là nhiều người trẻ, trong đó, nhiều người có bản lĩnh và kỹ năng biểu diễn trên sân khấu tham gia. Hỏi ra mới biết, họ đều được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM. Bây giờ, việc đào tạo thế hệ kế thừa cho ĐCTT được chú trọng hơn. Các bạn trẻ nếu không có điều kiện theo học tại Nhạc viện thì cũng được tham gia các lớp học, lớp tập huấn nâng cao do các CLB, trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thanh các huyện, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Được tham gia nhiều lớp học giúp các tài tử trẻ nâng cao cả về nhận thức lẫn kỹ năng trình diễn”.
Việc đào tạo được chú trọng
Đúng như lời Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ, ngày nay, các lớp học về ĐCTT được tạo điều kiện mở thường xuyên hơn trước, phục vụ nhu cầu học và tìm hiểu của người dân. Tại huyện Mộc Hóa, mỗi năm đều có các lớp học, bồi dưỡng nâng cao về ĐCTT do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện tổ chức. Thậm chí, trong mùa dịch, lớp học ĐCTT còn được mở online. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Mộc Hóa - Lê Thị Cẩm Châu cho biết, trung tâm đặc biệt chú trọng việc mở các lớp đào tạo ĐCTT. Không chỉ mở lớp cho người lớn, trung tâm còn tổ chức lớp cho học sinh, tạo điều kiện cho các bạn nhỏ có cơ hội tiếp cận với ĐCTT.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Mộc Hóa - Lê Thị Cẩm Châu luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các thành viên trẻ của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Mộc Hóa
Chị Châu rất tâm huyết trong việc gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật ĐCTT và luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để người trẻ tham gia sinh hoạt. Khi phát hiện nhân tố trẻ có tiềm năng, ngoài việc vận động tham gia sinh hoạt ĐCTT, chị còn sẵn sàng đến tận nhà hướng dẫn cách ca nếu các em chưa sắp xếp được thời gian. Chị Châu chia sẻ, chị hy vọng có thể mở các lớp dạy ĐCTT trong trường học để các bạn nhỏ có nhiều cơ hội hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống của cha ông.
ĐCTT vốn được sinh ra và gìn giữ bởi người dân, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ và hấp dẫn nhưng ĐCTT vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng mỗi người dân. Và trách nhiệm của người đi trước chính là nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa đam mê ĐCTT trong thế hệ trẻ./.
Thu Lam