Tỉnh An Giang có đường biên giới gần 100km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia; với 2 cửa khẩu quốc tế là: Vĩnh Xương, Tịnh Biên; 2 cửa khẩu quốc gia là: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông. Ngoài các cửa khẩu này, trên tuyến biên giới còn có nhiều đường mòn, lối mở… Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các loại tội phạm.
Trong những năm trước đây, các địa phương biên giới như: huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu… là những địa bàn nóng về hoạt động của các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hiện đơn vị vẫn đang duy trì thường xuyên 210 tổ, chốt trên tuyên biên giới.
Đại úy Nguyễn Phước Tới, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú cho biết, trước đây, các đối tượng buôn lậu thường buôn lậu, vận chuyển hàng hóa với quy mô, số lượng lớn với thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm, cắt cử người canh giữ, rồi chờ người đến nhận. Nếu bị phát hiện, chúng bỏ lại hàng hóa, phương tiện để thoát thân. Phương tiện dùng chở hàng lậu đều không có giấy tờ, biển số giả hoặc đã bôi đen biển số.
Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu không trực tiếp thực hiện mà thuê người dân vùng biên giới làm thay. Ngoài ra chúng còn cho hàng hóa vào túi nilon rồi kéo dưới nước để tuồn sang Việt Nam; thậm chí còn sử dụng phương tiện hiện đại như flycam (máy bay không người lái) để theo dõi lực lượng chống buôn lậu trên biên giới…
Bộ đội Biên phòng An Giang cùng các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát vừa quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng, chống buôn lậu, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Với sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, địa bàn; tăng cường việc tuần tra, kiểm soát..., Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã đấu tranh hiệu quả với công tác phòng chống buôn lậu. Từ đó, tình hình hoạt động buôn lậu, tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Nhất là từ khi dịch Covid 19 bùng phát, các đơn vị cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ biên giới; đấu tranh với các loại tội phạm vừa tăng cường phòng, chống dịch, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép.
“Các đối tượng vận chuyển hàng lậu hoạt động cả ngày lẫn đêm, có điều kiện thích hợp là chúng hoạt động, nên rất khó khăn trong công tác kiểm soát. Trước tình trạng đai vác, vận chuyển hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, rồi tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, 100% cán bộ, chiến sỹ của đồn biên phòng quyết liệt tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới. Các tổ công tác hàng ngày tổ chức kiểm soát lưu động, kiểm soát chặt các đường mòn, kênh, rạch qua biên giới, không cho các đối tượng vận chuyển hàng hóa, buôn lậu qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép” - Đại úy Nguyễn Phước Tới chia sẻ.
Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Ngoài việc chủ động đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, với các lực lượng chức năng chống buôn lậu tỉnh để phát huy sức mạnh, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới. Từ đó, đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, kéo giảm đáng kể quy mô, phương thức hoạt động buôn lậu trên địa bàn. Hiện các đối tượng “đầu nậu” buôn lậu trên địa bàn co cụm hoặc ngừng hoạt động, không dám mua bán, tàng trữ và vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, mà chủ yếu diễn ra với mật độ nhỏ lẻ.
Về tội phạm ma túy, năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã độc lập xác lập, đấu tranh thành công 1 chuyên án; bắt, xử lý 16 vụ buôn lậu, tang vật thu giữ gồm: hơn 7kg heroin; hơn 9 gram ma túy đá; hàng trăm kg cần sa khô và nhiều tang vật có liên quan... Phối hợp bắt 4 vụ, với 7 đối tượng; tang vật thu giữ: hơn 6 gram ma túy đá, hơn 10kg cần sa khô.
Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã độc lập xác lập, đấu tranh thành công 3 chuyên án về buôn lậu; bắt gần 400 vụ buôn lậu, tang vật thu giữ gồm: vàng, ngoại tệ, tiền Việt Nam đồng, thuốc lá ngoại các loại, đường cát Thái Lan,... Tổng trị giá hàng hóa gần 21 tỷ đồng. Phối hợp cùng các lực lượng bắt 170 vụ buôn lậu, với tổng giá trị hàng hóa là hơn 5 tỷ đồng…So với các năm trước, không chỉ giảm về số vụ mà còn giảm về quy mô.
Năm 2021 Bộ đội Biên phòng An Giang bắt hàng trăm vụ buôn lậu, tổng trị giá hàng hóa hàng chục tỷ đồng..
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, hiện nay, do giá cả một số mặt hàng vẫn còn chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước như: thuốc lá, đường cát, vàng, mỹ phẩm, đồ điện tử... Mặc dù biên giới đã được các lực lượng chức kiểm soát chặt chẽ, nhưng vì lợi ích cá nhân, các đối tượng buôn vẫn dùng mọi phương thức, thủ đoạn để hoạt động và ngày càng tinh vi hơn. Từ đó đặt ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Hiện đơn vị vẫn đang duy trì thường xuyên 210 tổ, chốt với hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát siết chặt biên giới, vừa quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng, chống buôn lậu, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
“Chúng tôi tăng cường các lực lượng ở trên biên giới, siết chặt các đường mòn, lối mở, kênh rạch, những nơi các đối tượng buôn lậu thường xuyên qua lại cả ngày và đêm. Thứ hai là làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, không để kẻ xấu móc nối, mua chuộc cán bộ, chiến sĩ. Thứ ba nữa là, xem công tác đấu tranh chống tội phạm và buôn lậu là một trong công tác song song với nhiệm vụ phòng chống dịch hiện nay. Thứ tư là, phối hợp với các lực lượng chức năng ở trên biên giới thực hiện tốt các quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm và buôn lậu. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không vận chuyển, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu” - Đại úy Trần Quốc Khánh cho biết.
Qua nắm tình hình, hiện nay trên địa bàn biên giới An Giang phía ngoại biên có 35 kho, điểm tập kết chứa hàng hóa còn hoạt động. Trong nội biên có 14 kho, điểm tập kết chứa hàng hóa còn hoạt động. Có 31 chủ hàng, đầu nậu còn lén lút hoạt động.
Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với các lực lượng chức năng khác của tính phá nhiều chuyên án.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Thời gian qua, với sự chủ động, quyết liệt đấu tranh của các lực lượng chức năng, trong đó Lực lượng Bộ độ Biên phòng là lòng cốt, tình hình buôn lậu và các hoạt động tội phạm ở biên giới cơ bản đã được kiềm chế và có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới của tỉnh vẫn còn phức tạp; phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tìm đủ mọi cách để đưa hàng lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Do đó, lực lượng chống buôn lậu của tỉnh, trong có lực lượng Biên phòng phải có biện pháp, giải pháp phối hợp, đồng bộ để xử lý triệt để, tận gốc các đường dây, địa bàn, tụ điểm, đối tượng hoạt động phức tạp.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu của tỉnh đạt kết quả khá tốt. Được thành công này là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như: Biên phòng, Công an, Quàn lý thị trường… Trong đó, Biên phòng đã quản lý chặt biên giới không để buôn lậu tràn lan.
"Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, phải thực hiện nhiệm vụ kép. Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ giữa công an, quản lý thị trường, biên phòng… siết chặt việc qua lại biên giới trái phép, không để hàng lậu, hàng giả, hàng gian xâm nhập, không để An Giang là nơi trung chuyển hàng hóa buôn lậu đi các nơi khác” - ông Bình nói.
Để đấu tranh hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng An Giang đã và đang chủ động, quyết liệt với nhiều biện pháp; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng, địa phương trên địa bàn, nắm tình hình, trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới và các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khu vực biên giới đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới./.
Phan Ánh/VOV-ĐBSCL