Tiếng Việt | English

08/12/2023 - 08:51

Những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Thời gian qua, trên lĩnh vực nông nghiệp xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới với cách làm hay, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nông dân, nâng tầm giá trị nông sản.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới vào chăn nuôi mà những con bò của anh Huỳnh Tiến Khoa luôn đạt chất lượng cao

Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới vào chăn nuôi mà những con bò của anh Huỳnh Tiến Khoa luôn đạt chất lượng cao

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn thay đổi nhận thức, cách làm của nông dân. Đến nay, anh Huỳnh Tiến Khoa (ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có trên 15 năm kinh nghiệm nuôi bò.

Anh Khoa cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi bò theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau này, nhờ tham gia vào hợp tác xã (HTX), học hỏi được nhiều kinh nghiệm, tôi chuyển sang nuôi bò ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả”.

Ban đầu, anh Khoa chỉ nuôi 2 con bò, thấy hiệu quả nên anh đầu tư, mở rộng chuồng trại. Đến nay, đàn bò của anh có trên 30 con với 4 giống: Bò vàng, bò 3B, bò cọp, bò kem. Anh Khoa cho biết thêm, từ khi vào HTX, được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc cải tạo chất lượng đàn bò, tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp, chi phí chuồng trại và thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng. Được biết, HTX Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông có 51 thành viên nuôi 180 con bò, trong đó có 80 con bò sinh sản. Tham gia HTX, nông dân còn được hỗ trợ thuốc tiêm ngừa, kỹ thuật phòng bệnh cho bò, ổn định sản phẩm đầu ra.

Theo anh Khoa, nuôi bò ít rủi ro mà hiệu quả cao, có thể chủ động về thời gian. Buổi sáng, anh dọn chuồng, tắm bò, lấy cỏ cho bò ăn. Đến khoảng 14 giờ thì cho bò ăn xác mì trộn với thực phẩm. Tối chỉ cần bỏ rơm cho bò ăn tới sáng. Để phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên bò, mỗi tuần, anh sẽ chủ động phun thuốc khử trùng chuồng 2 lần, 1 tháng tiêm ngừa phòng bệnh cho bò 1 lần. Nếu phát hiện bò bị bệnh phải kịp thời cách ly khỏi đàn và điều trị. Riêng với số bò còn lại trong chuồng, anh sẽ tiêm thuốc, xịt khử trùng để tránh lây lan. Ngoài ra, anh còn tận dụng phân bò ủ làm phân bón cho cỏ, lúa. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng từ việc nuôi bò.

Trồng chanh không hạt mang lại thu nhập cao

Từ sau khi xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, huyện Bến Lức tập trung phát triển vùng trồng chanh, thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển từ trồng mía sang trồng chanh, đặc biệt là chanh không hạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Tươi là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh nhiều năm liền

Anh Nguyễn Văn Tươi là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh nhiều năm liền

Trước đây, anh Nguyễn Văn Tươi (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) trồng mía. Tuy nhiên, giá mía bấp bênh, không có đầu ra ổn định nên năm 2012, anh chuyển một số diện tích trồng mía sang trồng chanh không hạt. Thấy cây chanh hợp với thổ nhưỡng, mang lại lợi nhuận cao, năm 2016, anh chuyển toàn bộ 4ha đất canh tác sang trồng chanh không hạt.

Anh Tươi chia sẻ, trồng chanh không hạt chỉ mất khoảng 1,5 năm là có thể hoạch vụ đầu tiên. Nếu sử dụng phân bón hữu cơ, có thể kéo dài tuổi cây từ 6-8 năm. Đặc biệt, giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ hai trở đi cây bắt đầu cho năng suất cao. Cứ khoảng 15 ngày, gia đình anh thu hoạch trái một lần, trung bình khoảng 3-4 tấn/tháng. Nhờ ký kết được với công ty thu mua nên giá cả ổn định, từ 15.000-23.000 đồng/kg chanh, tùy thời điểm. Giá này cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg. Mỗi tháng, gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

“Cây chanh dễ bị nhện, đốm hồng hay bị ghẻ nhưng nhờ tôi áp dụng thuốc đúng liều, bón phân hữu cơ và trồng đúng kỹ thuật nên vườn chanh ít khi bị bệnh. Ngoài ra, sử dụng bón phân hữu cơ vào trồng trọt sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đất cũng ít bị cằn cỗi hơn” - anh Tươi nói.

Trồng dưa lưới trong nhà màng - mô hình kinh tế đầy tiềm năng

Nhu cầu về nông sản sạch ngày càng cao nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được nông dân hưởng ứng. Hiện tại, anh Nguyễn Hồng Quang (ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) sở hữu 5 nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 5.000m2. Theo anh Quang, chi phí đầu tư mỗi nhà màng khoảng 400-500 triệu đồng.

Trồng dưa lưới trong nhà màng là mô hình kinh tế đầy tiềm năng

Trồng dưa lưới trong nhà màng là mô hình kinh tế đầy tiềm năng

Lợi thế vì có nhiều nhà màng nên anh xoay vòng mỗi nhà màng sẽ trồng cách nhau 15 ngày để bảo đảm quy trình sản xuất liên tục. Dưa lưới là loại cây trồng ngắn ngày, giá cả ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Anh Quang cho hay, dưa lưới chịu nắng và nóng rất tốt, không chịu được thời tiết lạnh, mưa và sương nên phải trồng trong nhà màng. Bên cạnh đó, khi trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ hạn chế được các loại sâu, bệnh gây hại. Dưa lưới thường bị bọ trĩ nên trước khi vào vụ gieo trồng mới, anh vệ sinh sạch sẽ nhà màng, phun thuốc vào những vách lưới, tránh bọ trĩ xâm nhập.

Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 80-90 ngày, mỗi quả đến kỳ thu hoạch có trọng lượng khoảng 2kg. Theo anh Quang, để có được những quả dưa chất lượng tốt nhất, phải canh khi dây ra khoảng 25 lá sẽ ngắt ngọn, mỗi dây chỉ để 1 trái để bảo đảm trái đạt chất lượng tốt nhất. Chăm sóc đúng cách, hệ thống nhà màng bảo đảm nên dưa lưới sinh trưởng và phát triển tốt. Trung bình 1 nhà màng, anh thu hoạch khoảng 4 tấn dưa. Anh đã ký hợp đồng với công ty thu mua nên đầu ra ổn định, dưa loại 1 bán với giá 30.000 đồng/kg, loại 2 là 25.000 đồng/kg. Mỗi năm, lợi nhuận của gia đình anh Quang khoảng 200 triệu đồng từ 5 nhà màng trồng dưa lưới.

Chi phí đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng nếu trồng đúng kỹ thuật, dưa lưới sẽ cho năng suất và lợi nhuận cao

Chi phí đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng nếu trồng đúng kỹ thuật, dưa lưới sẽ cho năng suất và lợi nhuận cao

Hiện nay, có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nông dân thực hiện. Những mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cung cấp cho thị trường những nông sản chất lượng, an toàn./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết