Phương châm “Tô lại sắc hồng cuộc sống” của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Thư viện tóc là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực đồng hành cùng bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh quái ác. Sau khi tiếp nhận tóc từ người hiến tặng, Thư viện tóc sẽ xử lý qua nhiều bước để làm thành một bộ tóc giả đẹp.
Chị Lê Thị Thanh Hương (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) biết đến Thư viện tóc trong một lần xem mạng xã hội. Chị Hương tâm sự: “Tôi xem câu chuyện của một bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị, tóc bị rụng nên rất mặc cảm. Khi được Thư viện tóc tặng một bộ tóc giả làm từ tóc thật thì chị ấy vui lắm! Mái tóc chính là vẻ đẹp của người phụ nữ nên tôi rất hiểu cảm xúc của chị.
Vậy là tôi ấp ủ dành phần tóc của mình để mang đi hiến. Tôi chăm sóc để tóc đạt độ dài thích hợp là quyết định cắt và gửi tặng Thư viện tóc ngay. Tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng tôi hy vọng mình có thể giúp bệnh nhân tự tin, vui sống, vượt qua bệnh tật”.
Chị Hương còn lan tỏa hành động này đến nhiều bạn bè bằng cách chia sẻ ý nghĩa, cách thức tham gia trên mạng xã hội. Nhờ vậy, 2 người bạn của chị biết đến và quyết định hiến tóc để góp phần mang lại vẻ đẹp cho các bệnh nhân ung thư.
Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam. Điều trị ung thư vú rất đau đớn về thể xác và tinh thần. Để chia sẻ phần nào nỗi đau đó, nhiều phụ nữ đã chăm sóc cẩn thận mái tóc đen dày của mình chờ ngày đủ dài để hiến tặng. Trong đó có chị Nguyễn Hoàng Oanh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức).
Chị Oanh chia sẻ: “Bạn tôi rất yêu tóc,chăm sóc tóc cẩn thận nhưng bỗng một ngày tôi thấy tóc bạn chỉ ngắn đến gáy. Tôi hỏi thì mới biết về hoạt động hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Càng tìm hiểu, tôi càng xúc động và khâm phục trước sức mạnh chiến đấu của các bệnh nhân. Vậy là tôi “nuôi” tóc từ đầu năm 2022 đến nay để hiến. Dù trước đây không thích tóc ngắn nhưng từ khi hiến tóc, tôi lại cảm thấy rất vui mỗi khi ngắm mình trước gương. Vì tôi biết cũng có một người rất vui khi ngắm nhìn mái tóc dài vừa được nhận”. Chị Oanh "bật mí" thêm, chị đang chờ ngày tóc dài trở lại để hiến lần nữa.
Câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là gốc con người” cho thấy người Việt rất coi trọng hàm răng, mái tóc. Mái tóc dài thể hiện nét dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Một mái tóc đẹp, khỏe còn giúp phụ nữ tự tin hơn nhưng với sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia, việc hiến tóc đã trở thành mục đích của nhiều người khi chăm sóc tóc.
Chị Nguyễn Ngọc Hiền (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) từ khi còn nhỏ đã rất yêu mái tóc dài của mình. Mẹ của chị Hiền khi nghe con gái muốn cắt 30cm tóc liền phản đối vì từ nhỏ chị Hiền luôn để tóc dài ngang lưng. “Mẹ đã quen với hình ảnh tóc dài của tôi nên rất khó chấp nhận việc tôi cắt tóc. Để thuyết phục, tôi đã giải thích về ý nghĩa của hoạt động này để mẹ hiểu. Sau khi hiểu rõ, mẹ rất ủng hộ việc làm của tôi” - chị Hiền kể.
Chị Nguyễn Ngọc Hiền (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) dù rất yêu mái tóc dài của mình nhưng vẫn quyết định hiến tặng bệnh nhân ung thư
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể tham gia hiến tóc khi đủ điều kiện của chương trình. Em Nguyễn Yên Lam (7 tuổi, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) từ 2 năm trước đã biết đến việc hiến tóc cho các bạn nhỏ bị ung thư.
Mẹ của Yên Lam - chị Nguyễn Nhật Linh chia sẻ: “Con tôi xem clip thấy các bạn nhỏ mắc ung thư rất vui khi được đội tóc mới. Con nói muốn giúp các bạn nhưng khi đó tóc con còn ngắn lắm. Tôi nghĩ con còn nhỏ nên sẽ nhanh quên. Nhưng đầu tháng 5/2024, Lam nhắc với tôi về việc cắt tóc hiến tặng. Tôi bất ngờ về trí nhớ của con, song cũng dắt con ra tiệm cắt tóc rồi gửi về Thư viện tóc. Là một người mẹ, tôi rất vui khi con mình còn nhỏ đã biết chia sẻ, yêu thương mọi người”.
Em Nguyễn Yên Lam (7 tuổi, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) từ lâu đã muốn gửi tóc cho các bạn nhỏ mắc bệnh ung thư
Nếu ngày trước mái tóc dài chỉ làm đẹp cho ai sở hữu nó thì ngày nay, mái tóc đẹp còn có thể trao đi thay lời động viên tinh thần cho rất nhiều bệnh nhân điều trị ung thư. Hãy cùng lan tỏa hành động ý nghĩa này để ai cũng được yêu thương./.
Thế Lan